, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/04/2022, 15:07

Sản xuất sắn thiếu tính bền vững

BẢO HÂN
(nhandan.vn)
Ở Việt Nam, sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, vốn đầu tư thấp, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ.
Ảnh minh họa  (Nguyễn Thanh Sơn)

Sắn đồng thời cũng là cây dùng làm thức ăn cho gia súc và tinh bột sắn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, thị trường đầu ra tốt. Tuy nhiên, việc sản xuất sắn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do việc liên kết sản xuất còn mờ nhạt; một số nhà máy có công nghệ chế biến lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; việc phát triển nhà máy chế biến ở một số nơi chưa gắn với vùng nguyên liệu…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021 diện tích sắn cả nước có khoảng 528 nghìn ha, năng suất sắn bình quân đạt 20,3 tấn/ha, sản lượng gần 10,7 triệu tấn. Nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và giải quyết nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến ngoài việc nghiên cứu chọn tạo các giống sắn có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá thì tiêu chí thời gian sinh trưởng ngắn có thể trồng rải vụ cũng đang được các viện tập trung nghiên cứu để đưa vào sản xuất.

Cùng với đó, thời vụ trồng sắn hiện nay cũng có sự thay đổi khi các giống mới với những ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, hàm lượng tinh bột lớn, dạng cây ít phân canh được trồng phổ biến. Hiện nay, các giống sắn đang được trồng có thời gian sinh trưởng từ 9 - 12 tháng. Qua thực tiễn sản xuất cho thấy cây sắn cho năng suất cao, chất lượng tốt khi được trồng đúng khung thời vụ bảo đảm thời gian thu hoạch và điều kiện thời tiết thuận lợi.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trên cả nước hiện có khoảng 300 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có các thành viên là những hộ trồng sắn. Tuy nhiên, vai trò của các hợp tác xã này đối với chuỗi giá trị sắn rất mờ nhạt; các hợp tác xã chủ yếu cung cấp một số vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp còn vai trò trong liên kết chuỗi giá trị sắn với các doanh nghiệp chế biến rất hạn chế. Liên kết giữa nhà máy chế biến với hợp tác xã chủ yếu là thông tin về giống, giá cả thu mua sản phẩm, sự phối hợp về cung ứng giống thông qua dịch vụ, đào tạo kỹ thuật.

Bên cạnh đó, một số nhà máy chưa có chính sách, cơ chế phối hợp, thu hút hợp tác xã vào trong chuỗi cung ứng sản phẩm sắn cho nhà máy. Mặt khác, vai trò của hợp tác xã trong cung ứng sản phẩm còn mờ nhạt. Trên thực tế, người trồng sắn vẫn muốn có sự ràng buộc với nhà máy, giúp định hướng sản xuất, ổn định đầu ra cũng như chia sẻ rủi ro khi gặp những bất lợi về thời tiết, sâu bệnh, giá cả bấp bênh.

Qua thống kê, hiện nay, trên địa bàn cả nước có 27 địa phương có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến tinh bột sắn ở Việt Nam thuộc mức trung bình so với thế giới. Đa số các nhà máy chế biến sắn đều có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả hoạt động của hệ thống chưa đạt yêu cầu. Các nhà máy đều có hồ chứa sinh học để xử lý nước thải nhưng công suất không đủ, công nghệ xử lý chất thải chưa triệt để. Mặt khác, cơ sở chế biến sắn công suất nhỏ hầu hết chỉ được trang thiết bị tự chế tạo nằm rải rác gần khu dân cư và các làng nghề ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Hơn nữa, sản phẩm chế biến chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm giá trị gia tăng cao. Số nhà máy chế biến sắn và sản phẩm sắn được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tỷ lệ 91,5%, chứng nhận ISO quản lý đạt tỷ lệ 82,2% và chứng nhận ISO môi trường, đạt tỷ lệ 84,5%.

Để cây sắn phát triển bền vững, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát quy mô, kế hoạch định hướng phát triển sản xuất sắn trên phạm vi cả nước; chủ trì phối hợp địa phương, doanh nghiệp chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn rà soát, xây dựng vùng sản xuất tập trung; ban hành các quy trình canh tác sắn bền vững, quy trình nhân giống sạch bệnh.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống; tập trung hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất tại các vùng sản xuất sắn tập trung; cung cấp thông tin về nhu cầu tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn cho các nhà máy và người dân; nhân rộng các giống sắn mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao; ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác sắn bền vững giúp nông dân sản xuất sắn áp dụng một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung ổn định gắn với các nhà máy chế biến; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong việc liên kết sản xuất với chế biến; phát triển các hợp tác xã tại các vùng trồng sắn tập trung; tăng cường dự tính dự báo, tổ chức phòng trừ kịp thời hiệu quả sâu bệnh trên cây sắn, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn; tăng cường công tác khuyến nông đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, mô hình canh tác sắn bền vững…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất