, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/01/2021, 15:08

Sáng bừng trên giấy điệp

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

“Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu. Mua tờ tranh điệp tươi màu, mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”… Câu ca dao bật ra đâu đó trong vùng ký ức thời thơ dại khi tôi đi dọc bờ đê hữu sông Đuống lộng gió để tìm lối rẽ vào làng tranh Đông Hồ.

Theo mũi tên chỉ dẫn của tấm biển đề “Tranh Đông Hồ”, tôi xuống hết dốc thì gặp ngay xưởng sản xuất tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nằm bên tay phải. Người đàn ông 86 tuổi này từng là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội trong 30 năm và được xem là người làm sống lại nghề tranh dân gian cho làng Đông Hồ (nay là thôn Đông Khê), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Một số bảng khắc tranh Đông Hồ.
Một số bảng khắc tranh Đông Hồ.

Xưởng tranh đầy sinh khí

Bước chân vào xưởng sản xuất tranh của gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tôi lập tức lạc vào cả một thế giới đa sắc của tranh Đông Hồ. Tranh treo kín tường, các bản khắc được trưng bày đầy các tủ kệ. Chỗ này thợ lạch cạch đục bản khắc, chỗ kia in tranh, chỗ nọ nhân viên giới thiệu tranh, đóng gói tranh cho khách… Ai vào việc nấy, nhịp nhàng, rộn rã, vui tươi…

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, quy trình làm tranh Đông Hồ gồm các công đoạn: ra mẫu, cắt ván, chuẩn bị nguyên vật liệu và in tranh. Nét độc đáo đầu tiên thu hút cảm quan người xem của tranh Đông Hồ chính là ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy dùng in tranh là giấy dó được làm từ vỏ cây dó với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Trên giấy được quét lên một lớp hồ điệp có nét sáng óng ánh rất đặc thù. Người ta làm hồ điệp bằng cách nghiền nát vỏ con sò điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) trộn với hồ (loại bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi là bột sắn), dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Đường quét của chổi lá thông tạo thành những đường gân ửng lên màu trắng lấp lánh dưới ánh sáng của vỏ sò điệp. Trong quá trình làm giấy điệp, người ta cũng có thể pha thêm màu khác vào hồ. Thường được sử dụng là màu tự nhiên từ cây cỏ, như màu đen từ than cây xoan hay than lá tre, màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang…

Các nghệ nhân làng Đông Hồ sáng tác mẫu vẽ tranh bằng tay còn các công đoạn khác thì dùng ván in. Ván khắc in tranh có hai loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve làm bằng thép cứng (khoảng 30 chiếc/bộ đến 40 chiếc/bộ). Có nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất, trong đó có hai khâu chính gồm: sáng tác mẫu (khắc ván) và in (vẽ tranh). Tranh Đông Hồ được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu (mỗi màu dùng một bản) và bản nét (màu đen) in sau cùng. Ở đây có thể thấy mỗi nghệ nhân đòi hỏi có ít nhiều năng khiếu bẩm sinh cũng như kỹ năng lao động cao.

Hướng dẫn tôi tự tay thực hiện từng công đoạn đục bản khắc, hồ giấy dó, quét hồ điệp rồi tỉ mỉ in lần lượt năm màu cơ bản (trắng, đen, xanh dương có ánh xà cừ, bột vàng và bạc) để hoàn thiện một bức tranh “Đám cưới chuột”, anh Tâm giải thích thêm: “Bản khắc tranh thường được làm bằng gỗ thị, gỗ vàng tâm, gỗ thừng mực. Để đục được một bản khắc kích cỡ trung bình, tôi mất 5 - 6 ngày. Riêng những bản khắc độc đáo, khổ lớn thì phải thực hiện một tháng mới xong”. Trước đây gia đình anh Tâm chỉ làm bản khắc để in tranh, nhưng nay nhiều người thích sưu tầm bản khắc nên anh làm để bán luôn. Giá bán một bản khắc tùy kích cỡ, từ 200.000 đồng/bản đến năm triệu đồng/bản, những bản khắc đặc biệt có giá bán từ 10 triệu - 40 triệu đồng/bộ.

Xưởng sản xuất tranh của gia đình ông Nguyễn Đăng Chế.
Xưởng sản xuất tranh của gia đình ông Nguyễn Đăng Chế.

Anh Nguyễn Ngọc Chiến - con rể ông Chế - vừa đều tay phết màu in tranh vừa cho biết, mỗi ngày anh in được từ 200 - 300 lượt tranh (in một màu). Tranh của gia đình ông Chế được in bán tại chỗ và gửi bán khắp nơi, giá bán bức tranh nhỏ nhất là 50.000 đồng, bức lớn nhất là 200.000 đồng. Ông Chế còn sở hữu hàng chục bộ tranh cổ hơn 100 tuổi như “Thạch Sanh”, “Kiều”, “Phạm Công - Cúc Hoa”… mà ông rất quý. “Tôi có bộ tranh “Quang Trung - Nguyễn Huệ” gồm 4 bức hơn 100 tuổi, người ta trả 2.500 USD nhưng tôi không bán”.

Tiếp sức cho một làng tranh…

Làng Đông Hồ là một ngôi làng cổ kính, nằm cách thành phố Hà Nội khoảng 33km về phía đông. Nghề làm tranh của làng xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, dưới thời vua Lê Kính Tông. Trước năm 1938, trong làng có khoảng 200 hộ gia đình làm tranh. Nhưng rồi vật đổi sao dời, đến nay làng Đông Hồ có 300 gia đình của 17 dòng họ, thì chỉ còn hai hộ làm tranh, còn lại đều chuyển hết sang làm hàng mã.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế kể lại: “Khi nghề làm tranh của làng mai một, cũng là lúc tôi lên Hà Nội học trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp rồi làm công tác giảng dạy, xuất bản. Năm 1972, Nhà nước có ý định phục dựng làng tranh Đông Hồ, tôi được chọn là người sưu tầm, biên tập tranh để in trên giấy couché. Tranh được xuất bản, in bao nhiêu cũng không đủ bán. Tôi sung sướng nghĩ “Tranh Đông Hồ sống rồi”, và từ đó ước mong khôi phục làng tranh truyền thống cứ cháy bỏng trong tôi”…

Anh Nguyễn Ngọc Chiến cho biết, bản khắc tranh được làm bằng gỗ thị, gỗ vàng tâm, gỗ thừng mực. Để đục được một bản khắc kích cỡ trung bình, anh mất từ năm ngày đến sáu ngày. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.
Anh Nguyễn Ngọc Chiến cho biết, bản khắc tranh được làm bằng gỗ thị, gỗ vàng tâm, gỗ thừng mực. Để đục được một bản khắc kích cỡ trung bình, anh mất từ năm ngày đến sáu ngày. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Năm 1991, ông Chế về hưu, dồn toàn bộ vốn liếng cả đời tích cóp để tìm lại thời vang bóng cho nghề cổ truyền. Ông mày mò lên Thư viện Quốc gia Việt Nam photocopy toàn bộ mẫu tranh dân gian Việt Nam trong cuốn sách L’Imagerie populaire Vietnamienne (Tranh Dân gian Việt Nam), Maurice Durand, EFEO xuất bản năm 1960 ở Paris (Pháp) mang về nghiên cứu.

Trước nguy cơ mai một của nghề tranh Đông Hồ, tháng 07/2007, ông đã quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế do ông làm giám đốc, con trai là Nguyễn Đăng Tâm làm phó giám đốc. Ông thuê khu đất rộng 6.000m2 ở ngay đầu làng để thành lập một trung tâm trao đổi văn hóa về tranh Đông Hồ. Ngày ngày trung tâm này mở rộng cửa đón khách đến tham quan, học làm tranh, mua tranh. Ước tính, thu nhập mỗi tháng của gia đình ông vào khoảng hơn 50 triệu đồng, thua xa so với làm hàng mã như các gia đình khác trong làng. Nhưng ông Chế vui vì ông và con cái, cháu chắt có thể sống tốt bằng nghề tổ. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đánh giá: “Đây là một mô hình kinh tế làng nghề tiêu biểu, là một địa chỉ văn hóa, một bảo tàng tư nhân độc đáo”.

Dòng tranh đẫm sắc văn hóa dân tộc

Có thể nói tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt Nam, là bởi dòng tranh này phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hóa dân tộc. Hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như chăn trâu thổi sáo, hứng dừa, đấu vật, đánh ghen… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như nhân nghĩa lễ trí tín, vinh hoa, phú quý, cát tường… đều là đề tài của tranh Đông Hồ. Không chỉ đề cập đến cuộc sống với thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… tranh Đông Hồ còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc. Mỗi bức tranh đều có tích có tuồng, ẩn chứa những gửi gắm ước vọng của người làm tranh. Ví như bức tranh “Đánh ghen” phê phán tục đa thê, bức “Đám cưới chuột” bài xích nạn quan liêu hối lộ, cặp tranh “Vinh hoa - Phú quý” nhằm nói lên ước mơ bình dị của người dân... Đôi khi tranh Đông Hồ còn được nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn.

Theo nội dung chủ đề, tranh Đông Hồ có thể chia thành bảy loại chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt. Có lẽ phổ biến và quen thuộc với nhiều người chính là các bức tranh vẽ gà, vẽ trâu. Con trâu, “đầu cơ nghiệp” của nhà nông, được các nghệ nhân Đông Hồ đưa vào tranh với rất nhiều tâm huyết và theo cách rất sống động. Bức tranh cưỡi trâu thổi sáo có chữ “Hà diệp cái thanh thanh” (Lọng lá sen xanh xanh) với một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô xòe che trên đầu mục đồng, con trâu nghển cổ nghe tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến người ngắm tranh như cũng nghe thấy tiếng sáo du dương, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình... Bức tranh cưỡi trâu thả diều có chữ “Vũ thu phong nhất tướng” (Một hình ảnh gió thu múa) có một cậu bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều, khiến ta cảm giác thật sảng khoái như cả bầu trời lộng gió đang mở ra trên đầu… Bức tranh thả diều còn có hai dị bản, một bức có chữ “Vũ thu phong nhất dực” (Một cánh diều bay giữ gió thu), bức kia có chữ “Nhất tương phúc lộc điền” (Một hạnh phúc của nhà nông), cũng thú vị không kém.

Về ý nghĩa của màu sắc cho mỗi đề tài khác nhau, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giải thích: nền màu đỏ cho tranh “Đánh ghen” để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày Tết, nền màu hồng nhạt cho phong cảnh làng quê yên bình… “Tranh Đông Hồ đơn giản, mang tính ước lệ và tượng trưng, phóng khoáng và hài hước, thoáng trông thì không chuẩn xác nhưng ngắm kỹ mới thấy nó rất người”. - Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nói.

Tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của con người cũng như môi trường xã hội của người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ, gắn với quan điểm mỹ học dân gian của người dân vùng này và nói lên ước mơ ngàn đời của người lao động về một cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc, một xã hội công bằng, tốt đẹp. Bóc tách từng lớp văn hóa tàng ẩn trên mỗi bức tranh Đông Hồ, sẽ thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và vô cùng độc đáo. Với những cách thể hiện rất riêng, các nghệ nhân đã chuyển hóa vào tranh dân gian những lời hay ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất