Mục tiêu chiến lược của xây dựng Nông thôn mới (NTM) có thể tựu trung ở 5 điểm cơ bản sau: Nâng cao nhanh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; Nông thôn phát triển theo quy hoạch, có hệ thống hạ tầng đồng bộ và tương đối bền vững; Môi trường xanh – sạch – đẹp; Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; Chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng cao. 5 nội dung cơ bản đó đã được cụ thể hóa, lượng hóa bằng 19 tiêu chí quốc gia NTM, được ban hành bởi Quyết định 800/2009/QĐ-TTg và sau được sửa đổi bằng Quyết định 1980/2013/QĐ-TTg.
![]() |
Bộ tiêu chí quốc gia NTM (BTCQG NTM) đã là công cụ để cấp cơ sở lấy làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời là thước đo đánh giá thành quả xây dựng NTM, đánh giá sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp qua từng mốc thời gian nhất định. Chính vì thế nhiều chuyên gia quốc tế đã khẳng định: Việc quy định xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí cụ thể - là một trong những cách tiếp cận mới của Việt Nam trong phát triển nông thôn.
Thực tế 10 năm qua đã chứng minh BTCQG NTM đã góp phần quan trọng vào thành tựu xây dựng NTM ở các miền quê. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn và ý kiến nhiều chuyên gia NTM thì BTCQG hiện hành đang bộc lộ một số bất cập. Đã là “Tiêu chí Quốc gia” – thì có nghĩa là các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng tiêu chí phải thống nhất trong phạm vi cả nước. Nhưng hiện tại gần 1/3 số tiêu chí – nhất là các tiêu chí hạ tầng - lại được giao cho các địa phương tự quy định.
Vì vậy về thực chất, BTCQG NTM không còn bảo đảm “Tính quốc gia” nữa. Quy định đó đã dẫn đến thực trạng là cùng 1 tiêu chí được công nhận đạt chuẩn nhưng ở tỉnh này lại thấp xa so với tỉnh khác (giống như để vào đại học, có nơi phải tốt nghiệp lớp 12, có nơi chỉ cần lớp 7). Điều đó đã tạo ra môi trường thúc đẩy bệnh thành tích nảy nở ở các địa phương. BTCQG gồm 19 tiêu chí nhưng thực chất là có đến 49 tiêu chí (vì 1 tiêu chí lại có một số tiêu chí con). Đáng nói là một số “tiêu chí con” chỉ có tính chất “minh họa” cho tiêu chí lớn. Do quá nhiều tiêu chí như vậy nên người dân và cán bộ cơ sở ít nhớ và việc thẩm định xét chuẩn cũng khá rườm rà.
NTM cũng đang bị “loạn tiêu chí”. Sau đạt chuẩn, nhiều xã lúng túng trong định hướng phát triển tiếp theo. BCĐ NTM một số tỉnh đã có sáng kiến đề xuất các danh hiệu mới: “Xã NTM tiên tiến”; “Xã NTM nâng cao”; “Xã NTM kiểu mẫu”. Và Chính phủ đã ban hành tên gọi và bộ tiêu chí “Xã NTM kiểu mẫu”. Bộ NN và PTNT đã có thông tư hướng dẫn tiêu chí “Xã NTM nâng cao” (mức độ thấp hơn xã “NTM kiểu mẫu”). Như vậy hiện đang có 3 bộ tiêu chí NTM cùng tồn tại. Cán bộ cơ sở nói họ đang bị “loạn tiêu chí”. Nhiều chuyên gia cho rằng: Đạt chuẩn NTM thì cũng mới vượt mốc “thoát nghèo”, còn để xây dựng nông thôn văn minh, đời sống khá giả như các nước phát triển thì còn phải phấn đấu rất nhiều. Tên gọi “NTM kiểu mẫu” được hình dung như một mô hình nông thôn hoàn chỉnh ở trình độ văn minh cao. Tuy nhiên các tiêu chí (nội hàm) theo quy định hiện nay lại rất thấp. Dự tính đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 20% xã đạt được. Vậy sau “kiểu mẫu” sẽ là mô hình nào?
Không chỉ có các bất cập trên, mà ngoài ra, sau 10 năm xây dựng NTM, thực tiễn cuộc sống đã có nhiều biến chuyển đặt ra những yêu cầu mới. Ví dụ ở giai đoạn đầu, tiêu chí quy hoạch được coi là tiêu chí số 1 về tầm quan trọng, nhưng nay 100% xã đã xong quy hoạch, vậy nếu vẫn giữ như cũ thì tiêu chí này đâu còn ý nghĩa. Hay như tiêu chí Thủy lợi – lâu nay vẫn chỉ coi trọng nội hàm “tưới tiêu” - nhưng nay do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra nhiều hơn và gây thiệt hại rất nặng nề, vì vậy yêu cầu xây dựng NTM gắn với phòng chống thiên tai có hiệu quả phải là nội dung quan trọng cần được bổ sung vào BTCQG.
Điểm qua như vậy để thấy rằng: Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2030 rất cần phải có nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hơn BTCQG NTM để xác định hướng đi, mục tiêu cụ thể thiết thực hơn, đảm bảo tính đồng nhất trong đánh giá so sánh. Có như vậy mới tạo ra động lực mới mạnh mẽ hơn cho xây dựng NTM.
Trên cơ sở các đánh giá trên, chúng tôi có một số đề xuất. Đã là “Tiêu chí quốc gia” thì phải do Chính phủ ban hành, áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước (có tính đến đặc thù của một số vùng). Các địa phương có thể bổ sung thêm một số tiêu chí để làm phong phú hơn NTM ở địa phương nhưng chỉ có tác dụng cho đánh giá và so sánh giữa các đơn vị trong địa phương. Sau 10 năm thực tiễn xây dựng NTM, cần rút ra những tiêu chí nào là cốt lõi, cần thiết nhất, thể hiện được mục tiêu cơ bản của NTM thì giữ lại hoặc bổ sung vào BTCQG 2021 - 2030. Những tiêu chí khác cần loại bỏ. Việc xây dựng NTM (thực chất là phát triển nông thôn) “Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Mục tiêu cơ bản không đổi nhưng mỗi giai đoạn cần có danh hiệu với những nội hàm (tiêu chí) tương thích nhằm làm rõ đích đến, tạo động lực mới cho phát triển.
Nếu coi đạt danh hiệu “chuẩn NTM” là đạt cấp độ “thoát nghèo” thì để tiến tới một nông thôn khá giả, văn minh sẽ còn là quá trình dài phát triển qua nhiều cấp độ từ thấp đến cao. Trong vài chục năm tới, chúng tôi cho rằng chưa vội sử dụng danh hiệu “NTM kiểu mẫu” (dễ được hình dung như một mô hình nông thôn hoàn chỉnh, mẫu mực có đời sống kinh tế, tinh thần, lối sống văn minh ở trình độ cao). Sau danh hiệu “Đạt chuẩn” nên sử dụng danh hiệu sự kế tiếp nhau ở mức độ cao hơn như: Đạt chuẩn cấp độ 1,2,3; NTM tiên tiến… Đồng thời cũng không nên đặt ra các bộ tiêu chí riêng cho từng danh hiệu mà chỉ cần sử dụng 1 bộ tiêu chí và nâng mức độ đạt mỗi tiêu chí (lượng hóa) tương thích với mỗi loại danh hiệu. Mức độ nâng cao của mỗi tiêu chí phải được nghiên cứu phù hợp, có tính khả thi nhưng cũng phải có độ khó – đảm bảo cho các xã khá (Đạt chuẩn) phải nỗ lực - thì 5 - 7 năm sau mới có thể đạt được.
BTCQG NTM giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là bộ công cụ quan trọng định hướng cụ thể và tạo động lực mới cho xây dựng NTM, do phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc nghiên cứu cần được trao cho cơ quan nghiên cứu có chuyên môn sâu về phát triển nông thôn với các chuyên gia có uy tín, giàu kinh nghiệm thực tiễn NTM. Đồng thời phải có sự tham gia rộng rãi của đại diện lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành trung ương và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đảm bảo góc nhìn đa chiều nhưng đáp ứng nhu cầu: thúc đẩy phát triển, bền vững, có tính thực tiễn và khả thi cao.
TĂNG MINH LỘC
PCT Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam
(Nguyên Cục trưởng – CVP Điều phối NTM TW)