, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 28/01/2023, 07:00

Sáu doanh nghiệp Việt Nam dự triển lãm nội thất lớn nhất nước Anh

MINH HỢP - HẢI VÂN - PHONG HÀ
(TTXVN)
Với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh và Công ty K&P Global Ltd, sáu doanh nghiệp Việt Nam đã trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội thất tại triển lãm nội thất thường niên lớn nhất nước Anh January Firniture Show (JFS) 2023, diễn ra từ ngày 22 - 25/1 tại Trung tâm triển lãm quốc gia (NEC) ở thành phố Birmingham.
January Furniture Show (JFS) 2023 là triển lãm nội thất thường niên lớn nhất nước Anh, diễn ra từ ngày 22 - 25/1 tại Trung tâm triển lãm quốc gia (NEC) ở thành phố Birmingham. Ảnh: Phong Hà/TTXVN tại Anh.

Được tổ chức thường niên từ năm 1990, JFS giới thiệu và trưng bày khoảng 50.000 sản phẩm của hơn 500 thương hiệu quốc gia và quốc tế. Triển lãm năm nay thu hút sự tham dự của trên 22.000 doanh nghiệp trưng bày và khách tham quan, là cơ hội lớn để các nhà sản xuất, các nhà bán buôn, bán lẻ và phân phối sản phẩm nội thất kết nối, tìm kiếm nguồn hàng và bạn hàng.

Gian hàng Việt Nam tại khu vực trung tâm của triển lãm trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội thất và ngoại thất; đồ trang trí nội thất gia đình; đồ thủ công mỹ nghệ; đồ nội thất khách sạn; và thiết bị chiếu sáng, thu hút nhiều nhà bán buôn và bán lẻ Anh cũng như khách tham quan triển lãm. Tại gian hàng Việt Nam, các doanh nghiệp và khách tham quan được giới thiệu các sản phẩm gỗ nội ngoại thất cũng như quy trình sản xuất và phân phối các sản phẩm này, đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hạn và đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết việc tham gia JFS tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao và gặp gỡ các nhà nhập khẩu và phân phối tiềm năng.

Ông Cường chỉ ra rằng hiện nay quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào Anh là Trung Quốc, tiếp đến là Đức và Ba Lan. Tuy nhiên, rất nhiều đồ gỗ xuất khẩu từ Đức và Ba Lan sang Anh có xuất xứ Việt Nam, nghĩa là các nhà xuất khẩu Việt Nam đang đi đường vòng.

Theo ông Cường, là quốc gia sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ ba trên thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin sản phẩm của mình đáp ứng được yêu cầu của thị trường Anh, nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tham dự các hội chợ như JFS để tìm kiếm, thiết lập quan hệ với các đối tác và mở rộng thị phần tại Anh, thay vì chỉ tập trung xúc tiến thương mại tại Đức hay Ba Lan.

Bà Zoe Bonser, Giám đốc mảng bản lẻ, Trung tâm triển lãm NEC, cũng cho rằng với trên 15.000 khách tham quan, JFS là cơ hội lớn để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, kết nối, tìm kiếm bạn hàng. Bà cho biết rất vui được thấy các thương hiệu Việt Nam có mặt tại JFS 2023, khẳng định triển lãm tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Anh dễ dàng hơn. Bà cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm cần quảng bá hiệu quả tiềm năng của các nhà sản xuất, đồng thời cần thu hút các nhà phân phối quốc tế.

Đây là năm thứ ba các sản phẩm Việt Nam được trưng bày tại JFS. Ảnh: Phong Hà/TTXVN tại Anh.

Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Pisico, cho biết công ty quyết định tham gia triển lãm vì muốn mở rộng thị trường xuất khẩu sang Anh. Là công ty đồ gỗ nội thất thành lập năm 2002 tại Quy Nhơn, Bình Định, Pisico đã xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, New Zealand, Australia. Ông Thu tự tin sản phẩm của Pisico có thể cạnh tranh tại Anh bởi nghiên cứu thị trường của công ty cho thấy nhu cầu đồ gỗ của Anh phù hợp với công nghệ dây chuyền và đặc trưng của sản phẩm của công ty, chỉ ra chất lượng hàng Việt Nam không thua kém các sản phẩm của Indonesia và Malaysia đang bán rất chạy tại Anh.

Ông Kiên Phạm, Giám đốc K&P Global Ltd, công ty hỗ trợ các nhà sản xuất đồ gỗ trong nước giới thiệu và trưng bày sản phẩm tại JFS 2023, cho biết gian hàng Việt Nam thu hút rất nhiều nhà bán lẻ Anh với mong muốn hợp tác để trở thành đại lý bán buôn, bán lẻ  cho các nhà sản xuất Việt  Nam.

Có trụ sở tại London, K&P Global Ltd hiện điều hành nền tảng trực tuyến the Popular cho phép các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam giới thiệu sản phẩm và kết nối trực tiếp với người mua tại Anh. Công ty cũng thiết lập kho hàng sản phẩm mẫu gửi từ Việt Nam để giới thiệu trực tiếp với các nhà phân phối tại Anh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt hàng và giao hàng nhanh đối với người mua tại Anh.

Ông Ian Vesey, khách tham quan triển lãm, chia sẻ ông thực sự ấn tượng với chất lượng các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam. Ông cho biết rất vui nếu đồ gỗ nội thất Việt Nam có mặt tại nhà mình, khẳng định nếu là chủ một cửa hàng bán đồ gỗ nội thất, chắc chắn ông sẽ đặt hàng một số sản phẩm của Việt Nam tại hội chợ, bởi việc có kho hàng sản phẩm Việt Nam tại Anh sẽ giúp việc giao hàng nhanh và thuận tiện.

Đồ gỗ và các sản phẩm mỹ nghệ là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn có tỷ trọng kim ngạch lớn thứ 7 của Việt Nam sang Vương quốc Anh. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Anh đạt 239,66 triệu USD, chiếm gần 4% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu sang nước này.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ và mỹ nghệ sang Vương quốc Anh có triển vọng tốt vì đây là thị trường đồ gỗ lớn thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức) với dự báo tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021 - 2026 là 3.2%. Đặc biệt, nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh.

Sản phẩm gỗ nội ngoại thất của Việt Nam được các nhà bán lẻ Anh quan tâm. Ảnh: Phong Hà/TTXVN tại Anh.

Ông Nguyễn Cảnh Cường chỉ ra rằng với nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ khoảng 20 tỷ bảng/năm, thị trường đồ gỗ tại Anh vẫn còn tiềm năng lớn để các nhà xuất khẩu Việt Nam khai thác trong bối cảnh nước Anh hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) đang mở rộng quan hệ đối tác trên toàn cầu và nhiều công ty xây dựng lại phương thức mua hàng và sắp xếp lại quan hệ bạn hàng trong đại dịch Covid-19 với xu hướng có thêm nhà cung cấp ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, để cạnh tranh tại thị trường lớn này, các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng các yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và kiểu mẫu với mức giá tốt. Các nhà xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam cũng phải có chứng chỉ tiêu chuẩn FSC/Coc/FM về bảo vệ rừng bền vững, cũng như chứng chỉ tiêu chuẩn BSCI (Business Social Compliance Initiative) - bộ tiêu chuẩn đánh giá việc tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (như tuân thủ luật pháp; cấm lao động trẻ em và lao động cưỡng bức; không phân biệt đối xử; môi trường làm việc an toàn…).

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), xuất khẩu gỗ nội thất của Việt Nam ước đạt 16 tỷ USD trong năm 2022. Ngành gỗ đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt giá trị xuất khẩu 25 tỷ USD.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất