, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/05/2024, 19:30

Sầu riêng, thêm diện tích tại Đắk Lắk “đu đỉnh”: Lại phải học người Thái

ĐỊNH QUÂN
Những ngày cuối tháng Tư đổ lửa, quốc lộ 26, đoạn ngang qua thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) rục rịch chuẩn bị đón mùa sầu riêng, bắt đầu thu hoạch từ tháng 7 và nở rộ vào tháng 10.

Năm trước, tại đoạn quốc lộ hơn 5km ngang qua thị trấn, người ta chứng kiến cảnh tượng vô cùng kinh ngạc: kẹt xe nghiêm trọng vì sầu riêng, cảnh sát giao thông liên tục giải vây để từng đoàn xe sầu riêng có lối thoát. Không chỉ ngoài đường quốc lộ, ngay tại các cửa vườn, xe máy cày, xe bán tải, xe tải nhỏ cũng “bao vây”, đưa chủ vườn lên thành nhân vật trung tâm, bẻ kèo, đạp giá, tranh giành trong hỗn loạn.

Những mảnh đất trống ven đoạn quốc lộ này đã được xây kín nhà xưởng tập kết sầu riêng. Những khoảng trống nhỏ cũng được mở ra quán cà phê “thời vụ”. Sức nóng của giá sầu riêng khiến trong nhà ngoài phố mọi thứ sôi sục. Sầu riêng mới ra hoa nhưng đã được thương lái đặt cọc…

“Hãy coi chừng sầu chung”! Lời cảnh báo của chính quyền, không chỉ dành riêng cho Đắk Lắk khi diện tích trồng sầu riêng tại đây đã vươn lên thành địa phương đứng đầu cả nước, giữa lúc này xem ra lạc lõng. Chớ vội mừng sớm khi giá sầu riêng leo thang, bởi nếu… bể kèo, là no đòn.

Tăng trưởng quá bất ngờ

Mùa sầu riêng năm 2023, cả nước phải hướng về sầu riêng Đắk Lắk với sự kinh ngạc. Theo Sở NN&PTTN tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này đã có bước tăng trưởng ngoài sức tưởng tượng: Từ một tỉnh trồng sầu riêng “được chăng hay chớ”, năm 2023, tỉnh này dẫn đầu cả nước về quy mô trồng với 32.785ha. Hiện Đắk Lắk có nhiều vườn mới, nên tổng sản lượng vẫn xếp sau Tiền Giang (năm 2023, Tiền Giang đạt 293 ngàn tấn) và xem ra nó được coi là cây trồng chủ chốt tại tỉnh này.

Với hai loại giống chủ lực là Dona và Ri6 khá được ưa chuộng hiện nay, sầu riêng Đắk Lắk bán rất được giá. Năm 2023 giá thu mua tại vườn giao động từ 60.000 - 90.000 đồng/kg. So với năm 2022, giá này cao gấp 1,5 lần, tạo nên cơn sốt thật sự và giúp nhiều nông dân đổi đời. Ước tính, mỗi héc-ta thu về 1 - 1,2 tỉ đồng, trừ chi phí, nông dân “bỏ túi” 700 triệu đồng/ha. 

Tại Đắk Lắk, Trung Quốc đã cấp 68 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.521ha. Trong đó, huyện Krông Pắc có 37 vùng trồng với tổng diện tích khoảng 1.857ha. Trung Quốc cũng cấp mã đóng gói cho cho 23 cơ sở tại tỉnh này. Điều đó cho thấy, sầu riêng Đắk Lắk đang dần tìm được chỗ đứng trong thị trường Trung Quốc.

Năm nay, khi sầu riêng Tiền Giang đã có lúc “đu đỉnh” xấp xỉ 200 ngàn đồng/kg, nông dân trồng sầu riêng ở Đắk Lắk không giấu được khấp khởi, hứa hẹn sẽ bùng nổ về sản lượng lẫn giá bán.

Năm 2023, người dân huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) phấn khởi khi được mùa, trúng giá sầu riêng.

Liên kết ba nhà như… bao khoai lang

Trải qua mùa sầu riêng năm 2023 đầy biến động, căng thẳng và có cả chụp giật, chính quyền và người dân Đắk Lắk chuẩn bị đón mùa sầu riêng năm nay với nhiều bất an. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ vườn sầu riêng gần 3ha tại xã Phước An (huyện Krông Pắc) vừa nhận khoản cọc 300 triệu đồng, dù sầu riêng của bà mới ra hoa. Bà Hoa tình thật: “Các nhà vườn biết là không nên nhận cọc quá sớm, nhưng bây giờ, nhiều chủ vườn cụt vốn, cần tiền để mua phân, thuốc. Tôi biết nhiều chủ vườn khác cũng đã nhận cọc. Nhưng cọc sầu riêng cũng lỏng lẻo lắm, khi giá tăng quá cao, quá nhanh, việc bẻ cọc cũng dễ xảy ra. Nhiều khi chủ vườn muốn uy tín mà thực tế diễn ra hỗn loạn quá, cũng dễ xuôi theo, mất uy tín lúc nào chẳng hay. Năm ngoái, hàng xe thương lái nối hàng dài trước vườn nhà tôi, họ đua nhau trả giá, giành giật như cái chợ khiến tôi cũng rối”.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc là người sâu sát và lăn lộn với nông dân trồng sầu riêng. Ông nhìn nhận thực tế: “Huyện Krông Pắc hiện có 8.000ha sầu riêng, trong đó có 4.000ha đang cho thu hoạch. Ai cũng biết rằng, Trung Quốc giúp thị trường sầu riêng khởi sắc, muốn xuất được sầu riêng vào nước họ, sản phẩm phải có mã vùng trồng và mã đóng gói do họ cấp. Nhưng hiện nay, ngoài những mã đã được cấp, người dân còn lúng túng trong thủ tục xin cấp mã mới, chính quyền cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho người dân làm việc này.

Thực tế, việc sản xuất cũng chưa được chuyên nghiệp. Các chủ vườn chưa thực hiện đúng, chưa hiểu quyền nghĩa vụ, chưa ghi chép đầy đủ hồ sơ canh tác. Hồ sơ quản lý mã vùng trồng còn đơn giản, lỏng lẻo. Cá biệt, có vườn đã nằm trong mã vùng trồng nhưng chủ vườn… không biết. Nhiều đại diện vùng trồng vẫn còn thờ ơ với việc tập huấn kỹ thuật, quy định”. 

Loạn cả lên, mua cả cây được cấp mã lẫn chưa có mã, cuối cùng doanh nghiệp nào cũng kêu lỗ, và nói như ông Nguyễn Hữu Tiến, chủ nhiệm hợp tác xã Tân Lập Đông (huyện Krông Búk), rằng nông dân vẫn đang làm sầu riêng theo cách đơn thuần như những loài cây khác, còn lâu mới chuyên nghiệp được.

Ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk chia sẻ: “Thẳng thắn mà nói, thị trường sầu riêng tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang bị thả nổi. Vì vậy, việc bẻ cọc, đạp giá, tranh giành trong hỗn loạn tại vườn hay mất uy tín ở thị trường xuất khẩu diễn ra như hiện nay cũng là dễ hiểu. Tôi thấy, điều cơ bản nhất để đảm bảo chất lượng là cần kiểm tra mẫu sản phẩm trước khi bán cũng chưa thực hiện được. Hiệp hội có thể cử người lấy mẫu sản phẩm, hiện Đắk Lắk có 5 huyện trồng sầu riêng, mỗi huyện cần khoảng 100 triệu đồng là đủ nguồn lực cho việc này nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đâu ra người để lấy mẫu? Ai chi tiền trả công cho người lấy mẫu?”.

Một trong những lý do lớn nhất khiến sầu riêng tại Đắk Lắk rơi vào tình trạng bát nháo như hiện nay là chưa có mối liên kết thực sự giữa chủ vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn: “Sự liên kết “ba nhà” hiện giống như bao khoai, bỏ hết vào bao thì nó là một khối, đổ ra thì mạnh củ nào củ nấy lăn long lóc. Chúng ta phải quản lý được chuỗi liên kết, đó là mấu chốt. Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để xây dựng bài bản mối liên kết này”.

Học gì ở Thái Lan?

Sốt ruột trước mùa thu hoạch sầu riêng năm nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Tại hội nghị, ông Đặng Phúc Nguyên (Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam) chia sẻ: “Sầu riêng tại Đắk Lắk đang bạo phát, cần phải hành động để tránh bạo tàn. Trước mắt, chúng ta có thể nhìn qua nước bạn Thái Lan để học hỏi. Họ có lực lượng riêng, chuyên đi kiểm tra và xử phạt những nhà vườn sản xuất, mua bán không đúng quy định. Ở ta, hoàn toàn có thể mạnh dạn lập một lực lượng nói vui là “cảnh sát sầu riêng” như vậy. Với nguồn thu dồi dào từ sản phẩm, có thể tạo cơ chế để có nguồn lực làm việc này”.

Vậy, ngoài chuyện kiểm tra, chúng ta còn học được gì ở Thái Lan?

Vừa rồi, truyền thông ào lên sung sướng: Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, giá trị đạt 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại thị trường này tăng lên 57% trong hai tháng đầu năm nay.

Nhưng con số trên “bơi” trong thực tế nào? Hiện, Việt Nam xuất qua Trung Quốc chỉ sầu riêng tươi, còn người Thái ngoài loại tươi, còn có đông lạnh và qua chế biến. Về thời vụ, hai tháng đầu năm Việt Nam hơn Thái Lan vì họ hết vụ, và khi ta thu hoạch hết tháng 4, thì vùng Đông Bắc Thái, họ bắt đầu tiến hành, đỉnh vào tháng 4 và kéo dài hết tháng 6. Miền tây Thái thu hoạch từ tháng 6 - 10. Ta không có hệ thống kho lạnh bảo quản tại Trung Quốc, nhưng họ thì đầy đủ và chiếm tới 43% thị phần.

Về vận chuyển, họ vận chuyển đường sắt cao tốc qua Lào, rút ngắn thời gian từ 7 ngày xuống 2 ngày bằng đường bộ. Chưa hết, người Thái làm được chuyện này: khi thị trường Trung Quốc muốn cơm sầu riêng Thái khô hơn, thì họ đã nâng mức khô từ 32 lên 35%! Hiện giá sầu riêng Thái là 6.000 USD/tấn, Việt Nam chỉ có 4.900 USD/tấn.

Người ta hơn mình từ tư duy công nghệ, chiến lược, kế hoạch dài hơi, còn chúng ta vẫn làm ăn với tư duy buôn chuyến. Tình trạng bát nháo, đặt cọc, bẻ kèo, mua bán chụp giựt không riêng chi Đắk Lắk. Năm ngoái tại Cần Thơ rộ nạn bán sầu riêng non, cơm nhạt, không hương vị, ảnh hưởng thương hiệu. Tại nhiều tỉnh, nhà vườn chạy theo lợi nhuận, thấy giá cao, hàng khan hiếm ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non chứ không có sự chọn lọc, và khi không có đủ hàng, thì doanh nghiệp khốn đốn.

Tháng 5/2023, sầu riêng Việt Nam rớt thảm từ 200 ngàn xuống 50 ngàn/kg, vì thị trường Trung Quốc dừng mua, vậy tháng 5 này lặp lại không? Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước tính đạt 131.000ha, tăng gần 20% so với năm 2022. Sản lượng sầu riêng lên đến hơn 1 triệu tấn dù chỉ 60% diện tích cho thu hoạch quả. Ai dám đảm bảo, với diện tích lẫn lề lối bán buôn như hiện nay, hàng dội chợ và điệp khúc rớt giá không vang lên?

Một cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch trái mất chi phí khoảng từ 4 - 7 triệu đồng, 1ha khoảng 200 cây. Như vậy, nông dân cần hết sức cân nhắc trồng sầu riêng, vì nếu có rủi ro, họ bị thiệt hại lớn. Một chuyên gia phân tích: Hiện sầu riêng chủ yếu xuất qua Trung Quốc, với khoảng 12.000ha được họ cấp mã vùng trồng. Với diện tích như hiện nay, số sầu riêng không xuất được đi đâu, và diện tích tiếp tục được mở rộng, thì vài năm tới tiêu thụ thế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm





Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015. Đến nay, sản phẩm đã sẵn sàng thương mại hóa.

Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015. Đến nay, sản phẩm đã sẵn sàng thương mại hóa. Đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, giá bán khoảng 2,4 triệu đồng/kg
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất