, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 09/07/2018, 15:28

Sầu riêng và thách thức

Những năm gần đây, bên cạnh cây bơ thì sầu riêng cũng được nông dân trồng rất nhiều, nếu không muốn nói là ồ ạt. Trong khi đó, đây là loại trái cây vốn kén người ăn, phân chia thành hai thái cực rõ ràng, một bên mê như điếu đổ, bên còn lại - cũng đông không kém, thì chỉ chuyện ngửi mùi thôi đã là một cực hình.

Lo phải sầu... chung

Nếu như trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây nguyên - nơi vốn được xem là thủ phủ cây công nghiệp hơn là cây ăn trái. Mặc dù vậy, cây sầu riêng cũng tỏ ra thích nghi với vùng đất này khi sinh trưởng, cũng như cho năng suất và chất lượng tốt. Đa phần diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch hiện nay ở Tây Nguyên được trồng dạng xen canh trong các vườn cà phê hay hồ tiêu, nhưng trong không ít trường hợp đã vươn lên trở thành nguồn thu nhập chính khi các loại cây công nghiệp này bị rớt giá hoặc sâu bệnh hại.

“Với giá bình quân 40.000 đồng/kg và mỗi cây sầu riêng cho khoảng gần 2 tạ trái thì “kinh tế” quá đi chứ!”, ông Bùi Văn Minh, một nông dân trồng sầu riêng ở xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk nói.

Thật vậy. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, không hiếm các vườn sầu riêng cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm. Để rồi, trong cơn chán nản khi giá cả của hồ tiêu, cà phê hay cao su xuống thấp, thậm chí bị chết do sâu bệnh hại, người ta lại xoay sang sầu riêng để tìm lối thoát cho kinh tế của gia đình. Theo thống kê của ngành chức năng, tỉnh Đăk Lăk hiện có khoảng 3.000 ha sầu riêng, tỉnh Đăk Nông hơn 1.000 ha; còn tại Lâm Đồng, riêng ở huyện Đạ Hoai đã có đến 2.000 ha… Đó cũng chưa phải là những con số cuối cùng. Vào lúc này đây, khi mùa mưa Tây Nguyên đang diễn ra, việc tìm mua cây giống và trồng sầu riêng vẫn rất nhộn nhịp.

Tuy đã và đang là một trong những loại cây được nông dân gửi gắm ước vọng làm giàu nhưng sầu riêng là loài rất dễ bị sâu bệnh hại. Do đó, việc trồng cây kiểu “thời cuộc” trong khi chưa nắm được chút kỹ thuật chăm sóc, cũng như chưa hiểu gì về đặc tính của cây sẽ là một sự mạo hiểm. Chuyện bỏ công sức hàng năm trời, khi cây vừa cho thu hoạch hoặc thậm chí chưa kịp cho trái bói thì bỗng dưng chết đứng cũng không phải hiếm. Trong khi đó, giá cây giống hiện rất cao, khoảng 120.000 đồng/cây, mọi rủi ro trong quá trình canh tác đều mang đến thiệt hại không hề nhỏ.

Chăm cho cây sống và sinh trưởng tốt thật sự không đơn giản, nhưng đầu ra vào mỗi kỳ thu hoạch vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nông dân gần như đã bị ám ảnh bởi thuật ngữ “cung vượt cầu”. Giờ đây, mỗi khi trồng hay nuôi một loại cây, con nào đó, trong sự kì vọng của họ luôn bao hàm yếu tố may rủi. Với cây sầu riêng cũng vậy, người đã được thu thì vui mừng vì đang có giá tốt, nhưng người vừa mới trồng thì chẳng khác nào đang chơi một canh bạc. Không giấu được sự e dè, anh Võ Ngọc Dũng, một nông dân ở huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk dự báo: “Chắc cũng có ngày nông dân không dám ra vườn vì sợ giẫm phải những quả sầu riêng đã chín rụng mà không có ai mua”.

Gian truân đường xuất khẩu

Lo ngại của anh Võ Ngọc Dũng hoàn toàn có cơ sở khi chừng 4-5 năm sau, phần diện tích sầu riêng tăng mạnh trong hai năm 2017-2018 bắt đầu cho thu hoạch. Khi ấy, thị trường nội địa nhiều khả năng không thể kham nổi sản lượng quá lớn. Trong khi đó, những nông dân trồng sầu riêng hiện nay có rất ít người nghĩ đến chuyện phải làm thế nào để trái sầu riêng của mình đạt chuẩn xuất khẩu. Về phía ngành chức năng, gần như cũng chưa có định hướng rõ ràng nào.

Điểm đến cho việc xuất ngoại của sầu riêng cũng không nhiều bởi đặc tính phân chia người dùng ra hay thái cực rạch ròi giữa thích và sợ. Hiện nay, Trung Quốc được xem là nơi tiêu thụ lý tưởng cho sầu riêng. Theo một số liệu của Liên Hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỉ qua và đạt giá trị đến 1,1 tỉ USD vào năm 2016. Thái Lan đang thống trị thị trường tỉ dân này. Tuy nhiên, Malaysia cũng đang có những bước xâm nhập mạnh mẽ khiến người Thái lo ngại.

Hiện Malaysia chủ yếu xuất sang Trung Quốc sầu riêng dạng đông lạnh. Với sầu riêng tươi, do trước đây nông dân nước này có thói quen để trái chín tự rụng xuống đất nên khiến Trung Quốc lo ngại việc côn trùng tiếp cận quả sầu riêng. Hiện nay, Chính phủ Malaysia đã khuyến cáo người dân nên dùng dây buộc để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, họ cũng xúc tiến các lễ hội sầu riêng quy mô nhằm tiếp thị đến thị trường tiềm năng. Chuyện Malaysia xuất sầu riêng tươi sang Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Dù vậy thì hiện tại, họ đã có những thành quả nhất định khi lượng du khách Trung Quốc tìm đến Malaysia để thưởng thức sầu riêng ngày một nhiều.

Đối với Thái Lan, sầu riêng Thái đã có một vị thế khá lớn tại thị trường Trung Quốc. Với việc xem sầu riêng là “vua” của các loại trái cây, những hoạt động tưởng chừng không liên quan gì nhưng vô tình lại làm cho loại trái này thêm phần nổi tiếng. Tiêu biểu như gần đây, Cơ quan Phát triển công nghệ không gian và thông tin địa lý Thái Lan (GISTDA) công bố kế hoạch sẽ đưa sầu riêng vào vũ trụ. Theo GISTDA, mục tiêu chính của họ là mang thức ăn Thái lên vũ trụ cho các phi hành gia thưởng thức. Có thể thấy rằng, kế hoạch của GISTDA là nhằm chuẩn bị chu đáo cho tương lai, bởi hiện tại, họ vẫn chưa đưa được người vào vũ trụ. Mặc dù vậy, quả sầu riêng của người Thái vô tình lại được cả thế giới chú ý. Và khi chỉ chu du vài phút ngoài không gian, sầu riêng Thái Lan hẳn cũng sẽ kịp thu nạp thêm không ít tín đồ nơi địa cầu.

So với Thái Lan hay Malaysia, sầu riêng Việt Nam hiện không là gì với những lô hàng nhỏ lẻ được thu gom bởi giới thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, để tránh cảnh thừa mứa trong tương lai, sầu riêng Việt cần phải nghĩ đến việc chen chân cùng hai ông lớn, nhằm có một tỉ lệ thị phần nhất định ở đất nước tỉ dân. Dĩ nhiên, điều đó phải được xúc tiến một cách bài bản và quyết tâm như Malaysia đang làm. Song, với việc không ít nông dân quá chuộng cây giống sầu riêng nhập ngoại (Mon Thong của Thái Lan hay Musang King của Malaysia…) như hiện nay, việc xuất khẩu của sầu riêng Việt trong tương lai hẳn sẽ thêm phần gian truân.

Hồi giữa năm 2016, phía Trung Quốc từng có lệnh cấm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam với lý do chưa có chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Lúc ấy, những trái sầu riêng mà Việt Nam xuất vào thị trường nước này, chủ yếu là giống MonThong của Thái Lan, tức chỉ họ mới có quyền dán nhãn mác. Tình cảnh như hồi 2016 hoàn toàn có thể tái diễn trong tương lai. Khi đó, muốn xuất khẩu, sầu riêng từ Việt Nam lại phải “gửi” sang “nhờ” Thái Lan hay Malaysia dán nhãn. Đương nhiên, chi phí sẽ bị đội lên và khả năng cạnh tranh cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Chưa kể, nếu như họ xem sầu riêng Việt là đối thủ (do cạnh tranh thị phần) thì liệu họ có chịu giúp hay không quả thực khó thể nói trước.

Phú Li

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất