, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 01/02/2023, 09:43

Siết chặt buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

TIẾN DŨNG - THÙY DUNG
Từ ngày 13 - 25/11/2022, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES-COP19) đã được tổ chức tại thành phố Panama, Cộng hòa Panama.

Hội nghị có sự tham dự của trên 2.500 đại biểu đến từ hơn 170/184 quốc gia thành viên, gần 200 các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu cùng hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế.

CITES-COP19 đã thông qua quyết định sửa đổi Phụ lục CITES với 46 loài trên tổng số 52 đề xuất, như nâng hạng loài từ Phụ lục II lên Phụ lục I, đưa loài vào Phụ lục II, sửa đổi chú giải với loài như bổ sung loài chim chích choè lửa vào Phụ lục II; các loài rùa đớp châu Mỹ (Chelydridae spp) vào Phụ lục II; các loài rùa mai mềm châu Mỹ (Apalone spp) vào Phụ lục II; loài cá cóc Lào (Laotriton laoensis) vào Phụ lục II; các loài gỗ đỏ châu phi (Afzelia spp) vào Phụ lục II; các loài dái ngựa châu phi (Khaya spp.) vào Phụ lục II; ngoài ra Hội nghị cũng thông qua quyết định bổ sung các loài cá mập (Sphyrnidae spp), hải sâm (Thelenota spp.) vào Phụ lục II.

Tại Hội nghị, Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 loài động vật gồm rùa hộp trán vàng miền bắc (Cuora galbinifrons) nâng hạng từ Phụ lục II lên Phụ lục I và bổ sung loài rồng đất (Physignathus cocincinus) vào Phụ lục II CITES. Cả 2 đề xuất của Việt Nam đều được các thành viên ủng hộ thông qua bằng đồng thuận hoặc bỏ phiếu với tỷ lệ cao.

Rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Nguồn: Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP).

Bên cạnh đó, Hội nghị CITES-COP19 đã thảo luận về sửa đổi, bổ sung và thông qua các Nghị quyết, Quyết định. Cụ thể, sửa đổi Nghị quyết 10.10 về bảo tồn và thương mại voi yêu cầu các quốc gia phải báo cáo kết quả bắt giữ gửi về Ban Thư ký trong thời gian 90 ngày sau khi bắt giữ hoặc ngày 31/10 hàng năm; báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch hành động ngà voi, sừng tê giác đến uỷ ban thường trực; thông qua tài liệu về vai trò của CITES trong giảm thiểu dịch bệnh từ động vật hoang dã, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo các biện pháp đã có nhằm quản lý lây truyền dịch bệnh trong toàn bộ chuỗi cung động vật hoang dã.

Về tuân thủ thực thi tại Nghị quyết 11.3, yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường công cụ quản lý dòng tiền trong buôn bán động vật hoang dã; đối với việc vận chuyển mẫu vật sống, thông qua sửa đổi Nghị quyết 10.21 yêu cầu các quốc thực hiện các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro bị thương, tác động xấu đến sức khoẻ hay đối xử tàn nhẫn với động vật trong quá trình vận chuyển; chia sẻ mẫu ADN các mẫu vật hổ khi bắt giữ; sửa đổi Nghị quyết 17.10 về bảo tồn và thương mại tê tê, trong đó yêu cầu các quốc gia tăng cường biện pháp chống buôn bán mẫu vật tê tê như sử dụng công cụ chống rửa tiển, sử dụng công cụ internet.

Trước tình hình buôn bán trái pháp luật động thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp, các quy định của CITES ngày càng chặt chẽ hơn, không chỉ đối với hoạt động thương mại quốc tế mà còn đối với hoạt động buôn bán nội địa trong nước. Hội nghị CITES-COP19 yêu cầu các quốc gia thành viên gồm các nước xuất khẩu, trung chuyển và tiêu thụ ngà voi, sừng tê giác, sản phẩm hổ, các loài tê tê... cần tăng cường thực thi pháp luật đặc biệt tập trung vào điều tra, bắt giữ, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này.

Đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Cơ quan khoa học CITES Việt Nam) đã tham dự đầy đủ các chương trình nghị sự Hội nghị CITES-COP19, đặc biệt là các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong thực thi CITES như kiểm soát buôn bán ngà voi, sừng tê giác, buôn bán các loài mèo lớn, các loài tê tê, các loài bò sát, lưỡng cư, thủy sinh cũng như buôn bán gỗ; tham dự cuộc họp của Ủy ban thường trực CITES lần thứ 74.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị CITES-COP19.

Bên cạnh đó, phái đoàn Việt Nam cũng tham dự hơn 15 sự kiện bên lề khác liên quan đến tăng cường thực thi CITES, mạng lưới thực thi pháp luật toàn cầu (Global WEN), nỗ lực trong chống buôn bán các sản phẩm sừng tê giác, ngà voi; quản lý các loài thuỷ sinh. Trong đó, tại cuộc họp Global WEN lần thứ 4, Việt Nam đã tham gia bài trình bày đại diện cho Mạng lưới ASEAN về CITES và thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã (AWG-CITES AND WE) cùng nhiều phiên thảo luận nhóm với đại diện của các mạng lưới thực thi pháp luật các khu vực khác trên toàn cầu nhằm tìm ra những thách thức và cơ hội trong hợp tác giữa các mạng lưới để giải quyết vấn nạn buôn bán trái pháp luật động thực vật hoang dã xuyên lục địa.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn có các cuộc họp song phương với các phái đoàn Trung Quốc, Nigeria, Mô-dăm-bích, Vương quốc Anh, EU, Hoa Kỳ, Nam Phi, Zambia...

Theo Ban Thư ký CITES, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia được đánh giá là nước có nhiều nỗ lực trong thực thi các quy định của CITES. Ban Thư ký CITES và Hội nghị cũng ghi nhận kết quả của Việt Nam thông qua các số liệu bắt giữ, truy tố, xét xử đã được Việt Nam công khai tại trang chuyên đề của CITES-COP19 và qua các bài phát biểu tại Hội nghị.

Các báo cáo, tham luận của Việt Nam được các nước thành viên, nhiều tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ ủng hộ. Trong đó, cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Việt Nam đã thể hiện được cam kết mạnh mẽ trong đấu tranh với tội phạm nhằm bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, các kết quả được thể hiện qua các hoạt động điều tra, bắt giữ nhiều chuyến hàng vận chuyển trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác, tê tê và các loài động vật hoang dã quý, hiếm khác, đồng thời, cũng là nước đi đầu trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục bảo tồn và giảm cầu sử dụng động vật hoang dã từ nguồn bất hợp pháp.

Trong năm 2022, tại Việt Nam, nhiều động vật quý hiếm đã được thả về rừng tự nhiên. Nguồn: Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải tích cực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của Kế hoạch hành động ngà voi, sừng tê giác (NIRAP) để có thể kết thúc Kế hoạch này theo quy định của CITES; việc kiểm kê kho lưu giữ mẫu vật ngà voi, sừng tê giác cần được triển khai và báo cáo CITES theo quy định tại Nghị quyết 9.14 về bảo tồn và buôn bán các loài tê giác châu Phi và châu Á và Nghị quyết 10.10 về buôn bán các mẫu vật voi; tiếp tục tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia nguồn gốc, trung chuyển, và quốc gia tiêu thụ...

Bên lề CITES-COP19, Ban Thư ký CITES đã tổ chức sự kiện khởi động dự án “Tăng cường tuân thủ quy định của CITES và thực thi pháp luật tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương”, theo đó sẽ hỗ trợ các quốc gia Cam-pu-chia, Lào, Malaysia, Việt Nam và quần đảo Solomon trong quá trình thực thi các quy định của CITES.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất