Năm 2013, FAO và Bộ NN&PTNT Việt Nam đã từng chủ trì một Hội thảo Quốc tế tại TP.HCM để các nước tìm tiếng nói chung trong việc công nhận trái cây nào là siêu trái cây. Sự kiện lúc đó thu hút sự tham gia của hơn một trăm đại biểu trong nước và quốc tế, gồm các nhà khoa học chuyên sâu về trái cây, các chuyên gia về dinh dưỡng và về thị trường trái cây trên thế giới. Từ đó đến nay, “siêu trái cây” của Việt Nam là gì vẫn chưa có câu trả lời thống nhất.
![]() |
Xoài cát Hòa Lộc. |
Đi tìm “siêu trái cây”
Nhằm trả lời câu hỏi “trái nào là siêu trái cây”, FAO đưa ra tiêu chí hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong trái và xét trên khía cạnh trái nào được nhiều thị trường yêu thích. Theo các nhà khoa học về dinh dưỡng của Mỹ, trái blue berries (việt quất), và trái canberris (nam việt quất) là các siêu trái cây (superfruits), vì chúng chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa tốt cho hệ miễn dịch của con người. Xét trên khía cạnh thị trường, các nhà khoa học Trung Quốc lại cho rằng đó là vải và nhãn, vì chúng vừa là thực phẩm, vừa là vị thuốc, được dùng để nấu nhiều món ăn. Đối với Việt Nam, nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng đó là trái thanh long vì chúng mang lại ngoại tệ rất lớn Việt Nam.
Các nhà khoa học Thái Lan cho trái măng cụt là siêu trái cây, vì vừa là cây xuất khẩu lớn nhất, vừa là vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Với người Mã Lai, siêu trái cây là khế, vì khế được xuất khẩu nhiều đi châu Âu. Với Indonesia, là trái măng cụt; còn Myanmar và Philippines thì cho rằng là xoài Kim cương và xoài Carabao.
Với Ấn Độ, xoài Alfonso là “Vua của các loại trái cây”, còn xoài Kesar là “Hoàng hậu của các loại trái cây”. New Zealand là trái kiwi. Còn với Úc, chính là bơ nhờ rất bổ dưỡng, dễ tiêu hóa cho trẻ em mới bắt đầu tập ăn. FAO xem xoài, đu đủ, cam quýt, và chuối là những loài trái cây có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thế giới. Đại diện của chợ trái cây Hà Lan báo cáo lựu và bơ là hai loại được thị trường châu Âu ưa thích.
Sau 2 ngày hội thảo, các nhà khoa học thế giới vẫn chưa có sự thống nhất trái cây nào là superfruits. Họ chỉ đồng ý với nhau là trái nào được nhiều thị trường hay được người tiêu dùng yêu thích và được xuất khẩu đi nhiều nước thì trái đó chắc chắn là một siêu trái cây.
Xoài cát Hòa Lộc, siêu trái cây của Việt Nam?
Tại hội thảo năm đó, phía Việt Nam, với mục đích tận dụng cơ hội này để tiếp thị trái cây ngon của Việt Nam với bạn bè quốc tế, đã chuẩn bị nhiều loại trái cây ngon để đãi khách. Xoài Hòa Lộc, xoài Cát Chu, bưởi da xanh, sầu riêng Ri-6, chôm chôm, nhãn xuồng cơm vàng, măng cụt, bòn bon, mít, đu đủ, thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng... được cắt gọt sẵn để mời khách ăn thử. Kết quả: các đĩa xoài Hòa Lộc được rất nhiều khách ưa thích và gật gù “loại trái này rất ngon”. Cứ đưa ra thêm đĩa nào liền hết ngay đĩa đó, nhiều khách chỉ ăn thứ trái cây này thôi.
Tiến sĩ Allan Woolf, một nhà khoa học đến từ New Zealand, từng đi rất nhiều nước nhận xét về xoài Hòa Lộc: “Không phải ngon, mà là thượng hạng (premium quality)”.Nhận xét này làm tôi nhớ đến Tiến sĩ Chan Ying Kwok - một nhà khoa học lĩnh vực trái cây nổi tiếng thế giới. Năm 1996, khi đến khảo sát cây trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi về Malaysia, hành lý của ông có đến 15kg xoài cát Hòa Lộc. Phải đóng tiền cước rất nhiều, nhưng khi về nước, ông viết thư cho tôi rằng việc phải trả thêm tiền này là rất… xứng đáng.
Những năm sau này, xoài cát Hòa Lộc đã từng được nhiều nhà khoa học thế giới ăn thử và cũng đánh giá là chất lượng thượng hạng.
Qua những dữ liệu mà tôi có, xoài Hòa Lộc không những ngon, mà hình dáng cũng rất đẹp và rất đặc trưng, không lẫn với hình dáng của bất kỳ giống xoài nào khác ở Việt Nam hay trên thế giới. Đối với người Việt Nam, tôi nghĩ trong vòng hai mươi năm tới sẽ khó tìm được xoài nào ngon hơn xoài Hòa Lộc - loại trái cây từng đoạt “ngôi vương” trong cuộc thi tìm giống xoài tốt nhất do Trung tâm Cây ăn quả Long Định tổ chức lần đầu (hồi tháng 04/1996).
Nếu có hội thi xác định giống xoài ngon nhất thế giới được tổ chức, tôi tin rằng xoài Hòa Lộc sẽ là ứng cử viên nặng ký. Xác định được đâu là siêu trái cây, theo tôi cũng là việc cần làm để phát triển một đặc sản của đất nước như một số nước đã làm.