, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 16/09/2019, 11:09

Sinh kế dựa lũ - những lo ngại về một nền nông nghiệp thâm canh khác

HỒNG LUÂN - LÊ QUANG

Lũ là hiện tượng đã quen thuộc với nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không chấp nhận phó mặc cho thiên nhiên và cam chịu thiệt hại, người dân trong khu vực áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, không phải mô hình “sinh kế dựa lũ” nào cũng đem lại hiệu quả nếu xét về cả kinh tế và bảo vệ môi trường.

“Dựa lũ” nhưng bất cập

Hàng năm lũ vẫn về vùng thượng nguồn ĐBSCL, bao gồm vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Vào khoảng tháng 7 dương lịch, mực nước trên sông Cửu Long bắt đầu tăng và đạt đỉnh lũ vào tháng 10. Theo thống kê, những năm lũ lớn sẽ có một diện tích khoảng 2 triệu héc-ta bị ngập nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất lúa gạo vụ 3 của các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo ở thượng nguồn. Do vậy, một hệ thống cống và đê bao đã được phát triển mạnh để duy trì diện tích lúa vụ 3. Chính sách này đặc biệt thành công không chỉ trong việc đảm bảo diện tích lúa, mà còn cải thiện đời sống nông thôn.

Thế nhưng, trong những năm gần đây nhiều nghiên cứu cho thấy việc xây dựng đê bao khép kín chống lũ đã và đang gây ra những tác động không mong muốn lên sinh kế trồng lúa của nông dân, cũng như làm suy giảm chất lượng môi trường khu vực trong đê bao. Việc ngăn cản nước lũ vào các khu vực trước đây là đồng bằng ngập lũ bằng hệ thống đê bao khép kín đã làm mất đi lượng lớn phù sa cung cấp cho đồng bằng, khiến đất canh tác ở đây trở nên nghèo dinh dưỡng.

Chính sách 3 năm 8 vụ được đề ra nhằm khuyến khích nông dân dẫn nước lũ vào đồng sau mỗi 3 năm (xả lũ) cũng chưa thực sự đạt hiệu quả, do nông dân trồng lúa ít chịu bỏ một vụ lúa để lấy nước lũ vào đồng. Việc người nông dân canh tác liên tục không xả lũ còn dẫn đến hậu quả mùa vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sâu bệnh và đất trồng bị nhiễm độc do dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu.

Theo Tiến sĩ Trần Đức Dũng - đại học Wageningen (Hà Lan) thì nông dân khu vực đê bao khép kín làm lúa ba vụ có thể phải chịu mức chi phí sản xuất cao gần gấp đôi so với các khu vực làm lúa hai vụ. Việc tăng chi phí sản xuất này là do các nhà nông phải đầu tư nhiều hơn vào phân bón để cải thiện tình trạng đất cằn cỗi vì thiếu phù sa và sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn để diệt địch hại. Các yếu tố này cộng với việc giá trị của gạo ở mức thấp đã tạo thành một cái bẫy nghèo đói ở các nông hộ trồng lúa.

“Dịch vụ sinh thái”, mảnh ghép còn thiếu

Nghị quyết 120 ban hành năm 2017 ra đời trong bối cảnh khu vực ĐBSCL đang đứng trước các ngã rẽ trên con đường phát triển. Nghị quyết xác định lộ trình cho đồng bằng hướng tới phát triển bền vững thông qua ưu tiên các giải pháp thuận thiên, thân thiện với môi trường. Đây được xem bước tiếp theo cụ thể hóa bản Kế hoạch phát triển ĐBSCL (MDP) được soạn thảo với sự tư vấn của các chuyên gia Hà Lan vào năm 2013.

Ở khu vực ngập lũ của Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, chính sách thuận thiên được cụ thể hóa bằng việc ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng tận dụng nguồn lợi từ lũ và hạn chế mở rộng hệ thống đê bao khép kín. Ở các khu vực ngập lũ thì trồng sen và các loại cây trồng dựa lũ khác như lúa nổi hay vườn rau nổi là những giải pháp thay thế phù hợp.

Khu vực trữ lũ ở Đồng Tháp Mười. (ảnh Hồng Luân)
Mô hình trồng sen lấy hạt ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: Hồng Luân

Tuy nhiên, “sinh kế dựa lũ” cũng chưa hẳn là giải pháp toàn diện bảo đảm sinh kế bền vững cho nông dân vùng lũ. Trong hội thảo sơ kết gần đây của dự án “Thí điểm sinh kế dựa vào mùa lũ tại An Giang – Đồng Tháp”, vấn đề đầu ra cho sản phẩm được nhắc đến như mặt hạn chế của mô hình “sinh kế dựa lũ”. Bên cạnh đó, vấn đề sâu bệnh cũng là đe dọa lớn với sinh kế trồng sen.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni - Khoa Môi trường Đại học Cần Thơ, giải pháp “sinh kế dựa lũ” cần phải cẩn trọng trước nguy cơ thay một nền nông nghiệp thâm canh lúa gạo bằng một nền nông nghiệp thâm canh khác - dưới danh nghĩa thuận thiên. Ông Ni cho rằng giải pháp bền vững hơn cho sinh kế của người nông dân vùng trữ lũ, là cần phải có phương án chi trả dịch vụ sinh thái cho người nông dân.

Dịch vụ sinh thái được định nghĩa là những lợi ích mà hệ sinh thái cung cấp. Khái niệm “Chi trả dịch vụ sinh thái” được đề ra dựa trên những định nghĩa về dịch vụ sinh thái. Theo đó, những đối tượng thụ hưởng những lợi ích từ hệ sinh thái sẽ chi trả bằng tiền cho đối tượng cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh ngập lụt ở ĐBSCL, đó là bài toán chi trả của các tỉnh vùng hạ lưu đồng bằng cho khu vực thượng lưu vì đã trữ nước giúp giảm nguy cơ ngập lụt. Trước nay, mối liên kết giữa vùng hạ lưu và thượng lưu này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến sự đánh đổi không công bằng khi mà nông dân vùng trữ lũ phải hy sinh một mùa vụ trồng lúa để trữ nước giảm ngập cho vùng dưới.

Khu vực trữ lũ ở Đồng Tháp Mười. (ảnh Hồng Luân)
Khu vực trữ lũ ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: Hồng Luân

“Chi trả cho dịch vụ sinh thái” là mảnh ghép cuối cùng còn thiếu cho vấn đề sinh kế bền vững khu vực ĐBSCL. Sở dĩ như vậy là vì nguồn kinh phí thu được từ việc chi trả của vùng dưới sẽ giúp đảm bảo một phần thu nhập cho nông dân vùng trên - vốn phải gánh chịu những rủi ro của “sinh kế dựa lũ”. Khoản kinh phí này cũng sẽ góp phần tăng thêm động lực của nông dân vùng trên trong việc trữ lũ, tái tạo lại không gian nguyên thủy của vùng đồng bằng ngập lũ sông Cửu Long. Chi trả cho dịch vụ sinh thái là một bước đi cụ thể để hiện thực hóa những lý tưởng của Nghị quyết 120.

Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này là một thử thách lớn. Do vậy, cần phải có những tính toán khoa học cụ thể về giá trị dịch vụ trữ lũ, và quan trọng hơn nữa là một sự đồng thuận giữa các vùng và các bên ra quyết định.

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất