, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 12/07/2021, 15:35

Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử

ANH THƯ
(SGGP)

Tháng 7 ở Vị Xuyên (Hà Giang) là tháng của lòng biết ơn. Trong cuộc chiến tranh biên giới, để bảo vệ Vị Xuyên, bảo vệ từng tấc đất nơi địa đầu Tổ quốc, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều đơn vị bộ đội đã trực tiếp tham gia chiến đấu ròng rã nhiều năm tại đây, hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống. 

Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ nhìn từ điểm cao 468.

Trong đó, riêng ngày 12/07/1984, đã có cả ngàn chiến sĩ hy sinh hoặc mất một phần máu thịt trước họng súng của những kẻ xâm lược. Ngày bi thương ấy được tưởng nhớ như là ngày giỗ trận. 

Trong thời gian dài làm việc, Mai Anh - cán bộ văn hóa xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên đã nói rất nhiều về trận chiến này, thế nhưng khi hướng dẫn chúng tôi thắp hương các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên, giọng thuyết minh của cán bộ này liên tục chùng xuống, nghẹn ngào. Còn chúng tôi, khóe mắt nhòa đi…

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên đặt tại cao điểm 468 (thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy), nơi từng là trung tâm của mặt trận Vị Xuyên phía Tây sông Lô, cũng là địa điểm đặt đài quan sát và trận địa pháo của bộ đội ta. Từ khi cuộc chiến tranh biên giới bùng nổ (tháng 2- 1979), nơi đây đã diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ giữa bộ đội ta và quân xâm lược Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc rút quân và đến năm 1984 quay trở lại thực hiện chiến dịch xâm lấn. 

Toàn bộ mặt trận Vị Xuyên lúc đó trải rộng trên 20km2, trở thành vùng đất lửa với những cao điểm được chiến sĩ ta gọi bằng những cái tên khốc liệt: Đồi thịt băm, Thác gọi hồn, Lò vôi thế kỷ, Ngã ba cửa tử… Mỗi tấc đất ở đây đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ - hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Chiến sĩ trẻ nhất đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên là người đã viết đơn tình nguyện ra trận lúc mới 16 tuổi.

Từ nhà đền nhìn sang hướng Tây, xuôi theo đường yên ngựa có thể quan sát được cao điểm 772. Ngày 12/07/1984, 3 tháng sau khi Trung Quốc quay trở lại chiến trường Vị Xuyên, Sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ tiến hành chiến dịch có mật danh là MB84, đánh chiếm cao điểm 772. Trận đánh diễn ra ác liệt 1 ngày 1 đêm, đã có hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ hy sinh, trong đó có 592 người thuộc biên chế của sư đoàn 356. Phía Trung Quốc, tuy không công bố số liệu chính thức, nhưng có nguồn tin ước tính số binh sĩ tham chiến nhiều gấp 6-7 lần quân ta. Nằm cạnh nhà đền hiện nay, cao điểm 685 bị hạ thấp gần 3m do sức công phá của hàng ngàn quả đạn pháo. 

Trong số các chiến sĩ hy sinh tại cao điểm 685 ngày ấy, có 2 người đang được thờ tại nhà đền. Đó là liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (quê Phú Thọ) và liệt sĩ Lê Trần Mãn, quê Thanh Hóa. Nguyễn Viết Ninh là Trung đội trưởng thuộc Sư đoàn 356. Anh đã khắc lên báng súng lời thề, cũng là phương châm sống của những người lính can trường năm ấy: “Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử”. Trong một trận đánh, Nguyễn Viết Ninh bị thương tới 3 lần. Hai lần đầu vết thương không quá nặng, anh tự băng bó và tiếp tục chiến đấu. Tới lần thứ 3, anh bị thương ở chân, mất quá nhiều máu, khi được đồng đội đưa về hang Suối Cụt, Nguyễn Viết Ninh đã hy sinh. 

Câu chuyện về anh hùng - liệt sĩ Lê Trần Mãn, nguyên là y sĩ của Sư đoàn 356 cũng đầy hào hùng. Anh Mãn là người đã xung phong mang lá cờ Tổ quốc lên cắm trên đỉnh E5, điểm cao nhất của cao điểm 685 để đánh dấu chủ quyền, thay thế lá cờ mà quân Trung Quốc đã cắm. Một đợt pháo bắn trùm lên cao điểm đã khiến anh nằm xuống, thịt xương hòa vào lòng đất mẹ…

Cựu chiến binh Phạm Ngọc An, khi thăm lại chiến trường xưa đã cảm khái viết nên những câu thơ xúc động: “Nhẹ nhàng thôi đừng làm rung cây lá/ Trên đỉnh đồi, dưới hang đá, khe sâu/ Bạn tôi nằm sau nhiều ngày chiến đấu/ Giấc ngủ ngon lành sâu thẳm với thời gian”. 

Chiến tranh biên giới đã lùi xa, nhưng những ngày tháng đó mãi mãi được lịch sử khắc ghi. Không ai được phép quên, đặc biệt là vào tháng 7, tháng có ngày “giỗ trận” bi thương và anh dũng... 

Tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang xâm lược biên giới Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50km, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc, thị trấn. Từ tháng 4-1984, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên với mưu đồ vẽ lại đường biên giới của chúng tới phía Bắc suối Thanh Thủy.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn của chúng ta đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Tại các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm... trận chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt. Có đợt chỉ trong 3 ngày, quân xâm lược Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đại bác vào khu vực Vị Xuyên. Đá núi như bị nung xốp bởi sức nóng của đạn pháo, đến mức được gọi là “Lò vôi thế kỷ”.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất