, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 02/04/2020, 17:26

Sông Lại, mến yêu chảy tự ngọn nguồn

TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
(baobinhdinh.com.vn)

Sông Lại là một trong ba dòng sông lớn của Bình Định, nằm ở phía Bắc tỉnh. Tên đầy đủ của nó là Lại Dương Giang. Dương chỉ ánh sáng mặt trời. Lại, có nghĩa là âm thanh phát ra từ khoảng trống của trời đất; là an ủi, ủy lạo; còn có nghĩa là mãnh liệt, dữ dội. Những nét nghĩa đối nghịch ấy, đều mô tả đúng bản chất của Lại Giang.

 Dòng sông như một luồng dương khí tràn trề, quanh năm trải mình nuôi nấng những vùng quê ven bờ bằng dòng chảy dào dạt và phóng túng không cần dành dụm, đến mức các nhánh của nó gầy rạc vào những ngày nắng to dai dẳng. Mùa đông, nước từ trên trời rơi xuống, từ thượng nguồn kéo về, Lại Giang cuồn cuộn hòa tan sức lực của mình vào ruộng vườn trù mật, nâng đỡ cư dân xứ sở.

Trên dòng sông Lại.
Trên dòng sông Lại.

Sông Lại có hai nguồn: An Lão và Kim Sơn. Nước Trong từ núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi băng qua vài chục cây số, tìm gặp Nước Trắng từ núi Tây chảy xuống tại điểm Nước Giao, sau đó tiếp nhận Nước Săng và Nước Trop tại Thanh Lương thành nguồn An Lão. Nước Lương và Nước Lăng (tức Nước Roong), và nhiều suối mẹ trên các ngọn núi hùng vĩ phía Tây và Tây Nam Bình Định chảy về Xuân Sơn thành nguồn Kim Sơn. Đến ngã ba Phú Văn thì nguồn An Lão gặp nguồn Kim Sơn. Chính vì sông Lại do nhiều nguồn nước sinh thành, nên sách Đại Nam nhất thống chí liệt nó vào hàng đại giang với đặc điểm “nguồn nước họp”.

Phải nói rằng, vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa tráng khí của vùng Bắc Bình Định, phần lớn là nhờ sông Lại tô điểm, đắp bồi. Hai nhánh Kim Sơn, An Lão như đôi cánh phượng hoàng vùng vẫy, biến vùng giao thủy thành một chữ V duyên dáng. Dòng nước khéo léo lượn theo chân núi Nghiên và mỉm cười tặng cho nơi này một bàu Mực xanh biếc, địa danh Phú Văn - giàu chữ - ấp ủ giấc mộng chữ nghĩa của người dân nơi này. Mà đâu chỉ là mộng! Nơi đây từng lừng lẫy một tiến sĩ Lê Chân, nhà khoa bảng sớm nhất của Bình Định; từng góp phần hun đúc một Tăng Bạt Hổ với văn khí hùng hồn lay động bốn phương trên bước đường xuất dương cứu nước; và rất nhiều tài danh trẻ chăn trâu đọc sách mà vẫn đăng quang thủ khoa quốc gia thời hiện đại.

Sông Lại đi qua địa phận nào, được dân địa phương lấy địa danh nơi đó đặt tên. Trước khi về biển, nó chảy qua phủ lỵ Hoài Nhân cũ, cũng là huyện lỵ bây giờ, được gắn với một mỹ danh rất đẹp: sông Bồng Sơn. Cuối sông là cửa An Dũ.

Năm nào cư dân sông Lại cũng xanh mặt vì nước lụt, nhất là vùng cửa sông. Khỏi phải nói Lại Giang vào lũ hung hãn mãnh liệt thế nào. Như một đàn ngựa bất kham tung bờm bất chấp mọi vật cản, không, chính xác hơn là một đàn thuồng luồng xuất khỏi hang trời, vẫy vùng ra biển, sẵn sàng nuốt chửng, đập nát, cuốn trôi mọi thứ trên đường. Thuyền bè, nhà cửa ư? Chuyện nhỏ. Ngay cả cầu Vố bê tông cốt thép trấn vùng thượng nguồn An Lão, mà chỉ cần một cái vặn mình của dòng nước đục ngầu, là rắc rắc, thân bị bứt khỏi mố cầu, trở thành hung thần va đập và tàn phá cho thỏa cơn điên loạn. Mùa lũ, biển và sông hợp ngôn gầm réo, kinh động đất trời.

Xinh đẹp, mãnh liệt, với lưu vực dài rộng mênh mang, sông Lại đã tặng cho An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn những sản vật để đời: hồ tiêu, trầu nguồn, trà cam khổ, cá bống cát... Thời phong kiến, cá bống cát sông Lại và trà cam khổ Hoài Ân không thể thiếu trong danh mục đặc sản tiến vua. Từ thế kỷ XVI, XVII, XVIII, hồ tiêu và trầu nguồn An Lão đã thông qua các món ăn địa phương vùng cảng thị Nước Mặn, cảng Thị Nại, đánh thức giác quan của thương khách ngoại quốc đến từ Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật, Trung... Không tả xiết về sự hòa quyện đằm thắm keo sơn giữa tiêu xanh nguyên hạt, hoặc tiêu khô huyền tán bột với các món kho đặc sệt phong vị Quy Nhơn đã khiến các nhà truyền giáo và thương gia Tây Phương mê mẩn. Khỏi phải bàn vị trầu nguồn An Lão thơm cay nồng đượm ra sao mà các quốc gia Đông Á rất hài lòng về sự hiện diện của nó trong màn mở đầu của nghi lễ. Chỉ cần đọc một trang sách về xứ Đàng Trong của Borri về những chuyến tàu ngày đêm cập cảng Quy Nhơn để mua hồ tiêu và trầu nguồn, sẽ hiểu sự tấp nập của ngoại thương tại các cảng biển Bình Định thời ấy, không thể chỉ do chính sách mở cửa tiến bộ của các chúa Nguyễn và triều Tây Sơn đưa lại, mà nó dích dắc cội rễ từ tài nghệ buôn bán của nậu biển, từ bí quyết gieo trồng của nậu nguồn, từ hương vị đất đai, không khí và nước nôi rót vào sản vật. Truy nguyên xem từ đâu, nếu không có sông Lại? 

Vậy nên, không thể không tri ân dòng sông này.

Vậy nên, không thể không cải tạo và nuôi dưỡng dòng sông này.

Để cải tạo sông Lại, rất nhiều đợt trị thủy lớn đã diễn ra. Ngày 16.10.2003, đối diện cơn lũ lịch sử với đỉnh triều 8,5 m, để khắc phục hiện tượng cát bồi tụ thu hẹp cửa sông, chính quyền đã quyết định nổ mìn để mở rộng cửa An Dũ, hạ thấp mực nước. Nhờ đó đã cứu được hàng vạn hộ dân ven sông từ An Lão đến Hoài Nhơn. Những công trình có quy mô lớn được kiến tạo với một tầm nhìn xa rộng: vừa giữ nước cho sông để điều tiết hợp lý cho những cánh đồng trên toàn lưu vực, vừa cố gắng để quần thể cầu, đập, trạm nhân tạo không phá vỡ vẻ đẹp vô giá mà tự nhiên đã ban cho sông Lại. Tiêu biểu là đập dâng Lại Giang tại xã Ân Thạnh huyện Hoài Ân và đập ngăn mặn (đang được xây dựng) ở đoạn sông chảy qua hai xã Hoài Đức và Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn.

***

Rời công trường xây dựng đập ngăn mặn, chúng tôi đi dọc sông Lại về nguồn vào cuối buổi chiều, nước và trời yên tĩnh ngắm nhau, sự yên tĩnh cho phép hình ảnh bên này trở thành tuyệt đối trong mắt bên kia qua phép soi gương. Một người bất chợt reo lên khi nhìn thấy một cây cầu sạp ghép bằng tre bắc qua sông, vẽ lên chiều thu nét uốn mình của con rồng trắng vượt nước xanh. Reo, như gặp lại một yêu dấu tưởng chừng biền biệt, gọi về cả một thời thơ ấu từng lặn ngụp trong dào dạt của Lại Giang, từng gọi đoạn đường giữa lòng thị trấn xanh thẫm bóng dừa bằng cái tên Phố Bồng thơ mộng, từng cùng bạn bè hái lá sen che đầu, từng trèo dừa sau cốc sư cô, từng cưỡi xe đạp qua cầu sạp những chiều lộng gió... Chiều nay, là khoảnh khắc mình gặp lại mình, tiếng reo chạm đến trời mây, rồi dội trở lại những tán dừa, loang trên mặt sông dài, vọng vào tôi một đồng âm tương ngộ. Trước lau lách hai bờ, trước núi xa mây thẳm, tiếng trò chuyện của chồng tôi với những người quê đi chợ về làm dậy một hồn quê. Tôi trở thành người tiếp sóng cho những nỗi niềm sâu thẳm chỉ thức dậy khi gặp lại những gì vô cùng thân thuộc.

Tuyệt đối là thân thuộc, với tôi! Vì đó là quê chồng, vì đó là sông Lại mến thương ruột rà của nước non Bình Định.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất