, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 10/06/2019, 13:12

Cùng gỡ khó cho nhà nông

BẢO NGỌC
Đã có tới 6 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; 45 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương và 9 Bộ trưởng trực tiếp tham gia đối thoại tại diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của toàn hệ thống chính trị đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân, mà trong đó, khối nông nghiệp chiếm một tỷ trọng rất đáng kể. Trong bài phát biểu của mình, khi nhắc đến các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kể tên hàng loạt sản phẩm nông nghiệp trước tiên. Đó là sâm ngọc linh, tôm công nghệ cao, gỗ, lúa gạo...

Tư liệu sản xuất quan trọng nhất vẫn vướng

Vườn ca cao nguyên liệu  của Công ty TNHH Cacao Trọng Đức.
Vườn ca cao nguyên liệu của Công ty TNHH Cacao Trọng Đức.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt ở 185 quốc gia, song nông nghiệp - nông thôn nước ta vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu, vừa đứng trước những thách thức mới như chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh bị hạn chế; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa thiếu ổn định.

Cho rằng thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng nay nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này vẫn còn rất mỏng; Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay, chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. “Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. Ở Mỹ, một hộ có 500.000ha chỉ 2 vợ chồng làm”, ông nói.

Để nâng cao sức cạnh tranh của khu vực nông nghiệp, điều kiện tiên quyết là phải tập trung ruộng đất để có thể sản xuất nông nghiệp ở quy mô công nghiệp. Mặc dù đối với cộng đồng doanh nghiệp chung, xu hướng tích cực đáng ghi nhận trong hai năm qua là khả năng tiếp cận đất đai đã tăng lên đáng kể, nhưng quá trình tích tụ ruộng đất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng Luật Đất đai.

Bên cạnh việc tích cực xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận quyền sử dụng đất lâu dài thông qua việc thuê, mướn đất, nhận góp vốn của hộ nông dân bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, hoàn thiện đồng bộ các chính sách tín dụng, đầu tư, bảo hiểm cho nông nghiệp, nông thôn…

Xây dựng quan hệ "Tổ ong"

Cảnh mua bán nông sản tại chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Ảnh: Đ.T
Cảnh mua bán nông sản tại chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Ảnh: Đ.T

Nếu như có một từ khóa quan trọng nhất, mở ra những con đường phát triển khả quan cho nông nghiệp, thì đó chính là từ “liên kết”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, việc cơ cấu nông nghiệp sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực như: nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; cấp tỉnh và cấp địa phương, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng.

Thế nhưng làm thế nào để tạo ra những liên kết bền vững giữa các bên tham gia trong lĩnh vực này? Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, đến nay đã có 50% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thực hiện liên kết sản xuất giữa các nhà, lợi nhuận nhiều hợp tác xã bình quân tăng 15 - 20%.

Tuy nhiên hiện nay đa số các hợp tác xã chưa phát huy được tối đa vai trò của mình trong liên kết sản xuất; mà nguyên nhân chính là do quy mô hợp tác xã chủ yếu vẫn là vừa và nhỏ (cả về lao động và vốn, doanh thu và lợi nhuận). Mà đã nhỏ thì vai trò liên kết bị hạn chế; khả năng thích ứng với cơ chế thị trường không cao, số làm dịch vụ ít trong khi nhu cầu của các thành viên trong hợp tác xã về dịch vụ lại rất lớn. Năng lực quản trị yếu, chưa thích ứng với cơ chế thị trường, việc tiếp cận cơ chế chính sách chưa tốt nên khả năng hưởng thụ chính sách của các hợp tác xã cũng không cao.

“Hiến kế” để hóa giải những khó khăn này, ông Thịnh đề nghị sửa Luật Hợp tác xã 2012 và Luật Đất đai; đồng thời sớm nghiên cứu ban hành nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp chứ không nên dùng một nghị định để áp dụng chung cho tất cả các loại hình hợp tác xã. Vị Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng mong muốn chuỗi sinh thái đồng bộ từ quy hoạch vùng, trồng nguyên liệu, các nhà máy chế biến, kho vận, trung tâm hỗ trợ nông dân, chính sách xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng… sớm được xây dựng và không quên nói thêm rằng bản thân các hợp tác xã cũng phải đổi mới nâng cao năng lực trình độ trong quản trị để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và liên kết.

Trả lời câu hỏi doanh nghiệp có thể đảm bảo được vai trò “hạt nhân” tham gia dẫn dắt để gia tăng chuỗi giá trị hay không; nếu đảm đương thì doanh nghiệp cần chính sách gì, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng vì chỉ có doanh nghiệp mới nắm bắt được nhiệt độ thị trường. Nhưng doanh nghiệp không thể quyết định toàn chuỗi, mà cần “phân công, phân vai”; trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, còn doanh nghiệp cùng tham gia quản trị hợp tác xã để các hợp tác xã càng ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Đặc biệt, các ngân hàng là một khâu được coi là vẫn còn lỏng lẻo trong chuỗi liên kết. Theo ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năng lực tài chính của khách hàng yếu, hiện tượng vi phạm hợp đồng của người dân còn nhiều, thị trường thiếu ổn định, mất cân đối cung cầu gây khó khăn cho ngân hàng, khiến cho các nhà băng không dám mạnh dạn bơm vốn.

Thời gian tới cần phải xúc tiến nhiều hình thức bảo hiểm giá, bảo hiểm rủi ro cho người tham gia chuỗi liên kết; nhất là tăng cường vai trò của UBND các tỉnh, thành trong phát triển chuỗi, giám sát và hỗ trợ người dân tham gia chuỗi, không để xảy ra hiện tượng “lật kèo” của bất cứ bên nào. “Thực tế cho thấy mỗi tỉnh có một cách làm riêng chứ chưa có sự đồng bộ”, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẳng thắn nhận định.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất