, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/09/2020, 11:27

Khi nông dân chú trọng trồng rau an toàn

Theo HOÀNG YÊN (baolamdong.vn)

Những năm qua, nông dân Đức Trọng đã chú ý đến việc sản xuất rau an toàn để cung ứng ra thị trường nông sản sạch. Qua đó, diện tích rau, củ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện không ngừng tăng lên cũng như đầu ra ổn định hơn.

 

Sản xuất rau an toàn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân
Sản xuất rau an toàn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân

Đầu tư để sản xuất rau VietGAP

Từ khi Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU ngày 2/6/2011 về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ, kỹ thuật cao gắn với phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, cùng với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nông dân trong huyện đã sử dụng các thiết bị hiện đại trong sản xuất, quản lý và tiếp cận những thành tựu mới của khoa học công nghệ... để sản xuất nông sản sạch, từ đó, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. 
 
Ông Phạm Tấn Phúc (xã Ninh Gia) đã đầu tư 1,2 tỷ đồng làm nhà kính theo kiểu Israel để trồng rau, củ theo chuẩn VietGAP và trở thành người đi tiên phong trong phát triển rau, hoa nhà kính của xã. Ông Phúc may mắn vì có con trai làm ở Công ty VietFarm TP Hồ Chí Minh, trước đây ông cũng là người thu mua nông sản cho công ty của con mình nên ông được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nắm vững những yêu cầu khắt khe của thị trường rau, củ, quả sạch. Ông đã mạnh dạn phá bỏ 1,3 ha cà phê đang cho thu hoạch để đầu tư nhà kính công nghệ cao. Vườn rau của ông không chỉ cung cấp hàng cho Công ty VietFarm mà còn là nơi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho những ai mới bước vào sản xuất theo hướng công nghệ cao. Ông Phúc cho biết, vấn đề đầu ra sản phẩm không lo, nên ông khuyến khích các hộ trong thôn, xã trồng theo hướng ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất sạch để làm ăn có bài bản, đủ nguồn hàng cung cấp cho các công ty. “Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi nhận thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại. Trước tiên là giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng phân và không sử dụng thuốc BVTV hóa học. Sản phẩm bán ra ổn định, được người tiêu dùng tin tưởng nên người làm ra sản phẩm như mình cũng vui”, ông Phúc phấn khởi.
 
Tương tự, vườn rau thơm (gia vị) 3 ha được trồng theo chuẩn VietGAP của gia đình anh Lê Xuân Minh (TT Liên Nghĩa, Đức Trọng), mỗi tháng cung ứng hàng chục tấn hàng được bán với giá cao.
 
Anh Minh cho biết, sản phẩm chủ lực của anh gồm các loại rau thơm như diếp cá, thì là, tía tô, kinh giới… Thời gian từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch là 2 tháng. Trước thu hoạch, các luống rau thơm đều được cách ly 20 ngày để đảm bảo an toàn. Rau thơm ăn sống có tiêu chuẩn khắt khe về các chỉ số kim loại nặng (thủy ngân, chì, cadimi, asen…), không nhiễm khuẩn E.Coli, Salmonela… 
 
Với nền tảng trồng rau gia vị trong vườn lâu đời và được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau gia vị an toàn theo chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc trừ sâu, nước tưới được sử dụng là nước sạch đảm bảo chất lượng, đất được cày bừa tơi xốp, lên luống đúng, anh Minh đã tạo nên những luống rau xanh tươi, đảm bảo chất lượng, đặc biệt giữ được mùi thơm đặc trưng cho từng loại rau mà các nơi khác không có được. Hiện nay anh tìm được đầu ra ổn định ở Siêu thị VinMart, Công ty Cao Nguyên, Công ty Phong Thúy, HTX Anh Đào… 
 
Được biết, từ trước tới nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng được cấp khoảng 620 ha sản xuất theo hướng VietGAP cho khoảng 55 tổ chức, cá nhân. Những sản phẩm này đều được tiêu thụ ổn định thông qua các hợp đồng liên kết. 
 
Ổn định đầu ra nhờ liên kết
 
Để sản xuất rau an toàn, hầu hết người nông dân phải áp dụng nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đến thời điểm tháng 8/2020, trên địa bàn huyện có trên 10.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tăng hơn 500 ha so với năm 2019. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp toàn huyện hiện nay là 29.139 hộ. 
 
Qua rà soát, thống kê và tổng hợp số liệu từ các xã, thì tại thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có gần 5.000 hộ sản xuất nông nghiệp kể cả trồng trọt và chăn nuôi tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 17,1% số hộ sản xuất nông nghiệp, tăng 935 hộ so với năm 2019. Trong tổng số hộ liên kết thì có 1.763 hộ được ký kết rõ ràng thông qua hợp đồng, chiếm tỷ lệ 35,3%. Cụ thể, liên kết với tổ hợp tác có 92 hộ, liên kết với HTX có 642 hộ, liên kết với doanh nghiệp 1.528 hộ, liên kết với các đơn vị khác như cơ sở, thương lái… là 2.722 hộ.
 
Ông Phạm Hồng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đức Trọng cho biết, những năm qua, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Dự án JICA về phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, tái canh cây cà phê, chuyển đổi lúa 1 vụ... Thực tế cho thấy, sản xuất rau an toàn vừa đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và người sản xuất. Việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh trong nông nghiệp đã từng bước xóa bỏ tập quán canh tác manh mún, không tập trung, để hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn như tạo mối liên kết giữa khu vực trung tâm huyện với các xã vùng Loan trong chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch. Hiện nay, sản phẩm rau an toàn ở Đức Trọng không chỉ tiêu thụ ở tỉnh mà còn thị trường thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đồng thời hướng tới xuất khẩu. Đây là cơ hội để mở rộng diện tích trồng rau an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Theo HOÀNG YÊN (baolamdong.vn)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất