, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 14/10/2020, 10:45

Nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo VĂN VIỆT (baolamdong.com.vn)

Triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại; ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã và đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực gắn với tái cơ cấu ngành, đạt nhiều thành tựu xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. 

 

 

Nông nghiệp thông minh Lâm Đồng sẽ đạt 1.000 ha vào năm 2025.
Nông nghiệp thông minh Lâm Đồng sẽ đạt 1.000 ha vào năm 2025.

Đột phá tiếp cận trình độ công nghệ của thế giới

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức ổn định sản xuất tổng diện tích canh tác trên 300.000 ha, phân bổ phù hợp trên từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng trên địa bàn. Trong đó, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 60.200 ha, chiếm hơn 20% tổng diện tích canh tác và tăng 40% so với năm 2015. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi 60.000 ha cây trồng mới gồm: tái canh cà phê (45.000 ha), 10.000 ha cây ăn quả các loại, 5.000 ha rau, hoa. Trên địa bàn 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 15 vùng sản xuất (khoảng 1.500 ha) và 15 doanh nghiệp (khoảng 350 ha, 3.200 con bò sữa) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tính chung đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt phát triển gần 20 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.400 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ước đạt 35% tổng giá trị sản xuất toàn ngành và đạt bình quân 400 triệu đồng/ha; đặc biệt, nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ IoT với doanh thu trên 3 tỷ đồng/ha/năm.

“Lâm Đồng đã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại và là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành, nhằm tiếp cận trình độ công nghệ của thế giới”. Theo đó, nhiều loại công nghệ được ứng dụng vào sản xuất đa dạng và phù hợp với thực tế sản xuất như: Công nghệ sinh học trong khâu giống với 51 cơ sở nuôi cấy mô thực vật; trên 394 box cấy với công suất hàng năm trên 45 triệu cây giống gốc, cung cấp cho 200 vườn ươm sản xuất 2 tỷ cây giống thương phẩm. Cơ giới hóa 100% khâu gieo ươm giống rau, hoa. Công nghệ thủy canh hiện đại với tổng diện tích 70 ha. Công nghệ nhà kính với 4.342 ha thì có khoảng 100 ha nhà kính cao cấp được nhập khẩu đồng bộ hiện đại từ các nước Israel, Pháp, Hà Lan, Đài Loan… Công nghệ nhà lưới 2.458 ha. Công nghệ tưới tự động, bán tự động của Israel, Ý, Đài Loan… gần 40.000 ha. Hơn 250 ha công nghệ vật liệu mới của Israel, Nhật Bản, Tây Ban Nha về màng phủ nhà kính bằng plastic 3-5 lớp có tác dụng chống tia cực tím, khuyếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền từ 5-7 năm… 

Nhiều loại phân bón thế hệ mới (công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh...) được ứng dụng trong canh tác thủy canh, sản xuất trên giá thể. Ngoài ra, trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng đã triển khai thành công nhiều mô hình hệ thống quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng… thông qua hệ thống IoT cảm biến kết nối với hệ thống computer, điện thoại thông minh với quy mô gần 205 ha. Đây là điểm nổi bật trong nông nghiệp thông minh của giai đoạn 2016-2020, so sánh với trước năm 2016 chỉ có những mô hình nhỏ lẻ diện tích 5-7 ha thử nghiệm trên cây rau, hoa… 

 

Đơn Dương phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh trong 5 năm tới.
Đơn Dương phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh trong 5 năm tới.

100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, ngành nông nghiệp đặt ra một trong những mục tiêu trọng tâm là “xây dựng nông thôn mới bền vững cả về tiêu chí và chất lượng cuộc sống của người dân gắn với việc xây dựng cảnh quan môi trường”, phấn đấu đến năm 2025 với 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, Đơn Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh. Huyện Đức Trọng đạt tiêu chí huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa. Và có ít nhất 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp bền vững theo Nghị quyết 05-NQ/TU, Lâm Đồng gắn với xây dựng nông thôn mới cùng các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 đã thông qua nêu trên, trước hết Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng đạt tỷ lệ 25% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 1.600 ha chứng nhận sản xuất hữu cơ và 1.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh. 

“Với mục tiêu gắn kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất với xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tập trung các nguồn lực đầu tư, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển sản xuất; phát triển công nghiệp và dịch vụ; đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, thu nhập bền vững cho lao động nông thôn. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn, đặc biệt là không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần tạo động lực trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Lâm Đồng đạt nhiều thành tựu hơn nữa…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh.

Theo VĂN VIỆT (baolamdong.com.vn)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất