, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 25/11/2021, 06:07

Sri Lanka đầu hàng "chính sách nông nghiệp hữu cơ tuyệt đối"

HÀ DƯƠNG
(nongnghiep.vn)
Sri Lanka từ bỏ mục tiêu đầy tham vọng trở thành quốc gia nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ đầu tiên trên thế giới với tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm nhập thuốc trừ sâu.
Nông dân huyện Dekatana, tỉnh Tây Sri Lanka tuần hành phản đối và đốt các hình nộm của Bộ trưởng Nông nghiệp vào ngày 10 tháng 11 để yêu cầu chính phủ viện trợ phân bón sau khi áp dụng chính sách 100% nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Lanka Express

Tuyên bố dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm nhập khẩu thuốc trừ sâu và các nguyên liệu vật tư đầu vào nông nghiệp khác được chính phủ Sri Lanka loan đi ngày 21/11, trong bối cảnh quốc đảo này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn ngoại hối gây ra khủng hoảng thiếu lương thực, dầu thô và nhiều mặt hàng thiết yếu khác.

Trước đó vào tháng trước, các nhà chức trách đã âm thầm nới lỏng và cho phép tái nhập khẩu phân bón đối với ngành sản xuất chè- mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này. Tuy nhiên trước sức ép các cuộc tuần hành, biểu tình đông người được lên kế hoạch của nông dân trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Colombo yêu cầu chính phủ cho nhập khẩu trở lại các hóa chất thiết yếu để bảo vệ mùa màng của họ.

Bộ Nông nghiệp Sri Lanka cho biết họ sẽ chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả các loại hóa chất nông nghiệp, bao gồm cả thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Bộ trưởng Nông nghiệp Sri Lanka Udith Jayasinghe nói với kênh truyền hình News First TV rằng: “Chúng tôi phải cho phép mở cửa nhập khẩu các loại hóa chất đầu vào sản xuất hiện đang cần khẩn cấp. Đây là một quyết định đã được xem xét kỹ lưỡng cho thấy sự cần thiết phải đảm bảo an ninh lương thực".

Tuyên bố trên được loan đi sau khi nông dân địa phương tại các vùng đất nông nghiệp rộng lớn đã bị bỏ hoang sau lệnh cấm nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu, được ban hành và có hiệu lực lần đầu tiên vào tháng Năm.

Theo ghi nhận, tình trạng thiếu hụt lương thực, nhu yếu phẩm tại đảo quốc trên 20 triệu dân đã trở nên tồi tệ hơn trong tuần vừa qua qua, với giá gạo, rau và các mặt hàng thiết yếu khác trên thị trường đã tăng giá gấp đôi trên khắp cả nước.

Hệ thống các siêu thị cũng đã phải phân bổ, cân đối nguồn gạo để đưa ra thị trường. Theo đó chỉ cho phép mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 5 kg. Trong khi đó, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vẫn luôn biện minh cho lệnh cấm nhập khẩu bằng cách nói rằng ông muốn nền sản xuất nông nghiệp của Sri Lanka đạt chuẩn “hữu cơ 100%”.

Chính phủ Sri Lanka đã chính thức từ bỏ tham vọng trở thành quốc gia nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ đầu tiên trên thế giới. Ảnh: AFP

Chính sách này được đưa ra sau một tác động lớn đối với nền kinh tế của hòn đảo thiếu tiền mặt sau đại dịch Covid-19, với thu nhập từ du lịch và lượng kiều hối của người lao động nước ngoài giảm mạnh. Sri Lanka cũng đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất vào tháng trước sau khi hết ngoại tệ để nhập khẩu dầu thô.

 Ngành nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế của đất nước Sri Lanka, trong đó ba loại cây truyền thống xuất khẩu chính của nước này là chè, cao su và dừa. Ngay từ thế kỷ XIX và XX, Sri Lanka đã là một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, trong đó nổi tiếng về sản xuất và xuất khẩu quế, cao su và chè đặc sản Ceylon.

Tuy nhiên sau đó nền kinh tế thuần túy dựa vào trồng trọt đã làm trầm trọng thêm sự nghèo khổ và sự bất bình đẳng kinh tế. Từ năm 1948 tới năm 1977, các chính sách kinh tế của chính phủ mang nặng dấu ấn bảo thủ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống người dân khiến các loại cây trồng thời thuộc địa bị phá bỏ, các ngành công nghiệp bị quốc hữu hóa khiến nền kinh tế quốc gia kém hiệu quả, tăng trưởng chậm và thiếu đầu tư nước ngoài.

Đến đầu những năm 80, chính phủ bắt đầu tiến hành tư nhân hóa, giảm kiểm soát và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và sắp xếp, cải tổ lại ngành nông nghiệp mới đưa quốc gia này có những bước chuyển vững chắc sang một nền kinh tế công nghiệp hóa với sự phát triển các ngành chế biến lương thực, dệt may, viễn thông và tài chính.

Tới năm 1996, nông nghiệp chỉ còn chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu (so với 93% năm 1970), trong khi dệt may đã chiếm tới 63%. Tổng sản phẩm quốc nội GDP hàng năm tăng trưởng trung bình 5.5% vào những năm đầu thập kỷ 1990, nhưng tình trạng hạn hán và an ninh kém khiến nó tụt xuống còn 3.8% vào năm 1996. Nền kinh tế sau đó đã tìm lại nhịp độ tăng trưởng trong thời kỳ 1997-2000, với mức trung bình hàng năm 5.3% và từng có thời điểm Sri Lanka có mức thu nhập trên đầu người cao nhất khu vực Nam Á.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất