, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 13/07/2020, 10:09

Sự tích Bà Chúa Muối

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)

Sách xưa chép lại: Bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm 1280 tại trang Quang Lang, huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình (nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình làm nghề muối. Từ thuở nhỏ, bà đã có tài mạo khác thường, chăm đọc sách vở và rất mực thông minh. Mỗi khi học xong Nguyệt Ảnh thường ra đồng giúp bố mẹ làm việc. Nhưng mỗi lần giúp bố mẹ thì bà đi đến đâu trời lại râm đến đấy, trong khi nghề làm muối phải có ánh nắng, nắng càng to thì muối càng đẹp.

Đền thờ Bà chúa Muỗi
Đền thờ Bà chúa Muối

Lo lắng cho nghề truyền thống và kế sinh nhai của cư dân địa phương, những người cao tuổi trong làng đã họp nhau lại, bàn ra kế đóng cho bà một chiếc thuyền để mang muối đi buôn nơi khác. Trong một lần buôn, thuyền của bà đậu ở bến sông gần kinh thành Thăng Long, vừa hay lại đúng vào dịp vua Trần Anh Tông đi kinh lý qua sông.

Cơ duyên như trời định, xiêu lòng trước vẻ đẹp của bà, vua đã đưa bà vào cung, hết mực sủng ái và cho làm Tam phi. Nhưng không may, bà không sinh được con rồi buồn phiền mà lâm bệnh. Sau đó, vua Trần Anh Tông đưa bà về quê ngoại với hy vọng có thể khiến bệnh tình của bà tiến triển tốt hơn.

Thấy bà Chúa chiều nào cũng ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để bà vơi bớt nỗi buồn. Một chiều nọ, khi đang nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, bà cười rồi thoát trần (ngày 14/4 năm Mậu Tuất). Nhà vua hay tin vô cùng thương xót, sắc phong cho bà làm Phúc thần và cho nhân dân lập đền thờ phụng mang tên Đền thờ Bà Chúa Muối.

Qua thời gian, đền thờ đã bị hư hại và phá bỏ. Năm 1988, người dân trong vùng tạm xây lại một phủ nhỏ để thờ bà. Năm 2012, Bộ VHTTDL đã khôi phục lại di tích này. Phủ hiện tại có 3 gian, có hậu cung và những hương án bàn thờ, tượng thờ; trong phủ có một số vật dụng đặc thù liên quan đến nghề làm muối như xe cút kít, gáo múc nước chạt, tang, cào muối trên sân phơi… đền Bà chúa Muối hiện còn lưu giữ một bức hoành phi sắc phong thời Trần và hai bộ câu đối cổ.

Lễ hội rước thần phủ Bà Chúa Muối diễn ra vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội rất đặc sắc, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách. Dịp này, người dân làm đám rước cùng với những hình nộm ông Đùng - bà Đà nhảy múa nhằm diễn lại tích trò xưa trẻ con chơi đùa hầu bà và thể hiện cho ước vọng sinh sôi, nảy nở, mong nhiều hoa trái của dân làng và xướng vang những câu ca tụng công đức của Bà Chúa Muối. Đám rước diễu quanh làng trước rồi quay lại đền Bà Chúa Muối. Người dân nơi đây luôn tin rằng may mắn sẽ đến với họ, với làng muối nếu sau mỗi dịp lễ hội có thể xin được một đoạn tre hoặc nứa là hình nộm trong tích diễn mang về nhà. Chính điều này làm nên một phong tục lạ trong hội làng nơi đây – tục phá Đùng.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất