, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 17/02/2024, 19:00

Sử xanh

HUYỀN TÍCH

Ca dao có câu: Tiếng tăm lừng lẫy đó đây - Sử xanh ghi mãi những ngày vẻ vang. Nguyễn Du với Kiều thì hẳn ai cũng thuộc Cảo thơm lần giở trước đèn - Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. Khi chí sĩ Trần Cao Vân chuẩn bị ra trước pháp trường, ông có bài thơ Tuyệt mệnh, với hai câu đầu: Trung lập càn khôn bất ý thiên - Việt Nam văn vật cổ lai truyền, ông Hành Sơn dịch là: Giữa trời đứng vững không thiên - Ngàn năm nước Việt còn truyền sử xanh… Liệt kê ra, gắn chữ sử xanh trong văn chương nhiều lắm. Lại nhớ binh phu thời nhà Nguyễn ở Lý Sơn vâng lệnh vua đi Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, cổ sử có ghi hành trang họ đem theo là những chiếu tre để bó xác nếu bỏ mạng trên sóng, như thêm một lần nữa xanh phận làm dân giữa thăm thẳm của biển mà chí khí vang động sử sách. 

Vậy là, cái gì mãi thuộc về lịch sử - văn hóa, hẳn chói lọi những trang sử xanh. Sử xanh nghĩa là thanh sử, tức sử chép trên từng tấm thẻ tre xanh khi chưa có giấy. Ở đây tre trúc là phương tiện để người ta khắc chữ ghi dấu, như khắc trên cây, trên đá, còn ẩn ngữ mà lồ lộ chói chang nằm ở chỗ dẫu có vật đổi sao dời, thì những gì khiến trời đất thiên hạ phải ngả nón, sẽ mãi lưu truyền. Sau này có lắm việc lắm chuyện lắm phong trào, người ta… liều mạng gắn hai chữ sử xanh vào đó. Nghĩ cho cùng cũng chẳng chết ai, tre trúc vô can bởi nó rỗng ruột, chỉ nghe tiếng lốp bốp như lô ô mùa hè nóng quá thì tự nổ toác vậy.

Giữa trời đứng vững không thiên - Ngàn năm nước Việt còn truyền sử xanh… 

Tre thì gắn với làng quê. Dân Việt ở nông thôn, chẳng ai lạ tre. Đó là nói chuyện một thời, chứ bây giờ thế hệ Z hay sau đó nữa, thử làm trắc nghiệm bạn biết gì về trúc tre, hẳn lắm người ấm ớ. Một khủng hoảng văn hóa như vô vàn báu vật đứt gãy hàng ngày đi qua trước mặt, âm ỷ trong ruột mà lắm người lo lắng thở dài. Làng quê bê tông hóa ngập tràn. Tre cũng đội nón ra đi, để rồi bây giờ nếu muốn tìm lại chiếc giường tre một thuở bóng lưỡng mồ hôi dân cày, may ra chỉ thấy ở bảo tàng. Đọc báo thấy dọc các dòng sông miền Trung, nhiều năm qua người ta hốt hoảng trồng tre giữ đất khỏi bị nước ngoạm mất ruộng trôi nhà. Nhìn họ ra quân ào ạt trồng, mới thấy tiếng cười sằng sặc của tạo hóa, rằng không dưng tre mọc ở làng, trên núi, ven sông thuở càn khôn mới nứt ra cái giống người. Đoạn tuyệt, lạnh lùng bỏ hết, khoác thứ khác lên, để bây giờ thấy mạng sống và miếng ăn sắp trôi ra biển, bê tông cốt thép cũng gãy ngang, bèn rước bụi tre về cắm sau nhà. Một cứu cánh tình huống, chứ mắt mũi hồn vía bờ tre bến nước có còn đâu. Muốn tìm thêm chén, đũa, nhà tre, thì mời ra phố. Đó là nghịch lý mà người nông dân hình như không muốn nghĩ nhiều.

Giờ phương tiện in ấn quá hiện đại, nên khắc chữ trên tre thành hàng mỹ nghệ. Ở Hội An có mấy cơ sở đục, khắc chữ trên tre, có từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Một nghệ nhân trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, công đoạn ra sản phẩm cũng khá lâu: tre già, lấy đoạn gốc, xử lí mối mọt rồi cạo vỏ bên ngoài, cắt đoạn ra. Muốn chữ được viết lên, thì phải viết trên giấy trước, căng lên tre và đục, khắc theo chữ, sau đó đánh bóng, sơn màu trang trí. Chữ màu gì thì tùy ý, xanh đỏ đen tím vàng, có cả. Nội dung loanh quanh Thọ, Hỷ, Khang, Ninh, Phước, Lộc. Khách Tây thích nhất khắc tên mình nước mình. Giá mỗi sản phẩm khoảng 10 USD. Hàng bán chạy từ Nam ra Bắc, có mặt ở nhà hàng, khách sạn, đình chùa…

Có lần đứng nhìn một người thợ khắc tên ngày tháng năm sinh cho một khách Tây, kiểu tờ giấy khai sinh độc nhất vô nhị mà chắc người Việt không ai làm, bỗng tôi nhớ chuyện cũ. Tôi lọt vào một bản người Cơ tu sát biên giới Việt - Lào, do anh bạn đồng nghiệp… mách lẻo chủ nhà là tôi biết xem vận số, đẩy tôi vô tình huống uống hết li rượu mời rồi phải xem. Tôi hỏi người nhà sinh năm nào, chủ nhà nói không nhớ. Ông trạc chừng 70 tuổi chứ phải già lắm đâu, không nhớ đã đành, còn đám thanh niên cũng không. Họ lắc đầu buồn bã.

Hỏi ra mới biết, từ năm 2000 trở đi nơi này mới có chuyện làm khai sinh khi đẻ, còn trước đó khi sinh con, cha mẹ tính theo mùa rẫy bằng cách lấy dao khắc vạch trên cột tre lớn nhất nhà, cứ thêm một năm là một vạch, tính tới. Một trưa gió nam phừng phừng, nhà cháy sạch, hóa than tro tuổi tác, nên lớn ngồng ngồng rồi mới đi học lớp 1 mà cô giáo hỏi mấy tuổi thì lắc đầu. Lửa khiến vợ ông chết cháy, nên hỏi chuyện nhà cũ thì họ sầu não. Mà riêng chi nhà ông đâu, mấy chục nhà quây quần trong thung lũng hình vòng tròn như chiếc nón lá, trơ trụi. Bỏ làng mà đi, vì họ nói do con ma mà ra. Ba năm sau, trên cái nền cháy đen tro tàn tre nứa, mọc lên một rừng tre, lớn nhanh hơn bình thường. Trong tâm thức họ, thì rõ ràng là rừng tre ma, có cho vàng cũng không ai dám bén mảng tới, bởi thêm những trưa đứng gió, những đêm mờ trăng, người già nghe có tiếng đi lại khóc cười ăn nhậu ca hát như làng thuở chưa cháy. 

Tôi nghe chuyện, rùng mình. Cây tre là giấy khai sinh là căn cước chào đời của họ, và bây giờ nó đang lưu giữ ADN thời gian của họ, như thể tiền kiếp họ mãi thuộc tre, về điều không thể biết, và như thế giữa chén rượu uống cạn với ông chủ nhà, tôi nói đại càn mà ruột gan nghĩ thật, rằng bố và mọi người còn thọ lắm, khỏe lắm, tre già măng mọc, lo gì… Bữa hỏi một sĩ quan biên phòng chỗ đó, là rừng tre ma còn không, anh nói giờ nó như thiên la địa võng, làng có nhiều người làm nhà thiếu gỗ nhưng thấy là sợ, có ai dám đụng vào! Chép sử một vùng đất, người ta hay bỏ quên cây cỏ, nhưng chính nó, như rừng tre chốn biên ải buốt lạnh như thơ Sầm Tham, Vương Thích đời Đường mà tôi nghe từ đêm chuyện ma tre đó, khác gì chuyện sử xanh nguyên nghĩa không cần lồng ghép chuyện thời thế, bởi sự có mặt của bất kỳ ai ở thế gian này, đều có ý nghĩa khi “Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời - Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (Evgueni Evtushenko).

Bóng tre trong chén rượu, đó là thơ thiền ý vị, mà cũng là lịch sử tâm cảm, dẫu là sát-na. Ký ức mất, thì mất sạch. Ca dao: Ngó lên nuộc lạt mái nhà - Nhà bao nhiêu nuộc nhớ ông bà bấy nhiêu. Đem mà hỏi học trò nuộc lạt là chi, mắc trả lời méo miệng không ra. Chẳng trách. Có bữa về quê chói chang bê tông, nhớ thuở còn đi học cấp ba, tre kín làng mà xót xa như rụng bàn tay, nghĩ sao người ta làm Nông thôn mới, không phát động trồng tre để làng ra làng phố ra phố? Trồng đi, sẽ sống dậy và trao truyền ký ức, để sử làng chính là sử xanh... 

Ngó lên nuộc lạt mái nhà - Nhà bao nhiêu nuộc nhớ ông bà bấy nhiêu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất