, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 06/11/2020, 08:02

Sức bật mới cho một huyện vùng biên (Bài 1)

NHÓM PV NTV

Trong 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia ban hành ngày 16/04/2009 về chuẩn Nông thôn mới, tiêu chí thực hiện quy hoạch và phát triển giao thông nông thôn được đặt lên hàng đầu.

 Mặc dù nhà nước đã đầu tư nhiều cho nông thôn nhưng do tốc độ phát triển nhanh của dân cư cùng với nhu cầu mở rộng vùng sản xuất, hạ tầng giao thông của các vùng nông thôn - đặc biệt là vùng sâu vùng xa - chưa thể phát triển kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối giữa khu vực dân cư và khu vực sản xuất. 

Cả nước hiện vẫn còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa; rất nhiều xã đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ. Riêng về vấn đề cầu cống, một số nơi đã có cầu nhưng chất lượng chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, vận chuyển vật tư và sản phẩm của người dân.

Để chung tay cùng Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở nông thôn, đặc biệt là các làng xã đang xây dựng Nông thôn mới, Tạp chí Nông thôn Việt - cơ quan của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - phát động Chương trình Cầu Nông thôn vào năm 2016. Chương trình có sự đồng hành của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Qua 4 năm triển khai, chương trình đã vận động các nhà tài trợ xây được 211 cầu, 23 cống với tổng vốn đầu tư 208 tỷ đồng cho các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bình Định.

Riêng tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Chương trình Cầu Nông thôn đã vận động tài trợ 62 cầu 23 cống trị giá hơn 57 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của Chương trình là đã quy hoạch những tuyến giao thông trọng yếu của địa phương và tài trợ cầu/cống trên trọn tuyến, đồng thời kêu gọi địa phương sử dụng vốn đối ứng làm đường đồng bộ với cầu. Những tuyến cầu đường hoàn thiện, giao thông thuận lợi đã giúp các khu dân cư dọc tuyến và vùng lân cận dần hình thành đông đúc. Từ đó, các vùng nông thôn biên giới xa xôi của huyện Đức Huệ được khoác lên mình chiếc áo mới, tươi tắn và sung túc hơn. Có thể nói, những chiếc cầu của Chương trình Cầu Nông thôn không chỉ kết nối đôi bờ giúp người dân đi lại thuận tiện, mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp huyện Đức Huệ đạt mục tiêu xây dựng Nông thôn mới và tiến tới đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Bài 1: Những "hội ngộ" đầu tiên và những xã Nông thôn mới đầu tiên

Huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, là địa phương đầu tiên tiếp nhận tài trợ của Chương trình Cầu Nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động. Cầu Rạch Cỏ tại xã Mỹ Thạnh Đông của huyện Đức Huệ là cây cầu đầu tiên đánh dấu sự khởi động của Chương trình Cầu Nông thôn. Và xã Mỹ Thạnh Đông cũng là xã đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của huyện Đức Huệ. Những “hội ngộ” đầu tiên ấy, đã được khơi nguồn từ 4 năm trước…

Lễ phát động Chương trình Cầu Nông thôn và khởi công cây cầu đầu tiên.
Lễ phát động Chương trình Cầu Nông thôn và khởi công cây cầu đầu tiên.

Từ câu chuyện của một xã thiếu cầu…

Đúng 4 năm trước - tháng 09/2016, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT VN Hồ Xuân Hùng có chuyến khảo sát xây dựng nông thôn mới tại hai huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Tháp tùng chuyến đi có Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt và một số doanh nghiệp thân hữu mang theo mùng chống muỗi để tặng bà con địa phương.

Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Đông huyện Đức Huệ - khi đó là chị Nguyễn Thị Nhiều - đã ngập ngừng trình bày về những khó khăn của một xã nghèo, giao thông còn ách tắc vì thiếu cầu thiếu đường nên khó hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới. Lúc bấy giờ, qua vận động của Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, hai doanh nghiệp trong đoàn là Minh Hưng Group và Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Phúc Khang đã quyết định tài trợ kinh phí xây 4 cầu để góp phần trong việc thực hiện tiêu chí giao thông của chương trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Câu chuyện về những cây cầu của xã Mỹ Thạnh Đông đã khơi mào cho Chương trình Cầu Nông thôn hình thành, để hơn 1 tháng sau, cầu Rạch Cỏ - cũng là cây cầu đầu tiên của Chương trình - được tổ chức khởi công.

Cầu Rạch Cỏ dài 26,5m, rộng 3,2m, có tổng vốn đầu tư 450 triệu đồng, sau 3 tháng khẩn trương thi công, đã được khánh thành trong niềm hân hoan của chính quyền, người dân địa phương và cả các nhà tài trợ. Và đầu năm 2020 này, một niềm vui còn lớn hơn nữa đã đến trong sự mong mỏi bấy lâu của bà con xã Mỹ Thạnh Đông cũng như chính quyền địa phương: UBND tỉnh Long An trao quyết định công nhận xã Mỹ Thạnh Đông đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Chị Nguyễn Thị Nhiều chia sẻ: “Đối với xã Mỹ Thạnh Đông - một trong những xã có kênh rạch chằng chịt nhất huyện Đức Huệ, tiêu chí giao thông nông thôn là rất khó thực hiện. Vì vậy, sự kiện được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới sau nhiều năm phấn đấu, thật sự là một niềm vui không kể xiết. Chúng tôi rất biết ơn tinh thần đồng lòng chung sức của bà con địa phương, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cùng sự ủng hộ của các mạnh thường quân, trong đó có Chương trình Cầu Nông thôn”…

Đến những tuyến cầu liên xã

Ngay trong buổi lễ khánh thành cầu Rạch Cỏ, các doanh nghiệp đã tiếp tục đóng góp kinh phí gần 1,9 tỷ đồng ủng hộ Chương trình Cầu Nông thôn, và Ban tổ chức đã phát lệnh khởi công thêm 1 cầu và 3 cống tại xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ.

Tính từ ngày đó đến nay, huyện Đức Huệ đã được Chương trình Cầu Nông thôn tài trợ thêm 84 cầu/cống nữa, trong đó nổi bật nhất là cầu trên 2 tuyến đường gồm tuyến đường cặp Kênh Trà Cú Thượng (dài 6,6km với 3 cầu, 10 cống) và tuyến đường về biên giới Giồng Két (dài 13,2km với 10 cầu, 10 cống). Ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết do ngân sách đầu tư của địa phương có hạn nên các công trình cầu được thực hiện từ Chương trình Cầu Nông thôn thực sự đã góp phần không nhỏ để địa phương tháo gỡ được phần nào khó khăn.

Có được kinh phí đầu tư xây dựng cầu của Chương trình Cầu Nông thôn, huyện Đức Huệ đã mạnh dạn trích vốn đối ứng và kêu gọi thêm các nhà tài trợ khác để tăng quy mô, tải trọng cầu (bề ngang 5m, tải trọng 8 tấn), đồng thời xây dựng đường đồng bộ với cầu, tạo thành một tuyến đường liên xã khang trang, thuận lợi cho việc đi lại của người dân địa phương và các hoạt động giao thương của huyện.

Cách làm này được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá rất cao, ông nhận xét trong số gần 300 cầu/cống thuộc Chương trình Cầu Nông thôn cho đến nay, tuyến cầu đường Giồng Két là tuyến hoàn chỉnh nhất. “Điều đáng nói là tuyến đường được hoàn thiện không chỉ nhờ vào sự đóng góp của các nhà tài trợ mà còn có thêm sự đóng góp đáng kể của bà con nhân dân và vốn đối ứng của địa phương. Mô hình này cần được phát huy và nhân rộng”. - Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ khánh thành công trình Đường về biên giới Giồng Két hôm tháng 08/2020.

Bà con vận chuyển lúa trên tuyến Giồng Két.
Bà con vận chuyển lúa trên tuyến Giồng Két.

Theo quy luật giao thông mở ra đến đâu, dân cư phát triển đến đó, lãnh đạo huyện Đức Huệ cũng như Chương trình Cầu Nông thôn mong muốn vùng nông thôn quanh các tuyến cầu, đường vừa khánh thành trong năm nay sẽ trở nên đông đúc, sầm uất hơn, tạo điều kiện để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, ngành dịch vụ và công nghiệp nhẹ của địa phương sẽ phát triển mạnh, tạo thêm động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế huyện Đức Huệ nói riêng và tỉnh Long An nói chung.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất