, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 06/11/2020, 16:07

Sức bật mới cho một huyện vùng biên (Bài 2)

NHÓM PV NTV

Bài 2: Hiện thực những tuyến giao thông nông thôn trong mơ

 

Một ngày giữa tháng 09/2020, chúng tôi về thăm Đức Huệ - huyện nghèo nơi vùng biên của tỉnh Long An. Tiếp khách phương xa là anh Trần Đăng Khoa, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Đức Huệ. Anh vui vẻ nói: “Đức Huệ nay nhiều thay đổi lắm! Riêng năm 2020 này thì dân Đức Huệ có thêm nhiều niềm vui lớn…”

Nhiều niềm vui lớn” khiến anh Khoa không giấu được sự hồ hởi trong giọng nói, chính là sự kiện Đức Huệ đã có xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, và huyện cũng vừa khánh thành 2 công trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới cũng như sự phát triển về kinh tế xã hội của huyện: Tuyến đường biên giới Giồng Két và tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lắm (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) bên cây cầu Kênh Nội Đồng.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lắm (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) bên cây cầu Kênh Nội Đồng.

Chiếc cầu là nơi bắt đầu câu chuyện

Cũng như anh Khoa, khi đưa chúng tôi đến thăm cầu Rạch Cỏ (xã Mỹ Thạnh Đông), chị Nguyễn Thị Nhiều - Chủ tịch Hội Nông dân, thành viên Ban Chỉ đạo Nông thôn Mới huyện Đức Huệ cũng không giấu được xúc động. Đôi mắt chợt đỏ hoe, chị Nhiều nhớ lại những ngày chị còn là Chủ tịch xã Mỹ Thạnh Đông (năm 2016): “Đây là cây cầu mà 4 năm trước xã Mỹ Thạnh Đông được tặng từ Chương trình Cầu Nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động. Cây cầu này đã góp phần giúp xã Mỹ Thạnh Đông đạt được tiêu chí giao thông nông thôn để từ đó phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới 2019”.

Nhận ra chị Nhiều đang đứng tần ngần cùng chúng tôi bên dốc cầu, ông Mười Trinh (81 tuổi) nhà ở cạnh cầu bước qua hỏi thăm. Ông kể trước khi có cây cầu này, dân phải đi lại bằng cầu tạm, lúa gạo thì vận chuyển bằng ghe xuồng. Có cây cầu mới, bà con mừng lắm, dặn nhau trông chừng không để xe vượt tải trọng cầu đi qua, thỉnh thoảng lại xúc đất gia cố phần đường sát chân cầu. “Phải bảo quản chứ, dễ dầu gì xã này có được cây cầu quý giá như vầy”! - ông cười móm mém.

Nếu hiểu về Đức Huệ, bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được niềm vui của anh Khoa, chị Nhiều, ông Trinh… trước những đổi thay tích cực của địa phương này. Là một huyện ở vùng sâu, sát biên giới Campuchia, Đức Huệ là huyện nghèo nhất, nhì tỉnh Long An. Huyện có 5/11 xã, thị trấn đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững) của Chính phủ. Dân cư chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do điều kiện tự nhiên sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên việc giao thông đi lại gặp nhiều trắc trở, khiến cuộc sống khó khăn lại chồng thêm gian khổ.

Chính vì vậy mà việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào các tuyến đường giao thông để từ đó xây dựng nông thôn mới, mang sức sống về cho huyện nghèo vùng biên là điều mà các cấp lãnh đạo và người dân Đức Huệ luôn đau đáu.

“Màu áo mới” trên tuyến đường Trà Cú Thượng

Rời khỏi cầu Rạch Gốc, chúng tôi đi thăm tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng có chiều dài 6,6km mà huyện Đức Huệ vừa chính thức khánh thành vào tháng 05/2020. Chỉ mới 4 tháng qua mà tuyến đường đã nhộn nhịp đông vui khác hẳn, một số nhà dân dọc theo tuyến đường đã được sửa sang, sơn phết lại tường rào, trồng thêm hoa kiểng… khiến vùng nông thôn như được khoác lên áo mới. Chúng tôi phóng xe máy bon bon trên đường, thỉnh thoảng bắt gặp một vài chiếc ô tô con cũng lướt nhẹ nhàng trên nền đường rộng 6,5m trải cấp phối đá dăm, mặt đường rộng 3,5m, lề mỗi bên 1,5m. Hầu như không thể tưởng tượng được đây vốn là tuyến đê được bộ đội đắp thành từ những năm 1987 - 1988, chỉ rộng khoảng 1m với nhiều cầu cống bắc tạm, mặt đường rất thấp nên mùa nước lớn thường bị ngập, mùa mưa thì trơn trợt, xe máy không lưu thông được.

Anh Khoa kể hồi giữa năm 2017, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã có chuyến khảo sát tuyến đường này, dù đi bằng xe máy nhưng cũng không thể đi hết tuyến đường do nhiều cầu, cống đã bị sập hoặc quá yếu. Chứng kiến việc đi lại, vận chuyển của người dân quá khó khăn, Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn đã quyết định vận động các mạnh thường quân tài trợ địa phương xây dựng 3 cây cầu (chiều dài mỗi cầu 30m, tải trọng thiết kế 5 tấn, khổ cầu rộng 4m, phần xe chạy 3,5m) và 10 cống ngang đường với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng.

Anh Đào Ngọc Thanh, Giám đốc BQL Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Đức Huệ cho biết thêm: “Từ hỗ trợ của các mạnh thường quân và gợi mở hướng đi của Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn, huyện Đức Huệ đã đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến đường, xây dựng thêm 5 cầu giao thông nông thôn và 3 cống ngang đường còn lại với tổng kinh phí đầu tư gần 25 tỷ đồng từ ngân sách huyện, để các công trình trên tuyến đường Trà Cú Thượng phát huy hiệu quả cao nhất”.

Sau 6 tháng được thi công trong điều kiện không có đường để vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, phải vận chuyển bằng xà lan hoặc thuyền nhỏ, thậm chí là gánh từng gánh đá lên bờ… cuối cùng con đường mới cũng dần hoàn thiện. Khi tuyến đường đẹp nhất huyện hoàn thành, mọi sự vất vả trong quá trình thi công được thay thế bằng những niềm vui khó tả được bằng lời”. - Anh Thanh chia sẻ, và những lời chia sẻ ấy không khác gì so với tâm sự của bà con các xã có tuyến đường Trà Cú Thượng đi qua.

Ban tổ chức chương trình Cầu Nông thôn kéo băng khánh thành cầu trên tuyến đường Trà Cú Thượng.
Ban tổ chức chương trình Cầu Nông thôn kéo băng khánh thành cầu trên tuyến đường Trà Cú Thượng.

Ông Nguyễn Văn Đấu (ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc) hồ hởi nói: “Tôi ở đây 45 năm rồi, con đường này đúng là mơ ước lâu nay của tôi cũng như bà con quanh đây. Vì đường xá thuận lợi thì vận chuyển hàng hóa sẽ dễ dàng, chắc chắn bán lúa sẽ có giá hơn, bà con cũng đỡ khổ hơn. Khoát tay chỉ hàng đèn Led chiếu sáng dọc tuyến đường, ông Đấu vui vẻ nói thêm: “Đường sá đẹp đẽ, sáng sủa vầy thì vấn đề an ninh an toàn cũng được cải thiện, bà con thấy yên tâm lắm”!

Ấm áp đường về biên giới Giồng Két

“Nếu để nói một điều gì đó về tuyến đường Giồng Két này, thì tôi xin được thay mặt bà con hết lòng cảm ơn các cấp chính quyền, các nhà tài trợ, các anh em công nhân, cảm ơn tất cả những người đã góp công góp sức để hoàn thành tuyến đường tốt đẹp này. Tôi kính mong các vị được mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, thành đạt để tiếp tục làm được nhiều việc ích dân lợi nước hơn”. - Đó là những lời chân thành và ấm áp mà ông Nguyễn Văn Lắm ở xã Mỹ Thạnh Đông bộc bạch khi chúng tôi ghé vào nhà ông trên đường đi tham quan công trình Đường về biên giới Giồng Két. Ông Lắm kể hồi công trình làm tới trước nhà, vợ chồng ông hàng ngày đều mang nước và trái cây vườn nhà ra mời anh em công nhân. “Con đường này ngày xưa khủng khiếp lắm, xót nhất là mấy đứa nhỏ đi học mùa mưa lũ cực khổ vô cùng. Đã có lúc bà con đi lại vất vả quá định rủ nhau hùn tiền làm đường, nhưng dân nghèo lo ăn còn chưa đủ, nên con đường ấy vẫn là mơ ước”.

Lễ cắt băng khánh thành 10 cầu 10 cống tuyến Giồng Két.
Lễ cắt băng khánh thành 10 cầu 10 cống tuyến Giồng Két.

Theo anh Thanh, những năm qua, chính quyền địa phương cũng đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, kết hợp với việc vận động xã hội hóa xây dựng các cây cầu nông thôn, bê-tông hóa, mở rộng các trục đường để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên hệ thống cầu đường hiện tại đa phần chỉ đáp ứng được cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, chủ yếu bằng xe máy. Trong khi đối với huyện Đức Huệ, tuyến đường dọc kênh Rạch Cỏ, xuyên qua địa phận các xã Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây và Thị trấn Đông Thành, kết nối từ trung tâm huyện đến biên giới này, có ý nghĩa to lớn về an ninh quốc phòng cũng như trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế.

Nhận định được tầm quan trọng của tuyến đường, biết được mong mỏi của người dân và chính quyền địa phương trong việc nâng chất vùng nông thôn, phấn đấu đưa địa phương lên chuẩn Nông thôn mới, Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn quyết định tiếp tục vận động để tài trợ huyện Đức Huệ xây dựng 10 cầu (tải trọng 8 tấn, khổ cầu 5m, phần xe chạy 4.5m) và 10 cống ngang đường với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.

Sau hơn 8 tháng khởi công xây dựng, tháng 08/2020, UBND huyện Đức Huệ đã tổ chức lễ khánh thành công trình Đường về biên giới Giồng Két gồm các hạng mục: đường, cống ngang đường và cầu giao thông nông thôn. Trong đó, với vốn đối ứng từ ngân sách, huyện Đức Huệ đã triển khai đầu tư xây dựng đổ bê tông toàn tuyến đường với chiều dài 13.2km, mặt đường rộng 5m, dày 16cm, tổng giá trị xây dựng gần 22,6 tỷ đồng.

Ngày tuyến đường được chính thức khánh thành, ông Nguyễn Thanh Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ xúc động hứa địa phương sẽ bảo quản và sử dụng tốt tuyến đường mơ ước của bà con địa phương, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cảnh quan hai bên đường, kéo điện toàn tuyến... để nâng cao đời sống người dân”. Như chung một nỗi lòng, ông Lắm cũng hứa như vậy lúc tiễn chúng tôi ra dốc cầu Kênh Lò Vôi ngay trước nhà ông: “Có con đường di chuyển thuận lợi như vầy thì chắc chắn kinh tế, văn hóa, xã hội vùng này sẽ đi lên, thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương. Bởi vậy dân ở đây vẫn dặn dò nhau ráng giữ gìn, ráng chú ý vấn đề vệ sinh môi trường sao cho con đường sạch đẹp, có thể sử dụng bền lâu…”.

*

Cùng với xã đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên là Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ đã có lộ trình để một số xã phấn đấu lên Nông thôn mới. Theo chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy Trần Thanh Phong, xã Bình Hòa Nam phải tiếp tục tập trung các nguồn lực hoàn thành 2 tiêu chí giao thông và môi trường cho đủ 19/19 tiêu chí để được xét công nhận Nông thôn mới trong năm 2020. Ngoài ra, huyện quyết tâm đưa thêm 3 xã gồm Mỹ Thạnh Tây, Bình Hòa Bắc và Mỹ Thạnh Bắc (các xã này đã đạt từ 13 đến 15 tiêu chí) lên Nông thôn mới trong các năm 2022, 2023 và 2024.

Trong lộ trình đáng mong đợi này, có thể nói những chiếc cầu của Chương trình Cầu Nông thôn cũng là một đòn bẩy quan trọng, góp phần giúp huyện Đức Huệ đạt mục tiêu xây dựng Nông thôn mới và tiến tới đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Đồng thời cũng giúp Đức Huệ khai thác các lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Bình luận

Xem nhiều





Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.
Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất