, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 30/01/2022, 06:30

Sức mạnh mềm từ “câu chuyện sản phẩm”

TS ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Câu chuyện của sản phẩm chính là thứ có thể chạm đến cảm xúc và trái tim, làm thay đổi hành vi và trở thành một phần lý do thúc đẩy khách hàng mua hàng. Khởi nguồn từ Nhật Bản, Mỗi làng một sản phẩm - OCOP của Việt Nam bám chặt nguyên tắc phát huy nội lực, hướng đến chất lượng xuất khẩu và chủ thể luôn đổi mới sáng tạo.

 

Các mô hình thành công trên thế giới đều coi OCOP chính là các báu vật của từng làng quê. Nó có thể có quy mô không lớn nhưng độc đáo và thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng nơi chốn cũng như kỹ năng của người làm ra nó. Đây chính là điểm mạnh nhất, là sự đặc sắc bản địa để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường. Những điều đó góp phần tạo nên câu chuyện và dấu ấn riêng biệt cho từng sản phẩm, trở thành công cụ hiệu quả trong việc quảng bá cũng như sự thu hút cho OCOP. Nói cách khác, bán sản phẩm OCOP là bán câu chuyện của sản phẩm. Trong Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của Việt Nam, riêng phần “Câu chuyện sản phẩm” chiếm 10/100 điểm, chưa kể 3 điểm cho tính sáng tạo về ý tưởng của sản phẩm. Điều này cho thấy “câu chuyện sản phẩm” rất quan trọng.

Ở nước ta hiện nay có gần 8.000 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 5.021 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong khi các sản phẩm 4 - 5 sao hầu hết đều làm khá tốt phần “Câu chuyện sản phẩm” thì các sản phẩm còn lại vẫn chưa ổn. Dân làng có thể kể vanh vách cái bánh này ngon làm sao, cái chổi kia làm cầu kỳ thế nào, chai rượu ủ men bằng công nghệ đặc biệt của địa phương nổi tiếng cả vùng... nhưng chỉ là nói miệng với nhau, không có gì bảo chứng. Khi bán sản phẩm ra thị trường ngoài địa bàn xã hay huyện, khách hàng không thể biết nó đặc sắc ở chỗ nào. Vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ chấm điểm OCOP, gần 80% sản phẩm phải bổ sung “câu chuyện sản phẩm” và tìm cách “bảo chứng” thông qua việc in lên bao bì, tờ rơi hoặc đưa lên website, dựng phim ngắn...

Không chỉ người sản xuất, ngay cán bộ cơ sở nhiều nơi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như cách thức xây dựng “Câu chuyện sản phẩm”. Các yếu tố đặc hữu địa phương còn ít được khai thác; thông tin gắn liền với địa danh, con người, văn hóa, câu chuyện lịch sử hay bảo vệ môi trường của sản phẩm còn thiếu, nội dung câu chuyện dài dòng nhưng thông điệp về giá trị sản phẩm quá ít… 

Một ví dụ: trà mãng cầu của Sóc Trăng tham gia OCOP 5 sao quốc gia năm 2020, đơn vị sản xuất chỉ có một thông điệp là trà thơm ngon, tốt cho sức khỏe - vốn sản phẩm nào cũng nói vậy – mà không khai thác câu chuyện trà mãng cầu Xiêm ở vùng Ngã Năm, Sóc Trăng khai thác từ cây mãng cầu gai ghép với gốc bình bát hoang dại để phù hợp với vùng đất trũng quanh năm phèn, mặn. Việc ghép 2 loại cây này cho ra những cây mãng cầu đặc biệt có trái quanh năm, hương vị trái rất khác biệt. 

Trong khi đó, một cơ sở ở Thái Nguyên phát triển sản phẩm mới là trà tứ quý. Trà Thái Nguyên thì nhiều người biết, nhưng sản phẩm này được nhà sản xuất xây dựng câu chuyện: sản phẩm gồm 4 hộp, mỗi hộp là một loại trà thu hoạch vào từng mùa khác nhau trong năm: xuân, hạ, thu, đông, do vậy, mỗi hộp có một hương, vị đặc sắc riêng; để làm được bộ trà này mất cả năm và rất công phu… Cách dẫn dắt này tạo nét mới, tính độc đáo và sự tò mò về sản phẩm cho khách hàng.

 

 

 

Thế mạnh rất lớn của OCOP chính là tính độc đáo địa phương. Nó tạo nên lợi thế đặc biệt mà hàng hóa sản xuất công nghiệp quy mô lớn không thể có được.

Người Israel rất thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, vì khẩu hiệu của họ là “I AM UNIQUE” (tạm dịch: Tôi là duy nhất/Chỉ tôi mới có). Trà mạn của ta bán tầm hai, ba trăm ngàn đồng một ký, trà đinh tầm hơn 3 triệu, trà Shan cổ thụ hơn chục triệu đồng. Nhưng trà Đại hồng bào bên Trung Quốc có giá trên 35 tỷ đồng/kg, bởi vì mọi người tin rằng nó quý, nó hiếm, câu chuyện sản phẩm của nó làm người mua thể hiện được đẳng cấp và thấy may mắn, tự hào khi mua được nó. 

Xây dựng câu chuyện sản phẩm có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần. Mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó. Chỉ có họ mới kể ra được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao.

Bên cạnh đó rất cần các chuyên gia hỗ trợ để có thể tìm ra các lợi thế khác, ví dụ trà hoa vàng ở Ba Chẽ - Quảng Ninh có hàm lượng hoạt chất cao hơn nơi khác không, hay mật ong bạc hà ở Mèo Vạc - Hà Giang thơm ngon hơn những nơi khác vì thổ nhưỡng, khí hậu vùng núi tai mèo ấy khác biệt và tinh khiết thế nào so với những nơi khác… 

Điều quan trọng nhất, đó phải là câu chuyện có thật. Nhiều sản phẩm OCOP hiện nay mắc lỗi ở thông tin in trên bao bì chưa đúng sự thật hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm định. Nhiều sản phẩm quảng bá chữa được cao huyết áp, giảm mỡ máu, giảm béo… nhưng chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc truyền tụng dân gian mà chưa có bằng chứng khoa học và chưa được cấp có thẩm quyền nào xác nhận.

 

Xây dựng câu chuyện sản phẩm có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần. Mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó. Chỉ có họ mới kể ra được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao.

Thời gian tới, “Câu chuyện sản phẩm” vẫn giữ số điểm cao trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Để có thể xây dựng những “câu chuyện sản phẩm” có ý nghĩa thực tế hơn, hiệu quả hơn, trước tiên, công tác truyền thông cần đi trước một bước để khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng địa phương nhằm bảo tồn, phát triển sản phẩm và thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước thấy trách nhiệm của mình trong việc triển khai OCOP. Phát triển OCOP không phải việc của riêng ngành nông nghiệp mà là vấn đề của văn hóa, du lịch, xúc tiến thương mại, là việc tạo dựng sức mạnh mềm của địa phương, của quốc gia. Chỉ cần 1 bộ phim Squid Game mà cả thế giới đang “phát cuồng” với việc làm bánh dân gian và chơi trò chơi dân gian của Hàn Quốc là một ví dụ. 

Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm, từng khâu trong chuỗi giá trị OCOP cũng cần được mở rộng thông qua việc xây dựng nhiều bộ bài giảng phù hợp. Để thích ứng với tình hình mới, cần phát triển việc đào tạo từ xa và tập huấn trực tuyến, sớm hình thành và phát triển các trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo ở cấp vùng, cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu rất lớn và đa dạng của chủ thể OCOP. Câu chuyện sản phẩm của OCOP cần rất nhiều tư vấn, chuyên gia, nhất là chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật công nghiệp, công nghệ chế biến để hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng câu chuyện sản phẩm hiệu quả, song song đó là việc thể chế hóa cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, hỗ trợ chủ thể tài liệu hóa câu chuyện sản phẩm.

Cuối cùng, tăng cường mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại - giải pháp đặc biệt quan trọng giúp sản phẩm OCOP tồn tại, phát triển. Xúc tiến thương mại cần có điểm ưu tiên, tôn vinh cho các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện đặc sắc bản địa. 

Sản phẩm OCOP có bán được nhiều thì người dân mới tiếp tục tham gia tích cực và tái đầu tư phát triển sản phẩm mới. Có vậy, giá trị OCOP, giá trị của văn hóa bản địa mới được bảo tồn một cách hiệu quả.

 

 

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất