, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 25/09/2022, 08:00

Sướng như chim ở Berlin!

TƯỜNG NGUYỄN
(Theo Reporterre)
Biện pháp bảo vệ chim tại đây được người dân rất ủng hộ, vì họ được ngắm chim và nghe chim hót trong một không gian sống chan hòa với thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có được.

Thủ đô nước Đức đang xây dựng một chiến lược đầy tham vọng nhằm bảo vệ các loài chim thành phố, giúp chúng phát triển tốt sau thời gian di cư và góp phần duy trì đa dạng sinh học ở mức tối ưu.

Công viên Tempelhof (tiếng Đức là “Tempelhofer Feld”) nằm ngay trung tâm Berlin là nơi có số lượng chim chóc nhiều đến nỗi tiếng hót của chúng lấn át cả tiếng người. Nơi này mỗi tuần có khoảng 200.000 người đến vui chơi giải trí. Họ đến đây để tắm nắng, nướng thịt ngoài trời hay tập xe đạp cho trẻ nhỏ… nhưng với một điều kiện: không được vượt qua dãy ruban trắng - đỏ giới hạn một phần ba diện tích công viên, trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến 31/7. Lý do? Phía bên kia là “góc sân và khoảng trời” dành riêng cho chim.

Ông Norbert Kenntner - một thành viên thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên Berlin (Stiftung Naturschutz Berlin), giải thích: “Đây là lãnh thổ của chim sơn ca, một loài chuyên làm tổ trong các lùm cỏ trên mặt đất. Cho nên chúng tôi cấm người qua lại nơi này cho cỏ mọc tự nhiên và để chim không hoảng sợ trong thời gian ấp trứng, nuôi con”. Chim sơn ca (hay còn gọi là chim chiền chiện) có thể hót liên tục trong khoảng 1 giờ liền. Trong công viên này, chim trống thường chao liệng đẹp mắt trên không trung rồi cất tiếng “trillt” du dương nghe rất vui tai. Loài chim này hiện nay được đưa vào “Danh sách Đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng” tại Đức.

Chuyên gia điểu học Norbert Kenntner nói tiếp: “Nông nghiệp thâm canh khiến số lượng chim sơn ca giảm sút. Các đồng cỏ ngày càng thu hẹp, độc canh cây ngô và cải dầu ngày càng nhiều khiến chim bị mất đi nơi ở và thiếu thức ăn”.

Nhiều loài chim đa dạng đã đến sống trong môi trường xanh giữa thủ đô nước Đức. Ảnh: Stefanie Loos / Reporterre.

Đàn chim về công viên ngày càng đông đúc

Và thủ đô Berlin đã trở thành nơi lý tưởng cho chúng trú ngụ, với mật độ chim sơn ca cao nhất nước. Trên thực tế, loài chim này đã có mặt tại Tempelhof từ rất lâu rồi, từ khi công viên này còn là một sân bay sót lại sau thời Chiến tranh lạnh. Năm 2005, tại đây đếm được 95 cặp sơn ca. Nhờ vào chương trình bảo tồn mà đến năm 2018, số lượng tăng lên 221 cặp và hiện nay chắc chắn là nhiều hơn đôi chút. Và hẳn nhiên, không chỉ có loài chim sơn ca được hưởng “đặc quyền” trong “cánh đồng cỏ nội thị” - nơi thức ăn dồi dào, mà còn có chim én, chim hoàng yến, chim sẻ,…

Từ tháng 8 đến tháng 9 hàng năm, khu vực dành riêng cho chim trong công viên được cắt cỏ, lần lượt theo từng khoảnh vì khi đó toàn bộ chim sơn ca đã bay về phương nam trú đông. Chúng sẽ trở về đây vào mùa xuân năm sau.

Trong công viên Tempelhof , người dân chỉ được cắm trại vui chơi trong khu vực quy định, phía bên kia hàng dây giăng là khu vực dành riêng cho chim. Ảnh: Stefanie Loos / Reporterre.

“Chúng ta có thể tạo lập thiên nhiên tại khắp mọi nơi”

Thủ đô Berlin với 3,7 triệu dân, có 42% không gian được giữ “xanh”: công viên và rừng thưa, vườn gia đình và nghĩa trang, đất trống và những cánh đồng. Đây là một di sản mang tính lịch sử được tạo dựng từ thời Cách mạng công nghiệp. Theo ông Derk Ehlert - một ủy viên hội đồng thành phố phụ trách về động vật hoang dã, “vào thế kỷ 19, khi chính quyền xây dựng các nhà máy sản xuất khắp nơi ở Berlin, họ đã thiết kế những “trục đường cây xanh” băng cắt xuyên qua thành phố nhằm thoát mùi hôi từ các nhà máy. Về sau này, khi Berlin bị chia đôi thành phần Đông và phần Tây sau Chiến tranh thế giới II, chính quyền đã lưu giữ lại những không gian xanh này, đặc biệt là ở phần Tây, để người dân có nơi thư giãn, vì vào thời điểm đó rất khó đi ra khỏi thành phố”. 

Năm 1989, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên là những người muốn tận dụng khoảng xanh để xây dựng càng nhiều càng tốt các công trình đủ loại nhằm mục đích phục hồi kinh tế càng nhanh càng tốt cho thành phố Berlin, khi đó đã trở thành thủ đô của nước Đức thống nhất. Bên kia thì quan niệm rằng thiên nhiên là một phần không thể thiếu của bản sắc Berlin từ xưa đến nay nên phải giữ gìn.

Cuối cùng, phần thắng nghiêng về bên bảo vệ thiên nhiên, như lời thuật của nhà thực vật học Ingo Kowarik, người phụ trách mảng bảo vệ thiên nhiên trong chính quyền thành phố Berlin: “Chúng tôi đã đấu tranh để chúng ta có thể làm việc và chung sống cùng thiên nhiên, chứ không chống lại thiên nhiên. Điều mà chúng tôi muốn chứng minh cho được, là chúng ta có thể đặt để thiên nhiên khắp mọi nơi, chứ không hà cớ gì phải phá bỏ đi thiên nhiên. Thiên nhiên cần hiện hữu ở các khoảng sân trong của các khối nhà chung cư, dọc theo các tuyến đường giao thông và ngay trên các vỉa hè. Vì như vậy sẽ giúp tạo ra được một bức tranh xanh mát thuận lợi cho đa dạng sinh học ngay giữa lòng thành phố”.

Chiều trong công viên Tempelhof. Ảnh: Dagmar Schwelle/ visitBerlin.

Cấm thuốc diệt cỏ, cấm chặt phá các hàng giậu…

Thủ đô Berlin nêu gương tiên phong: từ năm 1992, thuốc diệt cỏ bị cấm trên toàn thành phố, ngoại trừ những ngoại lệ hết sức đặc biệt. Bên cạnh đó là không được đốn hạ những cây lá rộng (mà chim chóc rất thích) có chu vi thân cây đạt 80cm, ngoại trừ trường hợp cây bị bệnh. Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9, cấm chặt phá các hàng giậu và bụi rậm để bảo vệ chim non. Các quy định nói trên được áp dụng cho mọi công dân sinh sống trong thủ đô.

Theo ông Oliver Voge - phụ trách ban bảo vệ thiên nhiên của quận trung tâm Friedrichshain-Kreuzberg, quận đông dân nhất Berlin, việc cắt tỉa cây cỏ trong các khu vực không gian xanh công cộng chỉ được thực hiện “tối đa 4 lần một năm” và phải chia nhỏ diện tích cũng như xen kẽ thời gian làm, “không bao giờ được làm đồng loạt cùng một lúc”.

Tại thủ đô Berlin, có khoảng 200.000 cặp chim sẻ sinh sống. Ảnh: Stefanie Loos / Reporterre.

Để tuyên truyền cho mọi người dân chấp hành chiến lược bảo vệ thiên nhiên xanh này, chính quyền thủ đô Berlin đã nhờ đến hệ thống giáo dục. Họ tổ chức những “Ngày khám phá thiên nhiên”, các buổi sinh hoạt chủ đề trong trường học, các pa-nô cổ động… Và trong mỗi quận của thành phố, luôn có hai “nhân viên chuyên trách” tuần tra địa bàn để gặp gỡ người dân, giải đáp các câu hỏi của họ, để tiếp nhận những phản ánh của những người dân thắc mắc hay phê phán vì sao các khoảng không gian xanh có vẻ như hơi nhếch nhác, không được chăm sóc tốt, hoặc không hài lòng khi thấy những bãi phân chim trên mặt đất hay những thân cây gỗ mục được chủ ý giữ lại để có côn trùng làm thức ăn tự nhiên cho chim.

Ông Derk Ehlert giải thích: “Thường những người hay phàn nàn là người cao tuổi. Nhưng trên hết, người dân Berlin rất tự hào về đa dạng sinh học của thành phố này và những quần thể chim đa dạng mà họ đang có được”.

Một số người còn nói vui rằng không biết có nên thay biểu tượng thành phố Berlin từ hình con gấu sang hình con chim sẻ hay không…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất