, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/06/2022, 06:23

Suy ngẫm về đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030

TÔ VĂN TRƯỜNG
Làm nông nghiệp thời 4.0 phải theo chuỗi giá trị và sản xuất xanh.
 

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Quyết định 555/QĐ-BNN-TT phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Theo đó, đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam ghi nhận mục tiêu cụ thể với chỉ tiêu đến năm 2025 như sau: Giữ diện tích đất lúa 3,6 - 3,7 triệu hecta, diện tích gieo trồng 7,0 - 7,2 triệu hecta, sản lượng lúa 40 - 41 triệu tấn. Xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; trong đó gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm trung bình và thấp 15%, sản phẩm từ gạo 5%; tỷ lệ xuất khẩu có thương hiệu 20%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 80%; sử dụng giống chất lượng cao trên 70%; giảm lượng giống gieo sạ; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, thực hành tốt trên 60%; ứng dụng công nghệ cao 10%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa bình quân 70%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 90%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 30%. Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5%.

Quyết định 555/QĐ-BNN-TT có hiệu lực ngày 26/01/2021, thay thế Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT năm 2016.

Theo tôi, chủ trương này là đúng. Đơn giản lợi nhuận ruộng đất phải được định nghĩa như sau: Nó là thu nhập dựa trên việc sở hữu thửa ruộng, tức là lấy thu nhập trồng lúa trừ đi chi phí sản xuất (giống, phân bón, thuốc trừ sâu) và chi phí lao động của người làm (nếu là ông chủ làm thì phải tính bằng chi phí thuê người làm thay mình và trừ đi chi phí cho thuê ruộng nếu quyết định không tự làm).

Tuy nhiên, giảm lượng (sản lượng/năng suất) còn liên quan đến giảm áp lực lên tài nguyên đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, do các giống chất lượng có nhu cầu về phân bón thấp hơn. Bài toán trước đây chỉ nhìn thấy kim ngạch xuất khẩu lúa gạo, nhưng không tính đến chi phí về tài nguyên đất (độ phì nhiêu đất suy giảm nên phải bón nhiều phân hơn, dẫn đến sâu bệnh nhiều hơn nên lại phải phun thuốc nhiều hơn); nước... Ngoài ra, dư địa thị trường lúa gạo không còn, chỉ xoay quanh 43 - 44 triệu tấn, nên gia tăng giá trị là giải pháp khả dĩ nhất. Hay nói bao quát hơn, tư tưởng chuyển từ chạy theo số lượng sang chất lượng là đúng. Nhưng phải hiểu chất lượng với nội hàm rộng hơn, không đơn thuần là chất lượng lúa gạo mà còn giá trị (lợi nhuận) thu được từ kinh tế lúa gạo, tiết kiệm tài nguyên nước, bồi dưỡng và giữ gìn cả số lượng và chất lượng tài nguyên đất, giữ gìn hệ sinh thái và môi trường. Hiện tại nếu tính đủ chi phí, gạo của chúng ta xuất khẩu không lãi nhiều.

Nếu nhìn vào các nội dung tái cơ cấu thì vẫn tư duy theo số lượng và vẫn can thiệp vào những điểm vốn của thị trường mà chưa thấy sự can thiệp mạnh hơn của nhà nước. Điểm then chốt để tạo ra giá trị cao là liên kết. Tuy nhiên, mục tiêu mới chỉ 30%!

Nếu phân tích sâu hơn về tỉ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 30% thì thấy việc này quá chậm trong thực hiện nâng cao chất lượng, lợi nhuận của nông dân, bảo vệ môi trường và hiệu quả sản xuất tổng hợp. Kinh nghiệm bài học về hợp tác hóa ở Thuỵ Sĩ là đầu tiên một nhóm nông dân trồng cây ăn trái hợp tác với nhau để sản xuất trái cây hữu cơ. Sau một thời gian hàng của họ tạo được niềm tin của người tiêu dùng nên bán được giá cao, lời nhiều. Từ đó, họ đầu tư sang lĩnh vực kho bảo quản để bán trái vụ và cả công nghiệp chế biến. Hợp tác xã không ngừng lớn mạnh và những nông dân khác muốn gia nhập hợp tác xã thì phải đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất hữu cơ, nhưng sản phẩm của họ trong hai năm vẫn chưa được công nhận chính thức là sản phẩm của hợp tác xã nên bán giá thấp hơn. Đó là hai năm làm xã viên dự bị. Quyết tâm trong lĩnh vực hợp tác hóa ở nước ta chưa phù hợp với các mục tiêu đề ra, mặc dù ruộng đất ở nước ta quá manh mún.

Về sử dụng giống chất lượng cao trên 70%, chúng ta thấy muốn có nhiều giống chất lượng cao và xây dựng được thương hiệu bền vững thì phải khắc phục ngay tình trạng xâm phạm bản quyền đáng buồn trong thời gian qua, tiêu biểu là đối với hai giống lúa ST 24 và ST 25. 

 

Hệ thống lại, có vẻ như Chính phủ đã nhận ra quan điểm Việt Nam không nên làm an ninh lương thực cho thế giới mà chỉ cần đảm bảo an ninh lương thực cho chính mình là đủ. Vì thế trong QĐ 555 có mấy điểm khác so với trước đây: 

(i) Diện tích đất trồng lúa giảm một chút, chỉ còn 3,6 - 3,7 triệu hecta (trước đây 4 triệu hecta) (ii) Xuất khẩu gạo khoảng 5 triệu tấn/năm (iii) sản lượng thóc 40 - 41 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hơi phân vân về mấy con số, ví dụ đã có đánh giá hiệu quả xuất khẩu thế nào để chỉ định xuất khẩu 5 triệu tấn gạo trong khi nhiều năm trước xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn? Diện tích đất gieo trồng 7 - 7,2 triệu hecta trong khi chưa có quy hoạch sử dụng đất quốc gia, liệu có quy định tỷ lệ đất cây công nghiệp, cây ăn quả và rau màu như đất trồng lúa không và có cho phép chuyển đổi mục đích giữa các loại đất này sang trồng lúa và ngược lại không? Tương tự là các con số về giảm phát thải khí nhà kính, lợi nhuận cho nông dân, tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ… cần có luận chứng cơ sở khoa học và đánh giá thống kê. 

Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam còn thấp hơn kim ngạch nhập khẩu ngô, đỗ tương cho thức ăn chăn nuôi, và ta vẫn nhập khẩu gạo từ một số nước lân cận như Campuchia, Ấn Độ do chênh lệch giá. Quyết định 555 mới nói giảm xuất khẩu nhưng chưa có quy định nào nói đến giảm nhập khẩu ngũ cốc nói chung. 

Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nên phối hợp nghiên cứu chế biến ngũ cốc trong nước làm thức ăn chăn nuôi thay thế nhập khẩu, coi như xuất khẩu tại chỗ. Tôi ngạc nhiên là suốt mấy chục năm qua, Bộ NN&PTNT không đặt hàng một đề tài nghiên cứu nào cấp nhà nước về chế biến thức ăn chăn nuôi và cũng không thấy viện nghiên cứu nào công bố kết quả về vấn đề này, trong khi thị trường thức ăn chăn nuôi và thủy sản bao năm nay đều do các doanh nghiệp FDI độc quyền nên việc nhập nguyên liệu là đương nhiên.

 
 

Vấn đề tích tụ ruộng đất vẫn không được đặt ra một cách nghiêm túc thì nông nghiệp Việt Nam không thể sản xuất lớn được. Chưa nói đến quyền sở hữu trong Luật Đất đai, ngay cả việc cho phép người dân và doanh nghiệp được tích tụ đất cũng bị né tránh. Tôi nghĩ chỉ cần áp dụng mô hình của Tập đoàn Lộc trời ở An Giang đã có thể tháo gỡ được phần nào. Nông dân được góp đất vào Tập đoàn như cổ phần, họ không phải bán đất kể cả khi không đủ điều kiện tự canh tác, khi cần có thể rút cổ phần lấy lại đất. 

Một số hộ nông dân tạo thành một đơn vị sản xuất như tổ hợp và có kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ sản xuất theo kế hoạch của Tập đoàn và cập nhật thông tin hàng ngày cho Tập đoàn. Khi đó, mới nói được việc đảm bảo tỷ lệ diện tích có giống xác nhận, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao, tỷ lệ giảm mức sử dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học… Không tích tụ ruộng đất thì không sản xuất lớn, không cơ giới hóa, không có lợi nhuận 30% cho nông dân, không có gạo xuất khẩu chất lượng cao và giá cao.

 

 

Làm nông nghiệp thời 4.0 phải theo chuỗi giá trị và sản xuất xanh. Hệ thống của ta luôn đứt gãy chuỗi giá trị: sản xuất thì phó mặc cho nông dân, kể cả giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vốn hầu như không có ai lo. Sau thu hoạch thì khâu chế biến và bảo quản quá yếu kém. Khâu thu mua và xuất khẩu thì khoán trắng cho thương lái và mấy ông lớn VINAFOOD. Lợi nhuận hầu hết rơi vào túi mấy ông xuất khẩu, trong khi họ chẳng nghĩ đến đầu tư cho nông dân và nghiên cứu khoa học công nghệ để nuôi dưỡng nguồn thu. Ví dụ chỉ cần quy định các doanh nghiệp xuất khẩu phải trích 1 USD /tấn gạo xuất khẩu cho Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long thì mỗi năm Viện nhận được hơn 7 triệu USD để nghiên cứu, nhiều hơn 2 lần ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cho viện hiện nay. 

Tóm lại, Quyết định 555 về dự án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến 2025 và 2030 vẫn mang tính định hướng và thiếu tính khả thi. 

TÔ VĂN TRƯỜNG

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất