, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 25/04/2021, 16:23

Suy nghĩ từ một con số

NGUYỄN ĐỨC

Theo số liệu công bố cuối năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), trong thập niên 2009 - 2019, đã có gần 1,1 triệu người dân ĐBSCL “ly hương” - rời quê đi nơi khác kiếm sống.

Hình minh họa.

Có ý kiến cho rằng do biến đổi khí hậu, hạn, mặn xâm nhập... người dân không thích ứng được nên phải ly hương. Tuy nhiên, tình trạng người dân ĐBSCL bỏ quê đã diễn ra từ nhiều năm trước, khi “biến đổi khí hậu” chưa diễn ra khốc liệt. Họ đưa cả gia đình đi lập nghiệp ở các địa phương vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Tây Ninh, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước...

Không chỉ đi làm thuê khắp cả nước mà trong “trào lưu” xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài, có thể nói nam nữ thanh niên ở các vùng quê ĐBSCL tham gia ứng tuyển luôn đông đảo.

Tại sao như vậy?

Nếu có dịp tìm hiểu, so sánh nông thôn các địa phương ĐBSCL so với các vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng hoặc miền Trung thì sự thiếu hụt của nông thôn ĐBSCL chính là cơ sở hạ tầng. Đặc điểm ĐBSCL là sông nước kênh rạch. Mặc dù những năm gần đây, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã đầu tư không ít để cải tạo nâng cấp hệ thống đường sá cầu cống ở các địa phương nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với yêu cầu thực tế. 

Tuyến quốc lộ 1A từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL, đến nay vẫn gần như là độc đạo, luôn oằn mình vì quá tải và xuống cấp. Quốc lộ còn vậy nên nhiều đường liên tỉnh, liên huyện, chiều rộng chỉ đủ 2 làn xe ngược chiều nhau, mặt đường hầu hết còn trải nhựa thâm nhập, dặm vá lồi lõm. Nhiều làng xóm, muốn ra trục lộ chính, còn phải qua đò qua phà, rất bất tiện. Các khu dân cư ĐBSCL đa phần được bố trí theo trục giao thông, dọc kinh rạch.Trừ các thành phố, thị xã, thị trấn, còn lại hầu hết các khu dân cư, đặc biệt những khu dân cư mới được bố trí theo cụm tuyến đều thiếu sân chơi công cộng như nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ thể thao…

Chính sự thiếu thốn, đơn điệu về điều kiện sống, không gian sống là yếu tố khiến người dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn, muốn rời quê để đến những nơi khác có điều kiện sống phong phú hơn, chứ không đơn thuần là “đói đầu gối phải bò”.

Nếu muốn thay đổi, ngăn chặn tình trạng này, cần phải hiểu rõ và tác động từ gốc. Biến đổi khí hậu có thể gây khó khăn cục bộ nhưng không làm người nông dân ĐBSCL bỏ cuộc, nhất là khi có sự chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu mùa vụ theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năng suất, sản lượng, hiệu quả do sản xuất nông nghiệp mang lại không ngừng tăng cao. Nếu có thêm sự hỗ trợ về vốn tín dụng, về ứng dụng công nghệ cao, cây con giống mới… chắc chắn nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của nông dân ĐBSCL, kể cả những vùng phải thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi do hạn mặn, vẫn sẽ cao hơn nhiều địa phương khác trong cả nước. 

Vấn đề còn lại, để nông dân ĐBSCL yên tâm bám trụ xây dựng quê hương, là đầu tư cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng. Cần tăng nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông, gấp rút cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sá. Ngoài hệ thống đường cao tốc đang được xây dựng, rất cần thiết cải tạo, mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ, các đường liên tỉnh, liên huyện theo đúng tiêu chuẩn cấp 1-2-3 đồng bằng, tạo sự “liên thông” thuận tiện từ ấp lên xã, từ xã lên huyện, từ huyện đến tỉnh. 

Các địa phương, ngoài việc đầu tư, hướng dẫn, khuyến khích bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống mới, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, còn cần vận động các nguồn lực xã hội vào đầu tư các cơ sở văn hóa - xã hội như CLB văn hóa, thư viện, CLB thể thao, khu vui chơi đa năng trong các khu dân cư, nhằm tạo sân chơi cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. 

Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, đã có rất nhiều mô hình làng xã đạt chuẩn nông thôn mới, và cao hơn là mô hình nông thôn mới kiểu mẫu hay “nông thôn đáng sống”. Phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng góp phân thu hút lao động, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Các tỉnh, các huyện cần tổ chức học tập, nhân rộng các mô hình này. Nông nghiệp, nông thôn là nền tảng, la bệ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng nông thôn, xóa dần khoảng cách chênh lệnh giữa nông thôn và đô thị, giữa làng xã, xóm ấp và thị trấn, thị tứ.

Nếu mỗi làng xã là một điểm nông thôn mới kiểu mẫu - vùng “nông thôn đáng sống” thì không những không lo cư dân ly hương, mà sẽ có không ít người muốn trở về quê hương lập nghiệp, do tình trạng dịch bệnh kéo dài, sản xuất và kinh doanh dịch vụ ở các đô thị bị đình trệ, ế ẩm. Và tích cực hơn, những vùng “nông thôn đáng sống” đó còn có khả năng “lôi kéo” những người dân ở các đô thị về… cư ngụ, hưởng nhàn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất