, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 19/05/2021, 11:31

Suýt chết vì cây tầm gửi

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Đây là chuyện “suýt chết” không phải của nhân vật nào mà của… cây mít bên cổng nhà tôi. Đâu phải chỉ con người, một cái cây suýt chết cũng đáng lưu tâm chứ! Chẳng phải vì nhiều khu rừng bị buộc phải “chết” khiến các vách núi sụp đổ kinh hoàng trong trận lũ cuối năm 2020 đó sao?

Việc cây mít nhà tôi suýt chết vì cây tầm gửi tưởng là chuyện vặt, nhưng rồi ngẫm kỹ, cảm thấy cần… lên tiếng cảnh báo với thiên hạ. Có lẽ nhiều bạn trẻ ở phố thị hôm nay chưa biết cây tầm gửi hình thù ra sao, nhưng với ông lão đã sống với cây vườn hơn 80 năm như tôi thì không lạ. Nó là loại cây ký sinh, tức sống nhờ ăn bám vào thân cây khác, chứ không tự hút chất dinh dưỡng từ đất để trưởng thành. Vào Google, bạn có thể đọc được tên gọi khác của nó là “Chùm gửi” hoặc “Mộc vệ Trung Quốc”; tên khoa học là Loranthaceae. Cây nào bị tầm gửi đeo bám thì sẽ dần khô kiệt, tàn lụi!

Chùm mít khi cây chưa bị tầm gửi ăn bám.

Vậy mà vì mất cảnh giác sao đó, tôi để cho tầm gửi “tập kích”, suýt gây họa cho cây mít yêu quý! Nói vậy, vì nhiều bạn ở Huế (và không chỉ ở Huế - do tôi đã viết, chụp ảnh về cây mít này đăng báo, in sách!) biết và đã được nếm thử những múi mít vàng hươm đặc biệt ngon bên cổng nhà tôi. Hơn thế, trong trận bão thảm sát hàng ngàn cây xanh ở Huế năm 2020, khi cây phượng vàng to đùng bên kia đường đổ nhào vào căn gác nhà tôi, nhờ cây mít bên cổng đem thân chống đỡ đã cứu nguy cho gia chủ. Thế mà…

Cũng bởi mỗi năm đến mùa xuân, tôi chỉ chăm chăm nhìn quanh gốc xem hoa mít nhú được mấy chùm (quê tôi gọi là “dái mít”), nghĩa là tôi chỉ nghĩ tới chuyện ăn, hưởng thụ thành quả cây mít tích tụ mạch đất khí trời cả năm mới nên! Năm nay, thấy hoa nhú muộn, cành lá có phần xơ xác, cứ nghĩ do cú đổ nhào dữ tợn của lão phượng vàng khiến mít thất kinh, đẻ chậm; nhưng rồi một hôm quét ban công căn gác, chợt thấy nằm cạnh lá mít vàng thân thuộc có một số lá xanh khác giống - nhỏ và dày, cứng hơn - tôi mới ngước lên ngọn cây cao vút và hoảng hồn thấy chùm tầm gửi giấu mình rất khéo giữa các cành mít! Kinh quá! Chợt ngộ ra, với cây mít biết cắm rễ sâu vào lòng đất mẹ thì bão táp dữ tợn của thiên nhiên có khi không nguy hiểm bằng mầm giống lạ núp mình trên cao, trong khi rút tỉa nguồn sống, nhất định nó đồng thời tiêm độc chất cho “thân chủ”! (Gogle cho hay tầm gửi có thể làm thuốc. Thì rắn rết cũng như không ít vị thuốc đều có chứa chất độc!)

Chẳng còn cách nào khác, tôi phải nhờ một tay trèo cây lão luyện chặt bỏ những cành mít bị tầm gửi đeo bám. Từ trên cao, anh ta phát hiện thêm 4 chùm tầm gửi nữa ở các cành khác. Rất nhiều cành mít xung quanh bị chết khô rơi xuống đầy sân bên cạnh kẻ xâm lược bị phơi mặt. Quái thật! Không biết nó từ phương nào đột nhập? Và từ khi nào? Liệu có phải từ một con chim vô tình để rơi hạt tầm gửi? Theo Google, thì hạt có chất nhờn nên dễ bám vào vỏ cây… Những câu hỏi khó có lời đáp chính xác vì nó quá khôn khéo, lặng lẽ sinh trưởng nhờ hút nhựa cây mít suốt ngày đêm. Thôi kệ, bất kể đến từ phương nào thì kẻ xâm lược “siêng ăn nhác làm”, chỉ nhăm nhe chích máu hút tủy gây hại cho “thân chủ” cũng phải bị tiêu diệt!

Khi bài viết này lên báo thì cả đống tầm gửi bị chặt tỉa đã được công nhân Công ty Môi trường tống vào bãi rác nhưng hình như đủ kiểu “tầm gửi” khác vẫn đang âm thầm náu mình tại nhiều nơi cũng “ngon lành” như cây mít nhà tôi...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất