
Màng nhựa và tác động 2 mặt
Kể từ khi màng nhựa được giới thiệu ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp, tác động của loại vật liệu này thể hiện 2 mặt rõ rệt: một mặt thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp nhưng mặt khác lại gây ra tình trạng ô nhiễm rác trên quy mô lớn. Đây là một loại ô nhiễm trắng nghiêm trọng vì các mảnh màng nhựa đã qua sử dụng bị nông dân bỏ lại hầu hết hòa lẫn trong đất nông nghiệp hoặc xả xuống sông, gây hại cho môi trường và tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, Dong Xuekun – một nông dân kiêm giám đốc Hợp tác xã nông thôn chuyên sản xuất thuốc lá ở thành phố Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc nói: “Tôi đã sử dụng màng nhựa từ khi bắt đầu phát triển cây thuốc lá. Trước đây, màng nhựa phế thải bị vứt bỏ khắp nơi trên đất nông nghiệp và sông ngòi gây nên một cảnh tượng ám ảnh. Tất cả chúng ta đều biết điều này là có hại cho môi trường nhưng chúng ta không biết phải đối phó với nó như thế nào".
Để giải quyết vấn đề này cũng như xây dựng một môi trường nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, năm 2014 chính quyền thành phố Khúc Tĩnh đã phát động chương trình tái chế và tái sử dụng màng nhựa. Theo đó, các Hợp tác xã nông dân địa phương và Công ty Tập đoàn Nhựa Khúc Tĩnh đã phối hợp cùng nhau trong quá trình tái chế màng nhựa, đem lại nhiều điều tích cực đối với nền nông nghiệp và cuộc sống nông dân.

Tạo sinh kế cho người nông dân
Nông dân Dong Xuekun chia sẻ, sau khi kết thúc vụ thu hoạch mùa thu, người nông dân chuyển sang công việc thu gom và tái chế màng nhựa phế thải. Công việc này cũng là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy người nông dân tham gia làm việc vì họ được "trả tiền".
Hợp tác xã của anh Dong Xuekun có hơn 800 hộ, trồng hơn 666,67ha và sử dụng gần 100 tấn màng nhựa mỗi năm. Hợp tác xã đã ký một thỏa thuận với công ty thuốc lá địa phương cũng như Tập đoàn Nhựa Khúc Tĩnh. Với mỗi kg màng nhựa phế thải được tái chế, công ty thuốc lá sẽ chi trả cho nông dân 2 Nhân dân tệ và Tập đoàn Nhựa Khúc Tĩnh sẽ trả cho hợp tác xã 1 Nhân dân tệ làm phí thu mua lại.
Một thành viên trong hợp tác xã của Dong Xuekun chia sẻ: “Công việc tái chế màng thải có tác động lớn đến sản lượng và chất lượng của thuốc lá. Khi môi trường trồng thuốc lá được cải thiện, số lượng và chất lượng lá thuốc cũng được cải thiện, làm tăng đáng kể thu nhập của chúng tôi".

Trách nhiệm đối với nền nông nghiệp sạch
Tại các điểm tái chế, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy hàng trăm tấn màng nhựa phế thải màu đen được thu gom và cho vào thùng chứa, xếp ngay ngắn dưới kho chứa lớn. Các thiết bị máy móc sẽ đưa màng chất thải vào máy để nghiền. Trải qua các quá trình sục rửa, ép, nghiền nát, làm dẻo, tạo viên làm mát bằng nước, khử nước, đóng gói và các quy trình khác… màng thải nhựa trở thành vật liệu tái chế màng nông nghiệp.
Ông Lu Bin – Tổng Giám đốc của Tập đoàn Nhựa Khúc Tĩnh cho biết: “Thông qua việc vận hành liên tục, chúng tôi đã thiết lập một hệ thống tái chế và xử lý màng dư không phát thải, thành lập 2 nhà máy xử lý màng tồn dư 10.000 tấn và đạt được 15 bằng sáng chế mới. Kể từ năm 2014, chúng tôi đã thu gom hơn 80.000 tấn màng nhựa thải, sản xuất và ứng dụng khoảng 20.000 tấn vật liệu tái chế, làm sạch khoảng 100.000ha đất nông nghiệp mỗi năm.”
"Không có rác nào là không thể xử lý, chỉ có nguyên liệu không được thiết kế và tận dụng tốt. Điều cốt yếu nằm ở cách chúng ta thiết kế sản phẩm, sử dụng sản phẩm và cách tái chế sản phẩm. Hy vọng rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp." - Lu Bin chia sẻ thêm.
Zou Yukun - Phó Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề địa phương của khu phát triển kinh tế và công nghệ Khúc Tĩnh cho biết: "Thông qua một loạt các biện pháp tái chế chất thải màng nhựa, môi trường đã được cải thiện đáng kể. Giờ đây, nước sông trong hơn và đất đai sạch sẽ hơn".