, //, :: GTM+7

Tài nguyên nước cần được bảo vệ và sử dụng hiệu quả hơn

THÙY DUNG

Nước là một trong những tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người và sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, nhưng tài nguyên nước của Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mà nếu không kịp thời có giải pháp thì môi trường nước sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn.

 

Với mong muốn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước, từ tháng 10/2019, Tạp chí Nông thôn Việt online mở diễn đàn Nước & cuộc sống. Trong suốt 3 tháng diễn ra, diễn đàn đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến từ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, cá nhân… trên cả nước. Các ý kiến đã cung cấp cái nhìn tổng quan về thực trạng nguồn tài nguyên nước hiện nay, đồng thời đưa ra định hướng và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể thông qua những mô hình, cách làm sáng tạo ở các địa phương trong việc sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước.

Vai trò của nước sạch và ý thức bảo vệ nguồn nước

Theo ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội KHPTNT Việt Nam (PHANO), nguyên Cục trưởng - Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, thì nước thải sinh hoạt và nước tưới cho nông nghiệp hiện đang là vấn đề bức xúc ở nông thôn. Chúng ta chưa có chính sách xử lý môi trường nông thôn, nông dân đang "tự bơi" nên không đủ sức giải quyết tình trạng này. Vì vậy sắp tới, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới Trung ương cần tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo mạnh mẽ để giải quyết những điểm nghẽn của chương trình xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, tập trung giải quyết vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt nông thôn và cần có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tập trung xử lý các nguồn ô nhiễm để tạo nguồn nước tưới tương đối hợp vệ sinh cho nông nghiệp. Đồng thời, ông đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xây dựng nông thôn hoặc nghị định chính phủ về quản lý xây dựng nhà ở dân cư và các công trình công cộng ở nông thôn, trong đó chú ý việc đảm bảo việc xử lý nước thải sinh hoạt, cung cấp nước sạch cho người dân.

 

Một số ý kiến tham gia diễn đàn của người dân ở ngoại ô TP.HCM đã phản ánh có không ít doanh nghiệp đang xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường nước. “Nếu người dân chúng tôi ý thức được rằng nước sạch vô cùng quan trọng đối với đời sống, sức khỏe của con người, thì không lý gì các doanh nghiệp sản xuất ở lân cận những vùng nông thôn lại không có ý thức này. Mong rằng mọi người trong xã hội đều góp phần giữ gìn và bảo vệ nguồn nước sạch để sức khỏe con cháu chúng ta tốt, đó cũng là cách ổn định nguồn lao động, tham gia phát triển kinh tế” – ông Nguyễn Văn Trai (Củ Chi) chia sẻ.

Thực tế, hầu hết các sông chính ở Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Nguyên nhân là nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn. Ngoài ra, chỉ có một số TP lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung được một phần nhỏ, còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi. Vì vậy, để quản lý tốt nguồn nước đảm bảo an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu trách cũng cần theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời. Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh cấp nước sinh hoạt.

Cần bảo vệ nguồn nước ngầm

Ở nước ta, nguồn nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị trên toàn quốc. Cùng với sự gia tăng đô thị và gia tăng dân số đô thị, nhu cầu sử dụng nước ở các đô thị lớn không ngừng tăng, khiến việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguồn nước ngầm bị sụt giảm, thay đổi cấu trúc địa chất và gia tăng độ mặn cũng như nồng độ các chất ô nhiễm. Do vậy bảo vệ nguồn nước ngầm là hành động hết sức cấp bách trong thời điểm này.

Nước thải đô thị và khu công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, chất thải rắn là những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nước ngầm. Để hạn chế những tác động làm ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng như bảo đảm sức khỏe của cộng đồng, cả Chính phủ và người dân cần phải chung tay triển khai các giải pháp đồng bộ. Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Việt Nam có tới 70% rác xử lý bằng cách chôn lấp, góp phần gây ô nhiễm nước ngầm. Chính phủ cần đưa tỷ lệ chôn lấp rác giảm xuống dưới 20%. Xu hướng chung trên thế giới là phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng và biến rác trở thành nguồn tài nguyên.

Mới đây một tổ chức nghiên cứu đến từ Hà Lan thông tin chính thức rằng ĐBSCL hiện chỉ cao hơn mặt nước biển 80cm và sẽ còn giảm xuống trong thời gian tới. Cũng theo tính toán của các chuyên gia thì cứ 1m3 nước ngầm được lấy lên khỏi mặt đất thì bên dưới lòng đất phải mất đi đến 13m3 nước ngọt do nước mặn tự nhiên xâm nhập. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đề nghị giải pháp cấm khai thác nước ngầm, do thực tế là tại ĐBSCL đã có quá nhiều tổ chức khai thác nước ngầm, nhất là khu vực nuôi thủy sản, trồng trọt nơi không có nguồn nước sông tưới tiêu. Cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng tác hại và nguy cơ của việc khai thác nước ngầm bừa bãi sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp chế tài, xử phạt mang tính răn đe với các cá nhân tập thể vi phạm vấn đề trên.

Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi cách khai thác nguồn nước ngầm bền vững từ châu Phi. Hiện nay hàng nghìn trang trại nông dân quy mô nhỏ tại 15 quốc gia châu Phi đang sử dụng máy bơm năng lượng mặt trời như một lựa chọn “xanh”. Các cảm biến của máy bơm thông minh sẽ ghi lại dữ liệu theo thời gian thực như mức năng lượng sử dụng và tốc độ bơm ở từng vị trí, sau đó chuyển dữ liệu về Viện quản lý nước quốc tế (IWMI) để tính toán tốc độ và mức khai thác nước ngầm hợp lý nhất. IWMI sẽ sử dụng dữ liệu từ hơn 4.000 máy bơm để tính toán lượng nước được khai thác tại bất kỳ thời điểm nào, giúp các chính phủ đảm bảo sử dụng bền vững, thông qua việc giới hạn khai thác hoặc chuyển sang cây trồng ít nước hơn. Dựa trên dữ liệu và kiến thức do IWMI trang bị, những người nông dân tham gia dự án sẽ biết được mức nước hợp lý theo tính toán khoa học, từ đó sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Thích ứng với hạn mặn ở ĐBSCL

ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ với sản lượng nông sản lớn nhất Việt Nam. Do đó, lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cộng với nước phục vụ các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nước phục vụ sinh hoạt của người dân… là khá lớn. Thế nhưng ĐBSCL đang đối diện với nhiều khó khăn thử thách liên quan đến xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, nước biển dâng…

 

Ngoài nguy cơ nhiễm mặn đối với nước ngầm, tình trạng thiếu hụt phù sa do các đập thượng nguồn chặn lại và khai thác cát đã khiến cho lòng nhiều con sông chính ở ĐBSCL sâu hơn, cùng với đó là biên độ thủy triều gia tăng khiến cho độ mặn ở một số kênh, rạch nội đồng ở ĐBSCL tăng nhanh, gây nên hiện tượng sạt lở và xâm nhập mặn tai hại hơn.

Để tháo gỡ vấn đề nan giải trên, trước hết cần các giải pháp quản lý chặt chẽ ngay tình trạng khai thác cát, tìm kiếm nguồn thay thế và khôi phục trữ lượng phù sa. Đồng thời, cần phải tăng cường công tác ngoại giao với các nước xây đập và khai thác dòng chảy thượng nguồn trong quản lý phù sa, trầm tích trên toàn lưu vực.

Hiện nay, thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất đang rất phân tán, không đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, tích hợp; công tác công bố, công khai còn chưa được chú trọng. Vì vậy, cần xác định việc tích hợp đầy đủ, cập nhật liên tục theo thời gian thực các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước là hết sức cần thiết. Từ đó, quan tâm hơn nữa đến công tác tổng hợp các kết quả phân tích, dự báo thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất một cách khách quan, khoa học nhằm phục vụ chiến lược quy hoạch, hoạch định chính sách, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ trong cấp nước cho người dân miền núi

Hiện nay, nguồn cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân ở những vùng miền núi vẫn chủ yếu là nước sông, suối, mặc dù nguồn nước này khó bảo đảm cả về chất lượng và số lượng, đặc biệt là vào mùa khô. Để giải quyết tình trạng này, nhiều dự án, mô hình có tính ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí, phù hợp với các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn đã được triển khai nhằm mang đến nguồn nước sạch cho người dân.

 

Điển hình như các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường đã triển khai đề tài "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng biên giới Tây Bắc cấp nước cho sinh hoạt". Cụ thể, hai hệ thống xử lý nước đã được xây dựng, lắp đặt, với nguồn cung cấp nước là suối Tà Vải và suối Nà Rược. Khi hoàn thành, mỗi trạm xử lý nước có công suất xử lý nước 50m3/giờ, mức giá đầu tư xử lý 1m3 nước là 2.727 đồng. Việc nguồn nước được bảo đảm đã nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo ra những thay đổi tích cực trong lối sống và phong tục tập quán.

Cũng tại Hà Giang, giữa tháng 11/2019, công trình Trạm bơm nước Séo Hồ không dùng điện (PAT) thuộc dự án Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam – KaWaTech đã chính thức được khánh thành. Trạm bơm này đã bơm thành công nước lên bể chứa trên đỉnh Ma Ú có độ chênh cao gần 600m. Lưu lượng của trạm bơm đạt 1.600m3/ngày đêm, cấp đủ nước cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang. Sự thành công của dự án đã đánh dấu bước đột phá về công nghệ khai thác nước. Với phương thức vận hành tự động, thiết kế đơn giản có tính khả thi, công nghệ này mở ra một hướng đi mới trong việc lựa chọn giải pháp cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các vùng khó khăn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang và có tiềm năng nhân rộng ra các vùng khác.

Tại Lào Cai, các nhà khoa học thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ lấy nước ngầm kiểu mới cho công trình đập dâng tại xã Cốc San, Bát Xát. Ứng dụng công nghệ thu lọc nước ngầm tầng nông tại lòng suối, khe tụ thủy thông qua hệ thống đập ngầm, hào thu nước được xây dựng bằng các loại vật liệu đơn giản như đá xây, vải chống thấm địa kỹ thuật kết hợp với hệ thống ống thu có gắn băng thu lọc nước theo nguyên lý mao dẫn được chế tạo sẵn bằng nhựa PVC để dẫn nước ra phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Qua quá trình vận hành, mô hình này được các chuyên gia, người dân địa phương đánh giá đạt hiệu quả thu nước tốt, thi công nhanh và đơn giản, dễ dàng vận hành và bảo dưỡng, độ ổn định cao giúp tháo gỡ khó khăn về cấp nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của đồng bào tại xã Cốc San, huyện Bát Xát.

Tạp chí Nông thôn Việt xin chân thành cảm ơn các tác giả là nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, cá nhân… đã đồng hành cùng Diễn đàn.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất