, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/11/2021, 06:00

Tài sản trí tuệ trong nông nghiệp số

MINH LÊ
Tài sản trí tuệ được coi là động lực cạnh tranh trong kinh tế, là động lực đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu và phát triển xã hội nói chung. Với xu thế hiện nay, cạnh tranh giữa các nền kinh tế chính là cạnh tranh về tài sản trí tuệ.
 

Vai trò của tài sản trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp

Việt Nam hiện có gần 1.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chỗ đứng trên thị trường, nhưng chỉ hơn 50 sản phẩm trong số này có chỉ dẫn địa lý; 150 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ. Trong đó, một số ít sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ ở cả trong nước và nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Ban Mê Thuột, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn… Những sản phẩm có chỉ dẫn địa lý hoặc bảo hộ hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Trong khi đó, ở trong nước, nhiều loại đặc sản nổi tiếng nhưng chưa được bảo hộ đang đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, như gạo hạt dài đội lốt gạo Nàng thơm Chợ Đào, cá tra đội lốt cá dứa, cá bông lau, các loại nước chấm công nghiệp mang mác nước mắm truyền thống… làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung mà không đủ cơ sở pháp lý để xử lý đến nơi đến chốn.

Tình trạng bị ăn cắp thương hiệu sản phẩm cũng xảy ra thường xuyên khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao, phải nhờ đến sự can thiệp, xử lý của các cơ quan pháp luật trong một thời gian dài, thậm chí đến 5 - 7 năm, vừa mất công, mất sức, vừa ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và việc kinh doanh. Trường hợp công ty Hoàng Phát ở Long An sở hữu giống thanh long chất lượng cao chuyên xuất khẩu bị nông dân “mượn” giống để trồng rồi tự ý bán sản phẩm ra thị trường, là một ví dụ. 

Nhận diện và bảo vệ tài sản trí tuệ trong hoạt động của doanh nghiệp là hết sức quan trọng, nó giúp doanh nghiệp có chiến lược quản lý tài sản trí tuệ hợp lý, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Đồng thời, nó còn có khả năng thúc đẩy sự sáng tạo của con người bằng việc trao cho các nhà sáng tạo sự khích lệ chính thức từ việc công nhận các quyền và lợi ích kinh tế khác liên quan đến tài sản trí tuệ. Nếu không có một hệ thống quyền và cơ chế bảo vệ quyền rõ ràng thì các loại tài sản trí tuệ của doanh nghiệp sẽ bị xâm phạm một cách bất hợp pháp.

Nông nghiệp Việt Nam với thành phần chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ, lẻ có xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ so với các lĩnh vực kinh tế khác ở nước ta, chưa kể so với nông nghiệp của các nước tiên tiến. Vì thế, khi bước vào quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng - một cuộc chơi công bằng giữa các chủ thể tham gia và đang làm thay đổi câu chuyện phát triển nông nghiệp từ “cá lớn nuốt cá bé” thành “cá nhanh nuốt cá chậm” trên quy mô toàn cầu - với nông nghiệp Việt Nam là một vấn đề không đơn giản.

 
 

Tài sản trí tuệ - yếu tố quan trọng để chuyển đổi số thành công 

Hiện tại, chưa có một định nghĩa rõ ràng về chuyển đổi số (digital transformation) nhưng có thể hiểu ngắn gọn đó là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của ngành hay doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng… Tại Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Chuyển đổi số hiện nay không chỉ đơn giản là số hóa (biến đổi dữ liệu giấy thành dữ liệu mềm, số hóa quy trình cũ), mà nó yêu cầu phải ứng dụng công nghệ số tạo ra những phương thức làm việc mới, mở ra thời kỳ phát triển “thông minh hóa”, cao hơn hẳn các thời kỳ “cơ khí hóa”, “điện khí hóa”, “tự động hóa” trước đây. Nếu như bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi trong nông nghiệp nói riêng, sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của đất nước, bởi tỷ trọng GDP nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế dù có giảm đi thì nông nghiệp vẫn giữ vai trò chiến lược dài hạn, là bệ đỡ cho an ninh, an sinh của đất nước. 

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, một số đơn vị đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi, ứng dụng Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn. Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã vạch để quản lý giống và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng và suy thoái rừng. Trong thủy sản, ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo nồng độ mặn, đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu.

 

 

 

Đối với các hợp tác xã nông nghiệp, theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác, có 199/12.600 HTX nông nghiệp (tỉ lệ 1,5%) ứng dụng công nghệ cao, trong đó 164 HTX áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; 17 HTX áp dụng tự động hóa tưới tiêu; 17 HTX áp dụng công nghệ sinh học; 1 HTX ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật tư nông nghiệp. Ở địa phương, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là một trong những tỉnh đạt khá nhiều thành tựu bước đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp khi có tới 25/52 doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng giải pháp IoT…

Với những thành tựu đạt được trong quá trình chuyển đổi số nêu trên, có thể nhận thấy vai trò của các yếu tố cấu thành nên tài sản trí tuệ trong từng khâu, từng chuỗi của sản suất nông nghiệp khi chuyển đổi số là vô cùng quan trọng vì hầu hết các ứng dụng đều liên quan đến 3 nhánh quyền (quyền tác giả và quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp, quyền giống cây trồng). Vì vậy, để có thể chuyển đổi số thành công, các hình thức tài sản trí tuệ đều phải được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ và công khai, minh bạch. Điều này đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu khi ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.    

Kinh nghiệm từ mô hình của các nước phát triển: “tạo dựng một doanh nghiệp thành công trước rồi sau đó thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ khi nền tảng cơ sở đã được xây dựng” cho thấy, để đảm bảo tính an toàn và khả năng phát triển bền vững, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có thể thực hiện quy trình 3 bước để sở hữu tài sản trí tuệ, gồm: tạo ra tài sản trí tuệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần tiến hành việc kiểm toán tài sản trí tuệ (IP Audit) và lập danh mục tài sản trí tuệ để quản lý. Kiểm tra quyền sở hữu của những tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp tạo ra, từ đó có phương án chuyển quyền đối với những tài sản trí tuệ không dùng đến; xem xét nhu cầu cần nhận chuyển giao quyền từ các tổ chức, cá nhân khác để có phương án đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao, từ đó, có thể tối ưu hóa hiệu quả mang lại của tài sản trí tuệ khi bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. 

Minh Lê

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất