, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/08/2022, 19:30

“Tái thiết đô thị” để phát huy kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ

GIA HUY
(baochinhphu.vn)
Lựa chọn lĩnh vực kiến trúc để tái thiết đô thị, phát huy kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt các dự án, không gian sáng tạo, sản phẩm du lịch đặc trưng bằng cách gia tăng những giá trị về văn hoá bên cạnh những giá trị mà tự nhiên mang lại.
Quận Hoàn Kiếm phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa, đô thị kiểu mẫu của Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy.

Quận Hoàn Kiếm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Trong 12 lĩnh vực được Chính phủ xác định để phát triển công nghiệp văn hóa, lĩnh vực "Kiến trúc" đang được quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm và đầu tư mạnh mẽ.

Bí thư quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định chia sẻ, quận xác định "tái thiết đô thị" là điểm tựa cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, kích thích du lịch, tạo danh tiếng mới cho đô thị; góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng.

Theo ông Vũ Đăng Định, xác định văn hóa đã và đang trở thành "nguồn lực mềm" quan trọng, với mục tiêu phấn đấu đưa quận Hoàn Kiếm trở thành một trung tâm văn hóa, một đô thị kiểu mẫu của Thủ đô, trong các nhiệm kỳ qua, quận Hoàn Kiếm đã tập trung tạo chuyển biến mạnh về công tác quản lý đô thị và quan tâm, đầu tư cho công tác phát triển văn hóa.

Trong đó, quận đặc biệt quan tâm đến việc tái thiết đô thị, di chuyển các nhà máy công nghiệp không phù hợp ra khỏi địa bàn quận theo đúng chủ trương của Thành phố, chuyển đổi các di sản công nghiệp thành những không gian văn hóa sáng tạo, góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận với lợi thế của các không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; quận đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai và tổ chức thực hiện; tập trung đầu tư nguồn lực cho các dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; xây dựng các không gian văn hoá; tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của quận theo hướng thương mại - du lịch - dịch vụ.

Theo Bí thư quận Hoàn Kiếm, diện mạo đô thị quận ngày càng khang trang, sạch đẹp, đó là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong nhiều năm qua của quận.

Để làm được điều này, quận tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Quận và khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai thực hiện các giải pháp cải tạo, chỉnh trang, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cảnh quan của danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; cải tạo các công trình có giá trị, các công trình biệt thự xây dựng trước năm 1954; Chiếu sáng các công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu; kiểm soát tổ chức, nhân dân bảo tồn nhà cổ…

Đối với khu vực ngoài đê, quận đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các Sở, ngành để cập nhật các định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này vào đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng như: Quan tâm thực hiện đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, mở rộng phố Chương Dương Độ; Đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả công năng khu nhà gỗ với chức năng hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại, giao thông tĩnh và trường học…

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quận Hoàn Kiếm có 4 khu vực quy hoạch, gồm: Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng là di tích quốc gia; khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; khu phố cũ quận Hoàn Kiếm, Khu ngoài đê sông Hồng quận Hoàn Kiếm.

"Tái thiết đô thị" là việc làm lâu dài

Chia sẻ của Bí thư quận Hoàn Kiếm cho thấy, việc "tái thiết đô thị" là việc làm lâu dài, cần phải có sự nghiên cứu bài bản cũng như nguồn lực đầu tư lớn.

Do vậy, quận đã xác định mục tiêu phát triển đô thị của quận trong giai đoạn 2021 - 2025 là: "Tập trung cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng bộ, chất lượng cao theo hướng văn minh, hiện đại về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Huy động các nguồn lực cho công tác cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị để quận Hoàn Kiếm là đô thị kiểu mẫu, tiến tới đô thị thông minh của Thủ đô Hà Nội".

Những kết quả đạt được của quá trình "tái thiết đô thị" sẽ là cơ sở để phát triển công nghiệp văn hóa, mở ra các không gian sáng tạo mới của Thủ đô nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng.

Xác định việc tái thiết các di sản công nghiệp thành các không gian sáng tạo không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra các nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch, tạo lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu giải trí sinh hoạt cộng đồng.

Đình Kim Ngân, phường Hàng Bạc là nơi thường xuyên giới thiệu các hoạt động văn hóa, nghề thủ công truyền thống - Ảnh: VGP/Gia Huy.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản

Với lợi thế sẵn có là quận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, quận đã chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản như: Tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân, cơ quan, trường học ra khỏi các di tích, trả lại cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh cho các di tích.

Đồng thời, chú trọng đến việc khôi phục và phát huy tốt các giá trị di sản như xây dựng Đề án "Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm" với 14 lễ hội đặc trưng tiêu biểu như Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Đình Yên Thái, lễ hội Đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ...

Bí thư quận Hoàn Kiếm cho biết, quận xác định quản lý và phát huy tốt công tác bảo tồn di sản của khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, đặc biệt là đối với các điểm di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng trên địa bàn. Giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể gắn với giới thiệu nghề thủ công, phố nghề, làng nghề truyền thống; biểu diễn âm nhạc truyền thống; tọa đàm, hội thảo, triển lãm xung quanh các vấn đề về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội để xứng đáng với giá trị của di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô và đất nước.

Trong thời gian tới, quận tập trung phát triển du lịch văn hóa, coi du lịch văn hóa, di sản văn hóa là trọng tâm, du lịch ẩm thực là động lực; xây dựng và triển khai các Đề án như: Đề án nâng cao chất lượng tuyến phố Văn hóa ẩm thực tại phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông (Cấm Chỉ), Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các không gian đi bộ, không gian sáng tạo trên địa bàn quận,...

Đẩy mạnh đa dạng hình thức tổ chức các tour du lịch kết nối giữa phố nghề, phố chuyên doanh, điểm di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian của quận với các tour, tuyến du lịch của Thành phố. Xây dựng và quảng bá hình ảnh Hoàn Kiếm là điểm đến du lịch "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn".

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm xác định tập trung phát triển công nghiệp văn hóa phù hợp với tiềm năng thế mạnh của quận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất