, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 12/12/2022, 18:00

Tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ

KHẢ LÊ
(baodaklak.vn)
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh, nhiều doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tìm tòi để đưa ra thị trường những sản phẩm organic (hữu cơ) trên cơ sở khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong số đó có không ít người đã thành công, khẳng định được vị thế của doanh nghiệp và truyền lửa đam mê cho cộng đồng.

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên đam mê sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã thúc đẩy anh Đoàn Xuân Trường thành lập Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột).

Nhận thấy những sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là nấm sẽ là xu hướng tiêu dùng hiện đại, anh Trường quyết định đi tham khảo và học tập kinh nghiệm ở các mô hình trồng nấm trong và ngoài nước. Từ thực tế, những nơi có nền nông nghiệp phát triển đều gắn chặt với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, anh Trường đã quyết tâm thay đổi tư duy làm nông nghiệp, đem đến những sản phẩm an toàn cho người dân.

Anh đã chủ động tìm đến Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn.

Doanh nhân Đoàn Xuân Trường kiểm tra xưởng nấm của mình tại thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột.

Sau khi đã học hỏi được các quy trình, kỹ thuật sản xuất nấm, anh Trường quyết định triển khai xây dựng mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời theo hướng tuần hoàn. Anh đầu tư hệ thống nhà xưởng bài bản với quy trình sản xuất được thiết kế một chiều, thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra được tách biệt, đảm bảo môi trường sạch cho nấm sinh sôi, không bị nhiễm bệnh.

Nguyên liệu làm nấm được lấy từ mùn cây cao su. Phế phẩm sau khi thu hoạch nấm được dùng làm phân bón. Anh Trường cho biết, mô hình trồng nấm tuần hoàn hoàn toàn được cơ giới hóa và sử dụng các hệ thống tự động, quản lý bằng phần mềm cài đặt trên điện thoại. Nhờ vậy dù ở đâu anh cũng vẫn có thể quản lý, nắm bắt được tình hình của trang trại nấm.

Để xây dựng mô hình nông nghiệp sạch bền vững, anh Trường còn tuyển dụng những kỹ sư chuyên mảng nông nghiệp về đồng hành cùng mình. Hơn nữa, nấm rất dễ bị nhiễm bệnh nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Bên cạnh đó, những yếu tố như đất, nước đều phải bảo đảm sạch. Từ khâu chọn, cấy giống, đóng bịch, hấp, tiệt trùng… tất cả đều được tự động hóa và giám sát kỹ càng. Nhờ sự đầu tư bài bản về nhà xưởng, công nghệ và kỹ thuật, mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời đã bắt đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Đến nay, sau ba năm triển khai, mô hình trồng nấm của anh Trường với quy mô 6.000 m2 đã đạt chứng nhận ISO 22.000 và VietGAP. Đặc biệt, mô hình đã cho lợi ích kép vì vừa có nguồn thu từ điện năng, vừa có nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng. Các sản phẩm nấm tươi như nấm mèo, nấm sò, bào ngư cho sản lượng 50 tấn/năm và nấm dược liệu như linh chi, nấm đầu khỉ có sản lượng từ 3 - 5 tấn/năm. Doanh thu từ nấm mang lại cho anh Trường từ 3 - 5 tỷ đồng/năm. Công ty đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương, với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, mô hình trồng nấm của anh Trường được chọn làm nơi khảo nghiệm giống nấm mới của Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Thời gian tới mô hình này tiếp tục được chọn khảo nghiệm trồng các giống nấm linh chi mới, nấm vân chi và nấm đầu khỉ… Bên cạnh đó, mô hình của anh cũng được các hợp tác xã nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đó chính là niềm động viên, khích lệ lớn đối với một doanh nhân dám nghĩ và dám làm.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công Lê Văn Vương thăm vườn cà phê canh tác hữu cơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bắt kịp xu hướng

Cũng giống như đa số nông dân tại Đắk Lắk, trước kia gia đình anh Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) canh tác cà phê vô cơ thông thường. Tuy nhiên, sau một thời gian được gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với những chuyên gia về cách làm hữu cơ, anh Vương đã dần ý thức sâu sắc và nhận ra đây chính là xu hướng tiêu dùng của cà phê trong tương lai, không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Năm 2015, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công, chuyên thu mua và chế biến, sản xuất cà phê thương mại. Mong muốn tạo ra sự đột phá, anh Vương đã tham dự các khóa học chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hạt cà phê.

Theo đuổi lối đi riêng của mình là xây dựng thương hiệu cà phê organic, anh Vương đã chuyển đổi 1,4 ha cà phê đang canh tác của gia đình tại xã Ea Kao sang quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh chế biến những dòng cà phê rang xay dành cho pha máy và pha phin, anh còn đầu tư, sáng tạo ra các sản phẩm làm từ cà phê, như: Cà phê hòa tan sấy lạnh, rượu vang cà phê, trà cascara... được thị trường đón nhận. Hiện nay, anh Vương đã liên kết với 13 hộ dân, 2 hợp tác xã để phát triển được 65 ha nguyên liệu cà phê hữu cơ.

Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng nên các sản phẩm cà phê của anh Vương đã đạt được Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); Giấy chứng nhận hữu cơ; Chứng nhận ISO 22000:2018; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 2021...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không giữ bí quyết cho riêng mình, anh Vương đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để truyền đạt kinh nghiệm canh tác và sản xuất cà phê hữu cơ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, vị thế sản phẩm chủ lực này của tỉnh.

Khi dịch COVID-19 ập đến, việc kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ, anh Vương đã linh hoạt chuyển đổi số, đẩy mạnh bán hàng trên 5 sàn thương mại điện tử trong nước. Khép lại một năm 2022 đầy biến động, những ngày cuối năm, anh Vương đón nhận niềm vui khi được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trao Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam năm 2022 và được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, doanh nhân Lê Văn Vương là người sản xuất cà phê duy nhất ở Đắk Lắk được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Điều này chính là niềm vui, động lực để anh tiếp tục hành trình nâng tầm cà phê Việt.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất