, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 18/06/2022, 08:40

Cha con Được

LÊ THỊ XUYÊN
Gian phòng hai cha con Được thuê trọ chỉ để vừa đủ một cái bàn gỗ vốn đã đen kịt màu nước sơn ở cạnh cửa sổ, một cái giường đơn đã ọp ẹp đặt trong góc phòng. Căn phòng lâu ngày không ai ở nên mạng nhện giăng kín chằng chịt.
Ảnh minh họa.

Bụi bám dày lên tường và trên mái nhà khiến cửa phòng mới mở ra, con bé May đã nép sát vào ba nó, khuôn mặt nhăn nhúm một nỗi sờ sợ không nói thành lời. “Không sao đâu con. Mình dọn một chút là sạch sẽ sáng sủa ấy mà"! - Biết con lo lắng, anh Được xoa đầu con an ủi, rồi bảo con bé để đồ đạc gọn ở một góc nhà. Hai cha con bắt đầu xắn tay dọn dẹp gian phòng. 

Sau khi quét dọn sạch sẽ, hai cha con mồ hôi nhễ nhại. Nhưng bé May cười tươi rói, thở phào nói với ba: ”Vậy là xong rồi ba ơi"! Con bé lôi ra từ trong túi đồ, bày ra giường vài ba bộ quần áo đã xỉn màu, xoăn tít, có cái đã rách bươm, mấy cuốn sách đã nhàu nhĩ và dăm ba đồ lặt vặt: kem đánh răng, lược, khăn mặt... Bộ quần áo lao động của ba nó cũng ngả màu cà phê sữa được nó cẩn thận móc lên cái móc sắt phía trên chiếc giường. 

Được lững thững ra đầu hẻm một lúc. Khi về, anh ôm theo cái chiếu, một nồi cơm điện nhỏ, một bếp ga mini, thêm cái xoong, mấy cái chén, hai đôi đũa, chai mắm, muối, mì, đường và cả mấy lon gạo để trong một túi ni lông trắng. Tay ôm chiếu, tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc, bóng Được đổ dài trên đoạn đường bê tông từ hẻm vào dãy nhà trọ, khiến mấy cái đầu người lại đứng trong phòng trọ lấp ló nhìn ra. Được nhìn thấy nhưng anh chẳng hề quan tâm. 

Bữa cơm đầu tiên đến nhà mới của cha con Được chỉ vài con cá nục hấp nhỏ như ngón tay, thế nhưng trông bộ bé May ăn, Được thấy vui lắm. “Ăn đi con! Ăn nhiều vào". May nhìn ba nó, rồi dùng đũa gắp lấy một con cá nục đặt vào chén cơm của ba. “Ba cũng ăn đi"! - con bé cười, mắt trong veo. Được đáp lại con bằng cái gật đầu thật dịu dàng.

Đêm về, cả dãy trọ im lìm

Được trải chiếu nằm dưới đất, để con gái nằm ngủ trên chiếc giường đơn. Trong căn phòng chật chội, ánh đèn ngủ đỏ ngàu, lờ mờ. Đôi mắt Được nhìn trừng trừng xuyên qua bóng đêm. Giường bên, con bé May đã ngon giấc sau vài cái cựa mình, lăn qua lăn lại trước nơi ở mới. Nghĩ đến nó rồi nghĩ đến bản thân, Được cứ thế bùi ngùi. Chẳng biết tương lai sau này của hai cha con sẽ như thế nào, nhưng hiện tại, Được chỉ biết chăm chỉ nhặt ve chai để có tiền lo cho con ăn học. 

“Nó phải có cuộc sống tốt đẹp"! - Được nghĩ vậy, nên chẳng còn ngóc ngách, xó xỉnh, cầu đường, cống rãnh hay bãi rác nào của thành phố này mà bước chân Được chưa từng lui tới. Hôi thối, ruồi nhặng, nói chung ai đi qua cũng tìm cách ngó lơ, vội vàng tránh né hay nhổ vài bãi nước bọt để tỏ sự coi thường… thì đó lại là nơi mà Được muốn đến mỗi ngày. 

Không phải ai trong đời cũng có được nhiều sự lựa chọn, cái khổ đôi khi bó buộc con người ta phải chung sống với cái hôi hám, dơ bẩn. Vì bé May, Được sẵn sàng chấp nhận. Vả lại, Được nghĩ ông trời có mắt. Ông nhìn thấu mấy cõi, biết đâu mai này mình gặp may. Đúng  rồi, qua cơn bĩ cực ắt có ngày thái lai. Huống gì, mình đã khổ tận cùng rồi, ắt sẽ có những tháng ngày cam lai chứ. 

Suy nghĩ miên man một lúc, Được thiêm thiếp ngủ. Rồi anh dần chìm vào một giấc mơ... 

Đó là cảnh tượng anh chạy sồng sộc khắp đồi núi giữa cơn mưa tầm tã, sấm sét đì đùng, miệng thất thanh gọi tên vợ con và chỉ nghe tiếng mình vọng lại giữa mưa gầm, gió rít. Bỗng một tiếng hét lớn vang lên. Từ trên đỉnh đồi, Được dán mắt về phía đáy vực, nơi mẹ con Sang đang bị đất đá cuốn trôi, vùi lấp. Anh cứ thế gào thét giữa một trời mưa bão mịt mù... 

Rồi hình ảnh mẹ con Sang hiện về, trách móc, Sang cứ đó, khóc ròng. Được quờ quạo, giật mình bật dậy. Mồ hôi đầm đìa khắp trán. Lại là giấc mơ cũ. Cảnh tượng ấy cứ mãi ám ảnh khiến Được chẳng đêm nào ngon giấc. Được thấy mình có tội. Giá như anh đến sớm hơn thì có lẽ vợ con anh sẽ không chết thảm như thế. 

Phải một ngày sau, chờ cơn mưa rừng tạnh hẳn, mọi người mới cùng Được đi đào đất, tìm xác mẹ con Sang. Chẳng ai kìm được nước mắt khi nhìn thấy Sang vẫn trong tư thế ôm chặt con trước bụng, còn mình thì nằm phía trên, gồng lưng lên che chở cho con. 

Chôn cất vợ con xong, Được chán nản, bất cần. Anh đu theo hội buôn gỗ lậu. Rồi Được bị bắt tại trận trong đợt vận chuyển khối lượng gỗ quý lớn, phải ngồi tù 3 năm. Nhờ cố gắng cải tạo tốt, Được mãn hạn tù sớm. 

Ra tù, Được rời quê lang thang nghề thợ đụng. Nhưng chẳng công việc nào kéo dài, vì khuôn mặt Được vốn dĩ cứ như tảng băng khiến ai nấy đều không có cảm tình. Họ hắt hủi, rồi sau thì đuổi việc. Thậm chí có lần người ta quẳng ra mấy chục ngàn tiền công sau mấy tiếng Được làm thuê để anh biến khỏi công trường cho rảnh mắt. Thế là Được quyết định đi nhặt ve chai. Được nghĩ, chắc nghề này hợp với anh bởi chả đụng chạm đến ai, cũng chả ai thèm nhìn mình. 

Rồi ông trời cũng cho Được một món quà

Vào một ngày, như thường lệ, Được đến lượm ve chai trong một bãi rác công cộng. Đang loay hoay, bỗng trước mắt anh hiện ra cảnh tượng kinh hoàng. Một đứa bé mới sinh bị ai đó bỏ trong túi nilon vứt giữa bãi rác!

Anh chầm chậm bước lại gần chiếc túi nilon có đứa bé đỏ hỏn đang ngọ ngoạy khe khẽ, từ từ mở túi ra. Đứa trẻ trông tím tái, hơi thở yếu ớt. Quanh túi, ruồi, nhặng bu đầy. Đứa trẻ vẫn còn nguyên dây rốn, cựa mình khiến anh không cầm được nước mắt.

Được chẳng có tâm trí nghĩ đến người mẹ nhẫn tâm nào đã vứt bỏ đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Anh vội cởi áo ra, quấn đứa trẻ lại rồi ôm nó chạy vào nhà người dân gần đó để nhờ giúp đỡ. 

Được đặt cho đứa bé cái tên May, vì nó may mắn được anh cứu sống, vì anh may mắn cứu được nó và có được đứa con làm chỗ dựa tinh thần. Sau những bối rối khi đi xin sữa, xin tã, xin quần áo… và những lóng ngóng ẵm bồng của Được, đứa trẻ đỏ hỏn ngày qua ngày như hòn than hồng sưởi ấm cõi lòng chát chúa, lạnh ngắt của người cha bất đắc dĩ. 

Mười năm, chẳng thể kể hết nỗi cực nhọc, khổ sở để Được nuôi đứa con gái khôn lớn. Không biết bao lần thay đổi chỗ ở, bao lần thay đổi trường học cho con vì cuộc sống, công việc, cũng là vì muốn quên đi nỗi giày vò trong tâm trí anh. Xóm trọ của bà Lành là nơi thứ 4, thứ 5 gì đó mà cha con Được dừng chân sau cả chục năm trời…  

Chợt Được cắt ngang dòng hồi ức, choàng dậy, vơ lấy cái bao và cái móc sắt, ra khỏi phòng, cài then cửa và lảo đảo bước đi. Dáng lom khom, chúi đầu về phía trước, mặt dắm dúi xuống đường là điều mà người xóm trọ dễ nhận ra ở Được. Dáng vẻ ấy tạc vào đời anh biết bao đau đớn, tủi nhục bấy nay.

* * *

Mới sớm bửng, tiếng xì xầm đã rộn vang đầu hẻm: “Tôi thấy cái anh Được gì đó sao khó gần quá"! “Ừ, trông anh ta cứ lạnh lùng thế nào ấy". “Nhưng được cái là con bé dễ thương lại nhanh mồm nhanh miệng. Gặp người lớn là vòng tay lễ phép chào hỏi". “Mà chị vợ đâu chả thấy, để một thân gà trống nuôi con"...

Câu chuyện về cha con anh Được qua lời xì xào của năm, bảy người phụ nữ trong dãy trọ bà Lành phong phanh như thế. Họ nói với nhau bằng giọng điệu của những người vừa quan tâm lo lắng, lại vừa băn khoăn khó hiểu. Cho đến khi nghe tiếng đằng hắng của anh Được, đám người mới tản ra, ai về phòng nấy.

Dãy nhà trọ cũng chỉ toàn dân tứ chiếng góp nhặt về. Họ đa phần làm công nhân trong mấy xí nghiệp may mặc, giày da. Ban đầu, Được giữ khoảng cách ắm. Nhưng dần dà, vài ba câu hỏi thăm nhau, cái bánh, chén chè san sẻ. Rồi con bé May thì chạy qua chạy lại chơi, thấy nó ngoan ngoãn, dễ thương, ai cũng mến. 

Rồi lúc đau ốm hay khi thiếu thốn, cũng chẳng ai ngoài người trong dãy trọ giúp đỡ. Dần dà, Được nới mở khoảng cách. Đầu tiên là cười thân thiện, sau đó là vài ba câu hỏi thăm. Người trong xóm trọ dần dần cũng quý Được như quý con bé May vậy. 

“Con người ta tốt xấu cốt là ở trong tâm thôi, chứ bề ngoài quan trọng gì”! - Bà chủ dãy trọ hay nói vậy. Bà tu tại gia, vốn tính thương người nên chỉ qua vài lần tiếp xúc, bà hiểu và thông cảm với cha con Được. Có gì ngon, bà cũng đem xuống cho con bé. Thấy nó ham học, bà bàn với Được chuẩn bị xin cho nó đến trường học cho bằng bạn bằng bè.

Chiều chạng vạng, sau một ngày đi nhặt ve chai về, Được úp úp mở mở sau lưng cái gì bí mật lắm. Anh nhìn con bé May bằng nụ cười lém lỉnh, yêu thương. “Quà cho con gái ba”! - Được giơ ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm rất đẹp, món quà mà con bé ao ước từ lâu. Và cũng đã từ lâu, Được dự định sẽ mua tặng con gái. Giờ anh đã làm được. 

“Con cảm ơn ba. Con thương ba nhiều lắm”! - Con bé May nhìn ba nó rưng rưng, giọt nước mắt chực trào nóng hổi. Nó mang cho Được xem món quà mà sáng nay bà chủ nhà cùng mọi người trong dãy trọ vừa tặng nó. Một chiếc cặp mới, bộ quần áo mới và tờ giấy giới thiệu vô trường học. Bé May vui sướng nhào vào lòng ba nó, hớn hở: “Vậy là con được đi học lại hả ba? Con hứa sẽ học thật giỏi để lớn lên kiếm tiền nuôi ba, để ba không còn phải đi nhặt ve chai nữa”... 

Được chớp chớp mắt, sống mũi cay cay. Anh xoa đầu con bé, mỉm cười. Lúc này đây, anh không nghĩ đến những tháng ngày khó khăn trước mắt của hai cha con nữa. Con bé May chính là động lực để anh bước tiếp. Và anh tin, cuộc đời luôn công bằng với những người biết hướng thiện…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất