, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 29/12/2022, 15:33

Tấm lưng còng của ba

THU ĐÌNH
Mẹ anh ở dưới quê gọi điện thông báo: ba anh đau lưng mấy bữa nay, anh thu xếp công việc về chở ba đi khám xem sao! Anh bảo: mấy bữa nay công việc bù đầu, để thư thư ít hôm, có thời gian rảnh anh mới về được.

Nói xong, anh chỉ nghe mẹ buông một tiếng “ừ” nặng nề rồi cúp máy. Chuông điện thoại lại reo. Lần này là khách hàng gọi. Anh vội xếp giấy tờ vào cái cặp táp rồi lên xe máy cứ thế đi.

Hình minh họa. Nguồn: Internet.

Trong lúc dừng xe trước đèn đỏ, để lại ấn tượng trong mắt anh là hình ảnh người đàn ông cao gầy, trạc ngoài 40 tuổi đang cõng đứa con trên tấm lưng còng của mình qua đường. Dẫu mồ hôi nhễ nhại lộ vẻ nhọc mệt nhưng người đàn ông ấy vẫn vui tươi trò chuyện với con. Thế rồi trong tâm trí anh bỗng hiện về hình ảnh tấm lưng của ba. Tấm lưng cả một đời bươn chải, mưu sinh, làm trụ cột cho gia đình. Tấm lưng đã cho anh tuổi thơ ngọt ngào, cho anh khung trời mơ ước và cho anh cả cuộc sống tươi sáng hiện tại.

Anh là con trai duy nhất trong nhà. Mẹ anh mấy lần sa sẩy mới sinh được anh. Sức khỏe của bà cũng yếu dần từ đó. Trong nhà, ba anh là lao động chính. Để chèo chống gia đình, ba anh làm đủ nghề kiếm sống. Hết đi rừng kiếm củi lại đi làm thuê làm mướn trên nương rẫy. Anh ngày ấy mới chỉ mới lên 1, lên 2 tuổi, không thích ở nhà, đòi theo ba bằng được. Ba anh lấy cái khăn vải của mẹ làm cái địu sau lưng. Anh ngồi lọt thỏm trong cái địu vải, tay ôm chặt vai ba, khi tíu tít chuyện trò, khi ngặt nghẽo cười đùa, khi lại áp mình vào lưng ba ngủ ngon lành. Có bữa trời mưa, tấm áo tơi mỏng tang ba anh dành trọn để che cho anh, còn ba anh thì ướt sũng. Anh cứ thế lớn lên trong tình yêu thương đong đầy của ba. 

Ngày anh vào lớp 1, trường học xa nhà, đường đến trường gập ghềnh sỏi đá. Thương đôi chân non nớt, yếu mềm của con, ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng cũng như chiều, ba anh cõng anh đến trường. Nhiều lúc anh ngỏ ý muốn tự đi học một mình, ba cười xòa rồi nhìn anh bảo: “Đôi chân ba rất khỏe. Ba sẽ đưa con đến tất cả những nơi con muốn đến”. Anh vô tư nhìn ba cười tí toét.

Anh vào đại học, ba chuyển sang nghề bốc vác. Nghề bốc vác vốn dĩ nhọc mệt, vất vả và không ổn định. Khi nào có hàng, khi nào người chủ gọi, dù là sáng sớm, giữa trưa hay chiều tối, có khi đang giữa bữa cơm, ba cũng đi. Mấy lần về thăm nhà, ngang qua kho hàng đầu làng, anh sững lại khi thấy ba anh trong bộ quần áo lao động đã ngả màu, mồ hôi nhễ nhại, tấm lưng oằn xuống dưới bao tải hàng, đôi bàn chân bạnh ra, bấm chặt xuống đường với những bước đi nặng nề. Anh bật khóc như một đứa trẻ. 

Thương ba mẹ bao nhiêu, anh càng nỗ lực học tập bấy nhiêu để rồi đem về niềm tự hào cho ba mẹ bằng tấm bằng đại học kinh tế loại ưu. Ngày tốt nghiệp ra trường, anh không hề hay biết ba anh đã nén cơn đau giãn dây chằng do khuân vác nặng để bắt xe lên thành phố chung vui cùng anh. Ba anh tự hào đến khóc khi có đứa con trai giỏi giang như thế. Ôm lấy ba, anh vừa biết ơn vừa nhủ lòng sẽ cố gắng đáp đền công ơn của ba mẹ bấy nay.

Nhưng rồi, công việc kinh doanh như một vòng xoáy cuốn lấy anh. Đôi khi, anh quên mất rằng chính ba mẹ là người đã đem đến cho anh có được chỗ đứng như hiện tại. Thay vì ghé về thăm ba mẹ, hàng tháng, anh chỉ gửi tiền về. Mẹ anh trách anh vô tâm, còn ba anh thì xuề xòa cho rằng công việc của anh phải thế. Mẹ anh nói, vì lo cho anh, lưng ba anh bây giờ đã còng như một dấu chấm hỏi, lại thường xuyên đau nhức...

Đèn xanh bật sáng, mắt anh vẫn dõi theo người đàn ông cõng đứa con trên tấm lưng còng khuất dần vào dòng người bên đường. Bỗng nhiên sống mũi anh cay xè. Anh thấy mình thật có lỗi với ba. Không chần chừ gì nữa, anh quyết định quay đầu xe, chạy về thăm ba.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất