, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 27/01/2022, 11:58

Tam Phú - mùa hến cuối năm

NGUYỄN QUỲNH
Những ngày này, lò củi nấu hến của bà Nguyễn Thị Xin (53 tuổi, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đỏ lửa cả ngày để luộc hến lấy ruột bán cho thương lái.
Ghe chở người dân cập bờ bán hến cho các cơ sở nấu hến.

Mùa hến

Tầm 6 - 8 giờ sáng hằng ngày, hàng chục chiếc ghe của ngư dân trên địa bàn TP Tam Kỳ tấp nập vào bờ cân hến bán cho gia đình bà Xin và 4 cơ sở nấu hến khác ở xã Tam Phú. Mỗi ngày bà Xin thu mua trên 1,5 tấn hến để nấu lấy ruột, với giá dao động từ 40 - 50 ngàn đồng/kg.

Đã 10 năm gắn bó với nghề nấu hến truyền thống, bà Xin cho biết cơ sở của bà nấu hến quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là hai tháng cuối năm Âm lịch, nhất là tháng Chạp - lúc này người dân thường mua hến về chế biến món ăn cho ngày Tết Nguyên đán. “Năm nay hến mất mùa nên sản lượng thu mua không đủ so với nhu cầu tiêu thụ hến tăng cao trong những ngày cuối năm", bà Xin chia sẻ.

Công việc nấu, đãi hến rất mệt nhọc. 

Những ngày thường trong năm, cơ sở nấu hến của bà Xin có khoảng  4 - 5 phụ nữ đảm nhận công việc nấu, đãi và làm sạch ruột hến. Những ngày cận Tết, số nhân công tăng lên đến 10 người. Bình quân mỗi buổi sáng, cơ sở của bà nấu được hơn 700kg hến sống, thu được 500kg hến ruột. Sau khi sơ chế, ruột hến sẽ được trộn với muối hạt (theo tỷ lệ 10kg ruột hến với 2kg muối hạt) để con hến được tươi và ráo nước. Bà Xin bán ruột hến thô cho thương lái với giá dao động từ 60 - 70 ngàn đồng/kg tùy loại lớn nhỏ.

Bà Phạm Thị Chung (thôn Tân Phú, xã Tam Phú) - một nhân công nấu hến cho bà Xin cho biết, bà làm việc từ 6 giờ sáng đến khoảng 2 - 3 giờ chiều là về, có ngày hến nhiều thì thời gian tăng lên. “Một ngày công của tôi khoảng 300 ngàn đồng/ngày, cũng thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình", bà Chung nói.

Bình quân mỗi người được nhận từ 150 - 300 ngàn đồng/ngày công làm hến thô.

Nghề nấu hến

“Công việc nấu hến tuy đơn giản, nhưng cũng khá mệt nhọc. Hằng ngày tôi tiếp xúc với nồi nấu hến, lửa cháy liên tục nên rất nóng. Nhất là vào tháng 4 (Dương lịch) thời tiết nắng nóng, áo quần lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Da mặt, da tay thường xuyên khô ráp, nhưng nhiều năm gắn bó với công việc rồi nên tôi cũng đã dần quen”, bà Chung tâm sự.

Các cơ sở nấu hến của bà Xin khoảng 200m, có khoảng 5 phụ nữ đang phụ trách nấu, đãi hến cho cơ sở của bà Hoàng Oanh. Theo quan sát của chúng tôi, công đoạn nấu hến trải qua nhiều bước. Hến được thu mua từ các chủ ghe đem về rửa sạch và cho vào nồi gang cùng với nước ngọt để đun đến khi sôi. 

Trong khi chờ nước sôi, những người phụ nữ phải thường xuyên dùng cào 4 răng bằng tre để đảo đều và liên tục vớt hến ra các rổ tre để sẵn gần bếp củi. Họ phải canh sao cho lửa cháy đều, không nhỏ không lớn. Tùy theo thể tích và số lượng hến mà họ thêm một lượng muối hạt phù hợp để con hến được ngon, ngọt và không bị nhão… 

Vỏ hến được bán cho các cơ sở chế biến vôi sống.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Năm (thôn Long Thành, xã Tam Tiến) bán hến ở chợ Bà Bầu chia sẻ, hằng ngày bà đến cơ sở của bà Xin mua khoảng 10kg hến thô, mang về nấu lại và thêm hành vào để mang ra chợ bán kiếm lời. “Hến được người dân mua về chế biến các món như xào, trộn xúc bánh tráng… nên rất dễ bán. Bình quân mỗi ngày tôi kiếm được 200 ngàn đồng tiền lời từ bán hến”, bà Năm nói.

Hiện nay, ở xã Tam Phú có 350 hộ dân với hơn 100 ghe hành nghề cào hến; 5 cơ sở nấu hến truyền thống. Hến ở xã Tam Phú từ lâu đã có tiếng thơm ngon, nên thị trường khá ưa chuộng. Hến không chỉ tiêu thụ ở tỉnh Quảng Nam mà còn đóng gói xuất đi các tỉnh thành khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Huế… 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất