, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 01/05/2022, 07:00

Tắm rừng ở Na Hang để chữa vết thương tinh thần

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
(nongnghiep.vn)
Đoàn người lặng lẽ đi vào rừng, mang theo những vết thương đô thị nằm ẩn sâu trong đầu. Những vết thương không nhìn thấy, sờ thấy nhưng thỉnh thoảng lại dội lên, nhức buốt…

Tắm rừng trong đại ngàn nghiến nghìn năm tuổi

“Xin chào bạn, đã bao lâu rồi bạn chưa tản bộ trong một khu rừng đẹp sững sờ đến độ phải dừng chân thưởng ngoạn? Và cũng bao lâu bạn không để ý các chồi xuân đang chớm nở, hoặc ngắm thật gần chiếc lá khởi vàng báo hiệu mùa hè đã qua đi?

Thay vào những điều ấy, bạn đã phải dành bao nhiêu thời gian để nhìn vào màn hình, bao nhiêu thời gian để lướt điện thoại, bao nhiêu lâu để online, checkin và đủ thứ thao tác trên mạng xã hội. Cuộc sống hiện đại với sự bủa vây của các thiết bị công nghệ hay những tòa nhà chọc trời, công việc áp lực vốn là thứ hút cạn năng lượng và niềm vui của bạn mỗi ngày.

Sẽ là cần thiết để thỉnh thoảng bạn rũ xuống những bộ quần áo công sở, thay bằng trang phục thoải mái nhất để offline và tạm rời xa điện thoại, máy tính. Để bước vào thế giới tự nhiên, để đắm mình trong màu xanh bất tận của cỏ cây hay mùi hương quyến rũ của thảo mộc, những âm thanh huyên náo của muôn loài.

Nói như ngôn ngữ của người Nhật là bạn cần thực hành Shinrin-yoku, tức là tắm rừng. Bạn hãy dành thời gian 1 ngày để kết nối thiên nhiên, giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường sinh lực, cảm giác sung mãn và tràn trề sinh lực. Liệu pháp tắm rừng còn giúp bạn thanh lọc không khí sạch cho phổi…

Đoàn chúng tôi đang trải nghiệm tắm rừng bằng cách ngồi thiền dưới một gốc nghiến cổ thụ. Ảnh: MT.
Đoàn chúng tôi đang trải nghiệm tắm rừng bằng cách ngồi thiền dưới một gốc nghiến cổ thụ. Ảnh: MT.

Với việc thực hành tắm rừng như đi bộ trong rừng, hít thở sâu, ôm cây, thiền nằm, ngồi ngâm chân dưới dòng nước mát lạnh và lắng nghe âm thanh nước chảy và môi trường, âm thanh tự nhiên trong khu rừng. Hít thở sâu và hòa mình vào thiên nhiên, bỏ qua hết mọi lo âu…Liệu pháp tắm rừng còn thúc đẩy hệ miễn dịch, tăng cường thể lực, tăng cảm giác thư thái, giảm stress… Ngoài ra tắm rừng còn có tác động to lớn đến mức cải thiện tâm trạng của bản thân, giúp bạn bớt gắt gỏng về mọi mặt”…

Ngồi thiền dưới gốc một cây nghiến to chừng 5 - 6 người ôm, giữa rừng nghiến ngàn năm tuổi ở Na Hang (Tuyên Quang), tiếng từ cái loa bluetooth vang lên dìu dặt đã đưa chúng tôi về những miền cảm xúc nhẹ nhàng như tiếng của một chiếc lá rơi, tĩnh như mặt một cái hồ nhỏ mùa gió lặng. Khổng Hồng Đào-hướng dẫn viên của Na Hang tour, một anh chàng có chất nghệ sĩ với chỏm tóc để dài, uốn nắn lại cho cả đoàn cách ngồi thẳng lưng, nhắm mắt, hít thở sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng thật đều, thật khẽ.

“Con đường ngắn nhất kết nối với vũ trụ chính là thông qua một khu rừng hoang dã và tôi không thể đồng ý hơn. Tắm rừng là một phương thức đơn giản nhưng hiệu quả để kết nối bản ngã của bạn trong môi trường tự nhiên. Nó dựa trên một ý tưởng độc đáo mà ngàn xưa của loài người đã từng làm, ở trong một khu rừng tốt cho chúng ta. Thực hành tắm rừng vô cùng đơn giản, tất cả những gì bạn cần là một địa điểm yên tĩnh và tập trung vào giây phút hiện tại.

Và rồi chúng ta bước đi với sự cảm nhận mỗi bước chân. Khi bạn bước đi hãy để các giác quan của bạn tự do mở rộng, lắng nghe các âm thanh huyên náo, thú vị của rừng, chú ý làn gió lướt nhẹ qua và tiếng chim hót xung quanh hay những tán cây đang chơi đùa với ánh sáng.

Khi bước đi tiếp tục, bạn bắt gặp những cảnh đẹp choáng ngợp với những cây cổ thụ khổng lồ, bạn hãy dừng chân lại và ôm cái cây lớn đó một lúc, cảm nhận mùi hương từ vỏ, sự to lớn tươi mát của thân cây. Giây phút này bạn cảm nhận trọn vẹn được sức sống mãnh liệt của cây…”.

Cả đoàn đang dùng tay đo một gốc nghiến cổ thụ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cả đoàn đang dùng tay đo một gốc nghiến cổ thụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Âm thanh nhân tạo từ cái loa rồi cũng tắt, chúng tôi lại chìm đắm trong bản hòa ca của tiếng gió thổi qua vòm lá, tiếng ve rừng râm ran, tiếng chim rừng véo von, tiếng của những con côn trùng rừng nỉ non không ngừng. Chạm khẽ vào một cái cây, hít hà một mùi hương, sờ vào một giọt nước còn đọng lại trên lá, mọi giác quan vốn quen thuộc bỗng trở nên tươi mới.

Anh Khổng Văn Quang - Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Na Hang - một thành viên trong đoàn kể cho chúng tôi nghe về những mộc tinh, tức những cây lâu năm mà tích tụ được nhiều linh khí, điều này rất khó lý giải bằng logic khoa học: “Trước, tại một tổ dân phố của thị trấn Na Hang có gia đình vào đây chặt một cây gỗ trai về làm nhà. Về sau người trực tiếp chặt cứ đến mùa là lang thang ngoài đường nhặt lá, còn con cái của anh dù đẹp trai, xinh gái nhưng rất khó lập gia đình, mà hễ lấy về là bị bỏ. Dân làng bảo bởi anh đã dám phạm vào một mộc tinh.

Hay đợt làm hồ thủy điện Na Hang, có gia đình ở Bắc Ninh lên mua ba cây giăng bị ngập nước. Họ nhổ một cây lên trước, đem về tàu, không hiểu sao dọc đường chở tàu chìm, phải lên đền Pác Tạ để khấn, xin rồi hiến tiền xây mới cái cổng, còn hai cây còn lại cũng không dám nhổ. Thế mà về sau người đó vẫn bị phá sản, phải đi tù”…

Sau khi thiền, chúng tôi giang tay để ôm lấy gốc nghiến ngàn năm tuổi, tưởng như được chạm vào linh hồn của rừng thiêng, xin được mẹ thiên nhiên tiếp thêm sức mạnh và sự can đảm để bước tiếp cõi người đầy cam go, khó nhọc. Đi giữa rừng già sâu thẳm, tôi bỗng thấy sự đồng cảm với tổ tiên hàng chục ngàn năm thủa trước, khi hãy còn ở trong hang, trong hốc. Gánh nặng trên vai tôi như được trút bỏ, thể xác nhẹ nhàng, còn tâm hồn chợt thơ thới, an nhiên. Phút giây rảnh rỗi, hai cô gái trong đoàn còn giở sách ra ngồi đọc giữa một cái hốc cây khổng lồ. Có lẽ bài học lớn nhất mà rừng già dạy cho họ là phải yêu quý từ ngọn cỏ trở đi.

Nguyễn Thị Cẩm Ly - Giám đốc HTX Cam sành Sơn Nữ đọc sách để tĩnh tâm dưới một hốc cây. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nguyễn Thị Cẩm Ly - Giám đốc HTX Cam sành Sơn Nữ đọc sách để tĩnh tâm dưới một hốc cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thuật ngữ “Shinrin-yoku” bắt nguồn từ Nhật, có nghĩa là “đắm chìm trong bầu không khí rừng rậm”. Phương pháp này bắt đầu vào năm 1982 khi Bộ Nông nghiệp Nhật khuyến khích người dân kết hợp cùng hòa hợp với thiên nhiên như một hình thức trị liệu cảm xúc, hàn gắn các vết thương tâm hồn. Theo tạp chí Sức khoẻ Môi trường và Y học Dự phòng của Nhật, những nhà nghiên cứu tiến hành các thí nghiệm thực tế tại 24 khu rừng khác nhau trên khắp cả nước với sự tham gia của 280 người và có đối chứng. Những người dành thời gian trong rừng có mức cortisol, huyết áp thấp hơn, nhịp tim giảm, căng thẳng giảm. Từ đó phương pháp này bắt đầu lan sang một số nước khác.

Tắm rừng trên thuyền giữa lòng hồ thủy điện

Tình cờ thế nào chúng tôi lại gặp đoàn khách của kho bạc tỉnh Kon Tum và mời họ cùng trải nghiệm một buổi thiền ngay trên lòng hồ thủy điện Na Hang.

Giữa cảnh núi sông thủy tú đẹp như một bức tranh thủy mặc, trong âm thanh của những tiếng sóng vỗ mạn thuyền, Nguyễn Thị Cẩm Ly - Giám đốc HTX Cam sành Sơn Nữ, nhà ở thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang trải lòng: “Trước đây em nghĩ trầm cảm chỉ có ở trên ti vi thôi, gia đình mình chắc sẽ không ai bị, nhưng hóa ra nó lại rất gần mình. Nó từ những tích tụ bực dọc hàng ngày, từ những stress nên bệnh này khá phổ biến.

Trong gia đình em cũng có người thân là mẹ bị trầm cảm sau sinh vì căng thẳng về cân nặng của bé và vì những lo lắng trong cuộc sống khiến càng thêm mất ngủ. Vào những thời điểm đó, em đã ra trường đi làm và bắt đầu khởi nghiệp nhưng phải chăm mẹ trầm cảm nằm trong Bệnh viện Bạch Mai, chăm bố mổ mắt trong Bệnh viện Mắt.

Khi bố mẹ đỡ thì bản thân em cũng bị stress luôn. Một người chị đã đưa em đến Thiền viện Trúc Lâm, được tiếp cận với Phật pháp, được nghe các sư thầy giảng giải, tháo gỡ cho những nút thắt, bế tắc, để quay lại với cuộc sống bình thường, vừa cùng bố mẹ vượt qua nghịch cảnh, vừa vươn lên trong sự nghiệp của mình.

Việc xả stress hàng ngày, thư giãn tinh thần, detox tâm trí thực sự là rất quan trọng. Nếu như mỗi người, mỗi ngày dành ra 15 - 20 phút để tĩnh tâm thì sẽ không bị tích tụ stress, không xảy ra những điều đáng tiếc”. Ly đang nói mà nước mắt chợt ứa ra, những ký ức buồn đau tưởng như đã vùi sâu trong lòng bỗng dưng trỗi dậy vì có sự đồng cảm.

Đoàn khách trải nghiệm tắm rừng bằng cách ngồi thiền ở trên thuyền, giữa lòng hồ thủy điện. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đoàn khách trải nghiệm tắm rừng bằng cách ngồi thiền ở trên thuyền, giữa lòng hồ thủy điện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lấy tay quẹt ngang dòng nước mắt, Ly nói tiếp: “Ở Nhật có nhiều người tự tử và nhiều nước khác nữa cũng thế, trầm cảm, stress đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Tắm rừng tức Shinrin-yoku là khái niệm của người Nhật. Em được thực hành tắm rừng khi ở Thiền viện Trúc Lâm, tuy nhiên chưa bao giờ được trải nghiệm thực tế nó ngay tại quê hương Na Hang mình.

Vừa rồi, nhờ TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn về du lịch nông nghiệp giới thiệu nên em đã có chuyến trải nghiệm lần thứ nhất, còn đây là chuyến thứ hai. Nó gợi cho em ý tưởng về phát triển thêm về một loại hình du lịch trải nghiệm mới, vừa thêm sinh kế cho bà con, cũng vừa thêm thu nhập cho những cán bộ trong hệ sinh thái này. Tiềm năng là rất lớn bởi khách du lịch cuối tuần lên Na Hang rất nhiều.”.

Trương Thị Thùy Vy, 32 tuổi, cán bộ kho bạc tỉnh Kon Tum thì nêu cảm tưởng: “Em rất bất ngờ vì không nghĩ hôm nay lại có được một trải nghiệm đặc biệt như vậy. Em có một người bạn dạy về kỹ năng sống, có một nhóm bạn bè cùng trao đổi về thiền, thỉnh thoảng lại lên youtube tìm hiểu thêm chút ít để tĩnh tâm, nhưng tắm rừng như thế này là lần đầu tiên. Cuộc sống của người thành phố dễ bị áp lực, stress về gia đình, về công việc nên tắm rừng là cơ hội để thư giãn, tĩnh tâm. Dù trong thời gian ngắn ngủi 20 phút như thế này, em có thể chưa thấy nhiều tác động nhưng nếu kéo dài hơn, thường xuyên thì có lẽ rất tốt”.

Bà Nguyễn Thị Phương Ngàn, 63 tuổi, cán bộ hưu trí hiện sống ở TP Phủ Lý, Hà Nam cho hay: “Tôi chưa đi sâu vào thiền mà chỉ thỉnh thoảng bắt chước người ta làm thôi, đây là lần đầu tiên thiền thực sự, lại giữa cảnh thiên nhiên thế này. Ở đây có bầu không khí sạch sẽ, mát mẻ, lại với tâm trí đi chơi, không vướng bận nên tôi cảm thấy trong người thoải mái, nhẹ nhàng hơn hẳn”…

Đoàn khách đang trong trạng thái thiền ngay trên thuyền giữa lòng hồ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đoàn khách đang trong trạng thái thiền ngay trên thuyền giữa lòng hồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngay cả hai hướng dẫn viên đã theo đoàn trải nghiệm từ thiền trong rừng ra đến thiền ngoài hồ thủy điện cũng bày tỏ sự ấn tượng. Nguyễn Thị Khiết, hướng dẫn viên du lịch tự do tại Na Hang, chia sẻ: “Bản thân em là hướng dẫn viên mà mới chỉ được vào rừng nghiến có 2 lần, giờ mới biết đến hoạt động tắm rừng này đặc biệt này. Bình thường, khi em đưa khách đến vùng lòng hồ họ cũng rất muốn tham quan rừng nhưng trở ngại là chưa được phép, là phải có đồ bảo hộ, và các lối lên xuống cũng chưa có, chưa làm được các biển chỉ dẫn, chưa có được các thông tin về những loại cây trong rừng...”.

Anh Khổng Hồng Đào thì thông tin đơn vị Na Hang tour của đang khai thác du lịch trải nghiệm lòng hồ, photo tour, khám phá thác, rừng và đời sống nông nghiệp, thường mỗi chuyến 2 - 3 ngày: “Ở thành phố cuộc sống bộn bề, về Na Hang chỉ cần ngồi trên thuyền đã thấy thư thái vì được nghe tiếng chim hót, được cảm nhận làn gió mát thổi qua. Nhưng ít người được vào rừng trải nghiệm bởi đây là rừng đặc dụng, chỉ có lực lượng chức năng mới được phép vào, còn người bình thường thì cấm, nếu muốn phải xin phép kiểm lâm hay Ban quản lý rừng. Những tour du lịch vào rừng để thiền như thế này trong tương lai theo em sẽ rất phát triển, bởi khi về với thiên nhiên khách sẽ cảm thấy tinh thần thư thái hơn và những cây cổ thụ thường tạo ra những nguồn năng lượng tích cực cho con người”.

Tắm rừng phải được chuẩn bị rất chu đáo về mặt hậu cần cũng như giáo dục ý thức bảo vệ hệ sinh thái cho du khách ví dụ như không khắc tên lên cây, không hút thuốc hay bỏ rác bừa bãi, để làm sao khi đã đi rồi chỉ để lại trong rừng những dấu chân.

Nguyễn Thị Khiết, hướng dẫn viên du lịch tự do tại Na Hang (bên phải) cùng Nguyễn Thị Cẩm Ly - Giám đốc HTX Cam sành Sơn Nữ (trái) đọc sách để tĩnh tâm dưới một gốc nghiến. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nguyễn Thị Khiết, hướng dẫn viên du lịch tự do tại Na Hang (bên phải) cùng Nguyễn Thị Cẩm Ly - Giám đốc HTX Cam sành Sơn Nữ (trái) đọc sách để tĩnh tâm dưới một gốc nghiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mở lối một hướng đi

Trạm kiểm lâm Bắc Vãng đóng trên một cái bè nổi nênh, cách rừng nghiến ngàn năm chừng 1 tiếng đi thuyền. Huyện Na Hang có 2 trạm và 3 chốt kiểm lâm đóng trên bè, giữa lòng hồ thủy điện như vậy. Bữa trưa ăn vội trên bè nhưng ngon tuyệt, ngạc nhiên là chỉ với đầu bếp “cây nhà lá vườn” là anh Thắng cùng với các nguyên liệu như cá lăng nuôi trên bè đem nướng, đem nấu canh, cùng ít rau thơm, rau muống được trồng trong thùng xốp.   

Ăn xong, anh Khổng Văn Quang - Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Na Hang đồng thời là Phó Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện kể, Ban tuy có con dấu, tài khoản nhưng chưa là chủ rừng vì chưa được cấp đất nên đang đề nghị tỉnh giải quyết.  Diện tích rừng quản lý của đơn vị gồm 33.000ha trong đó có 21.000ha rừng đặc dụng, 6.000ha rừng phòng hộ. Công chức kiểm lâm có 51 người và 55 nhân viên tuần rừng, với 8 trạm, 25 chốt. Mỗi chốt, trạm bố trí 3 người gồm 1 kiểm lâm và 2 nhân viên tuần rừng, mỗi tháng gọi anh em về họp giao ban 1 lần, có chỗ như Mu Măn phải đi bộ 8 tiếng liên tục, khi về chẳng muốn lên và khi lên chẳng muốn về nữa.

Một khu nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: Dương Đình Tường.
Một khu nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khi chính thức là chủ rừng, có nguồn tiền chi trả môi trường rừng gần 10 tỉ thì việc đầu tiên đơn vị sẽ hỗ trợ cho anh em cán bộ hợp đồng tuần rừng vì họ lương chỉ được 3,5 triệu mà tháng phải đi tuần 25 ngày, sau đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các chốt, trạm. Chúng tôi có ý tưởng phát triển du lịch rừng, đã xác định được 8 tuyến gồm bản Bung, Nạm Trang, Tát Kẻ - Khau Tinh, Lũng Vai, Bắc Vãng, Pù Pảo… Mỗi chốt sẽ bố trí 1 cán bộ chuyên về du lịch sinh thái để hướng dẫn khách đi rừng cũng như bố trí ăn, nghỉ cho họ.

Khi có du lịch, anh em sẽ gắn bó với rừng hơn vì có thể lo cho gia đình, đồng thời người dân sống ở gần đây cũng có thêm thu nhập từ việc đưa khách đi trải nghiệm, làm homestay hay trồng dược liệu ngay dưới tán rừng, lấy lá về phục vụ tắm, uống. Rừng ở đây có nhiều chỗ vẫn là nguyên sinh với các loại gỗ quý như nghiến, trai, đinh, sến, hoàng đàn, bách xanh mà đặc trưng nhất là nghiến, cây to nhất chu vi cỡ 8m, tuổi cỡ vài ngàn năm, còn phổ biến là chu vi 3 - 4m, hàng ngàn năm tuổi, đều như những bó đũa, nhiều không đếm được.

Đối với rừng đặc dụng giờ đang nghiêm cấm tất cả những hành vi kể cả là du lịch nếu chưa được cấp có thẩm quyền cho phép như UBND tỉnh nếu rừng thuộc tỉnh, hay Trung ương nếu rừng thuộc cấp đó. Mình đang đi đoàn này là do UBND huyện có ý kiến, rồi kiểm lâm cho phép, còn không chạm tới cửa rừng là bị xử phạt ngay. Bởi thế tiềm năng du lịch rừng vẫn còn đang bị bỏ ngỏ. Một khi đã xác định tua, tuyến thì phải quy hoạch rồi đề ra các quy định để quản lý, mà nhất là phải giảm được các thủ tục rườm rà cho khách vào rừng”...

Anh Tô Viết Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Na Hang: 'Muốn làm du lịch phải có phương án phát triển lâm nghiệp bền vững, phân rõ khu, điểm nào sẽ làm gì, ai chịu trách nhiệm'. Ảnh: Dương Đình Tường.
Anh Tô Viết Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Na Hang: "Muốn làm du lịch phải có phương án phát triển lâm nghiệp bền vững, phân rõ khu, điểm nào sẽ làm gì, ai chịu trách nhiệm". Ảnh: Dương Đình Tường.

Mang nỗi trăn trở của Na Hang - Lâm Bình trước đây vốn là một, giữ rừng rất tốt nhưng dân vẫn rất nghèo, sớm hôm sau, tôi cùng trò chuyện với anh Tô Viết Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Na Hang, một lãnh đạo thuộc thế hệ 8X: “Tỷ lệ nghèo của Na Hang hiện đang hơn 50% nhưng chúng tôi không chỉ thấy mỗi sự khó khăn mà còn có cả sự thuận lợi, vẫn đề chỉ là bước đi cụ thể và đầu tư mà thôi. Địa hình Na Hang chủ yếu là rừng, núi nhưng về tính đa dạng sinh học thì cần phải điều tra, khảo sát lại để biết được chính xác hơn nữa mình đang có cái gì, chứ những đợt khảo sát trước đã cách đây lâu lắm rồi.

Cơ cấu kinh tế nếu nguyên nông nghiệp thì không thể thoát nghèo được, bởi vậy mục tiêu của huyện là chuyển hướng dịch vụ trước, theo từng cụm xã, từng vùng ưu tiên. Có hai thứ chi phí nhà đầu tư luôn lo khi đến với Na Hang là chi phí tiếp cận đất đai và chi phí vận tải do đường xá xa xôi, khó khăn, giai đoạn trước vẫn bí nhưng sau năm 2020 chúng tôi đã tháo gỡ từ Luật đất đai, Luật Lâm nghiệp, còn về giao thông phần đó đã có trung ương, tỉnh lo.

Với ngành du lịch, chúng tôi xác định thứ nhất là bình dân kiểu homestay để bước đầu cho dân làm quen, phát triển kinh tế hộ, sau đó là các dịch vụ cao cấp như các dự án với quy mô đất hợp lý, định hướng phố trong rừng. Chúng tôi hướng tới những sản phẩm mới như hoạt động “tắm rừng” mà hôm qua các anh đã đi trải nghiệm, du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch homestay và đặc biệt là phát triển kinh tế đêm để ngày khách đi tham quan, tối về vẫn có nơi trải nghiệm.

Riêng về hoạt động du lịch rừng, Luật Lâm nghiệp quy định không được tác động, xâm phạm thì phải hiểu là không gây thiệt hại cho rừng, chứ không phải là cấm vào. Khách vào rừng để hưởng không khí trong lành, ngắm cây chứ họ không làm gì gây tác động tiêu cực cả, mà chỉ cộng hưởng, gia tăng giá trị cho rừng. Muốn làm thế tỉnh cần cho làm phương án phát triển lâm nghiệp bền vững, phân rõ khu, điểm nào sẽ làm gì, ai chịu trách nhiệm. Đây là mấu chốt để giải quyết tất cả các loại rừng, đảm bảo phát triển hài hòa về tổng thể”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất