, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 01/12/2021, 10:00

Tamay And Me

THẢO LƯ
Tamay and Me, thương hiệu thời trang sinh thái được tạo dựng bởi Hannah - nhà nhân chủng học người Anh và Tả Mẩy vào năm 2008. Thời gian đầu, họ chỉ tập trung vào các trang phục thuần túy của người Dao đỏ.
Hannah Cowie tạo nên góc nhìn khác về sự giao thoa của văn hóa truyền thống với thời trang hiện đại.

Ở thôn Lủ Khấu, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Lý Tả Mẩy, người phụ nữ dân tộc Dao đỏ bao nhiêu năm chỉ dệt áo mặc cho mình, gia đình và mang lên bán ở chợ Sa Pa. Cho đến ngày Hannah Cowie, một người phụ nữ Anh, tìm đến và nói rằng, những chiếc áo của bà rất hợp goût châu Âu. Cô lập giúp Tả Mẩy tài khoản Tamay and Me (Tả Mẩy và tôi) trên các mạng xã hội Instagram, Facebook và trang web tamayandme.com, đầu tư chụp ảnh thật đẹp và làm thương hiệu.

Vẫn chiếc áo cánh bình dị của người Dao đỏ, hóa ra lại có thể khiến người ta trở nên hiện đại như thế. Hannah đã cải tiến một chút, chiếc áo truyền thống tà kéo lại, hoa văn vẽ lại một chút, và gọi đó là áo cải biên. Những chiếc áo đó đã mở ra thị trường tiêu thụ mới cho Tả Mẩy. Không chỉ quần, áo, Hannah còn giúp Tả Mẩy thiết kế đa dạng sản phẩm như: gối dựa, đệm, khăn trải giường, khăn quàng… Tả Mẩy nói bà vẫn gửi hàng đều đặn đi châu Âu.

Tamay and Me, thương hiệu thời trang sinh thái được tạo dựng bởi Hannah - nhà nhân chủng học người Anh và Tả Mẩy vào năm 2008. Thời gian đầu, họ chỉ tập trung vào các trang phục thuần túy của người Dao đỏ. Nhưng đến năm 2015, họ quyết định chuyển hướng: kết hợp những loại vải dệt từ thủ công truyền thống và các chi tiết thêu tinh tế với các thiết kế mới để tạo nên góc nhìn khác về sự giao thoa của văn hóa truyền thống với thời trang hiện đại.

Hannah Cowie xuất thân trong một gia đình làm trong ngành quảng cáo tại London, tốt nghiệp ngành nhân chủng học. Cô đặc biệt yêu thích dệt may, thời trang, thiên nhiên và cả yoga nữa. Năm 2008, 24 tuổi, Hannah đã gặp Tả Mẩy trong chợ Sa Pa. Và ngay lập tức cô bị cuốn hút bởi bộ quần áo với các chi tiết thêu nhỏ lạ thường trên trang phục của Tả Mẩy. Hannah nhớ lại: “Cô ấy hỏi tôi có muốn học thêu không? Ngay lập tức, tôi trả lời có với niềm vui mừng khôn siết. Chúng tôi đã cùng ngồi với nhau suốt ba tháng. Tả Mẩy đã dạy tôi một cách kiên nhẫn và tỉ mỉ. Tôi là người nước ngoài đầu tiên học hỏi ở mức độ sâu như thế: từ trồng lanh, tước sợi, dệt vải, nhuộm chàm đến thêu hoa văn. Tôi đã mất một năm để thuần thục kỹ năng nghề nghiệp và được dân bản chấp nhận như một phần của cộng đồng.”

Một số sản phẩm của Tamay and Me.

Theo phong tục từ xưa, con gái người Dao trước khi lấy chồng phải biết dệt vải, nhuộm chàm, may, thêu để tự làm váy cưới cho mình. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái đã được mẹ dạy cách thêu, từ những công đoạn giản đơn đến phức tạp, từ những chi tiết nhỏ đến cách nhuộm lại tấm áo chàm cho mới khi nó đã bạc màu. Do đó, các cô gái tự tay thêu, may những bộ quần áo của mình để mặc lúc ở nhà, lên nương, đi chợ, đám cưới...

Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thêu thổ cẩm là sợi cây lanh. Để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính, gồm: trồng lanh, tuốt lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm vải rồi thêu. Có vải, người phụ nữ may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình, như: chăn, địu, áo gối, tấm trải giường... Bộ trang phục phụ nữ thường được các mẹ, các chị may, thêu lúc nông nhàn. Nếu làm tập trung cũng có thể phải đến ngót hai năm mới hoàn thành. Riêng thời gian thêu cũng có thể phải đến năm, sáu tháng.

Ông Bàn Tuấn Năng, Tiến sĩ Nhân học, công tác tại Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nói: “Hình bông hoa tám cánh hay còn gọi là hoa mào gà xuất hiện trên khăn đội đầu và vạt áo của nữ Dao đỏ. Hoa văn này có nghĩa là cầu mong may mắn. Trong các mô típ hoa văn của người Dao, motif này cùng với mô típ cây thông được thể hiện thành mảng rộng và rõ nét nhất. Còn trên tạp dề của cô dâu Dao đỏ thêu nhiều mảng hoa văn, nhưng nổi bật và rõ nhất là hoa văn hình cây thông. Hoa văn hình cây thông chỉ thấy xuất hiện trên tạp dề của cô dâu Dao đỏ, không xuất hiện trên loại trang phục nào khác của người Dao. Đây là niềm mong muốn cho cặp vợ chồng trẻ sau ngày cưới sẽ hạnh phúc và gặp thuận lợi trong quá trình chung sống.”

Nhóm Dao đỏ trang trí trên trang phục có những mô típ là hoa văn hình chữ vạn đơn và chữ vạn kép, hoa văn này được thêu trên gấu quần nữ. Người Dao thêu chữ vạn lên trang phục thể hiện mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Mô típ hình đồng xu thêu thành dải liên tiếp nhau chạy hết chiều rộng của váy. Đây là niềm mong ước về sự thịnh vượng, mong muốn cuộc sống no đủ, tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, còn có hoa văn hình cây, hoa văn hình sóng nước, xương cá, con nhện... như lời nhắc nhở của thế hệ trước tới thế hệ sau hãy luôn ghi nhớ quá trình thiên di của tổ tiên, hăng say lao động, vươn lên trong cuộc sống.

Ngày trước người ta chọn dâu, chọn vợ là nhìn vào tấm vải, đường kim. Nhìn vào quần áo là biết được người con gái đó có khéo léo hay không, có được bà, mẹ dạy dỗ cẩn thận không. Trong các sản phẩm thêu, thêu lâu và khó nhất là bộ quần áo, thêu liên tục trong vòng một năm mới xong; còn thêu tấm quấn chân cũng mất gần hai tháng mới hoàn thành.

Lý Tả Mẩy nhuộm và thêu quần áo truyền thống

Hannah đã từng bán các sản phẩm dệt may truyền thống của người Dao ở Anh. Nhưng dần dần cô nhận ra sản phẩm thuần truyền thống càng ngày càng khó kiếm và chất lượng giảm dần vì sợi tự nhiên bị thay thế bằng sợi tổng hợp. Cô luôn mong muốn sở hữu một thương hiệu thời trang hướng về đạo đức và bền vững. Khi Hannah gặp Tả Mẩy, mọi thứ được định hình rõ nét và Tamay and Me đã ra đời. Cô nói: “Chúng tôi có một chuỗi cung ứng hoàn toàn minh bạch. Chúng tôi không chỉ nhìn thấy giá trị từ góc độ kinh doanh, mà còn cả góc độ văn hóa. Chúng tôi khuyến khích việc phát triển kỹ năng truyền thống và chia sẻ những câu chuyện của người Dao thông qua trang phục - những sản phẩm nhuộm chàm tự nhiên và thêu tay tinh tế.”

Các thiết kế của Tamay and Me chủ yếu dựa trên các mẫu trang phục truyền thống vì chúng thực sự rất tiện dụng và linh hoạt. 100% sản phẩm không sử dụng hóa chất tẩy rửa. Mỗi thiết kế đều tận dụng tối đa lượng vải quý giá được dệt bằng sợi lanh hữu cơ và nhuộm chàm bằng tay. Về kiểu dáng, họ vẫn dựa trên mẫu cổ điển. “Chúng tôi có một nhà thiết kế rập xuất sắc - cô Laura Griffin - hiện sinh sống tại Anh. Cô giúp chúng tôi thực hiện mẫu cho bộ sưu tập mang tính phi giới tính ban đầu. Chúng tôi thường xuyên cộng tác với các thương hiệu khác có quan điểm và tầm nhìn tương tự về các sản phẩm chất lượng, bền vững. Đó là một điều sống động, chúng tôi thích hợp tác với các thương hiệu quần áo bền vững, các nhà sản xuất giày, trang sức và cả những nghệ sĩ,” Hannah nói.

Về đóng góp cho môi trường, cô quan niệm: Hữu cơ chắc chắn là tốt hơn cho môi trường. Chúng ta biết điều này đúng đối với thực phẩm và vì vậy cũng nên áp dụng cho thời trang và dệt may. Người tiêu dùng đang bắt đầu có nhu cầu về thời trang sinh thái. Chúng ta đã có thời gian tiếp cận rất nhiều kiểu dáng, chất liệu với giá thành rẻ và rất rẻ. Nhưng mọi chuyện đang thay đổi. Hiện tại, khách hàng quốc tế cho dòng sản phẩm của Tamay and Me vẫn chủ yếu ở London, New York, California và không quá nhiều ở châu Á. Hannah thực sự muốn thu hút những người trẻ tuổi quan tâm đến thế giới chúng ta đang sống và muốn tạo ra sự thay đổi tích cực thông qua việc lựa chọn mua hàng của họ.

“Chính cách Tả Mẩy và người Dao đỏ sống với thiên nhiên và với những nguồn lực mà họ có thể tiếp cận. Họ làm ra thức ăn, quần áo, vẻ đẹp, cộng đồng của riêng mình. Tôi cảm thấy chúng tôi, những con người từ vương quốc Anh đã mất rất nhiều thứ như vậy. Nguồn cảm hứng đã tràn đầy trái tim tôi khi thấy cách sống của cộng đồng người Dao,” Hannah nói.

Minh bạch và trách nhiệm trong sản xuất là một dạng mới của sang trọng trong thời trang. Trong tương lai Tamay and Me phát triển từ từ một cách bền vững, chia sẻ những kỹ năng tuyệt vời của người Dao đỏ. Họ có sáu thợ may làm việc cần mẫn và trung thành trong suốt ba năm qua, tất cả đều chọn làm việc tại nhà theo cách của riêng mình. Quan điểm sống của Hannah là đi chậm và làm mọi việc thật tốt, cố gắng sửa chữa những sai lầm. Cô nói rằng tất cả những điều này mình học được từ Tả Mẩy khi học thêu với bà ấy.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất