, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 01/02/2020, 11:05

Tản mạn chuyện chung nhau thịt heo ăn Tết

HỒ TÚ ANH
Chuyện chung nhau miếng thịt heo ngày Tết thời xưa trong xóm làng trở thành một nếp sinh hoạt thường niên, êm đềm, giản dị
Chuyện chung nhau miếng thịt heo ngày Tết thời xưa trong xóm làng trở thành một nếp sinh hoạt thường niên, êm đềm, giản dị.

Người ta rủ nhau chung thịt heo vì sợ heo đang tăng giá hằng ngày sau đại dịch tả lợn châu Phi, heo đang khan hiếm. Chung nhau thịt heo vì báo chí, ti-vi suốt ngày đưa thông tin: "Giá heo phi mã"," Vỡ trận giá thịt heo”, "Bộ Nông Nghiệp bị phê bình vì để thịt heo tăng giá"…

Nỗi lo của người tiêu dùng là đúng. Từ ngàn xưa con heo trong đời sống người Việt đã được đặc tả trong tranh Đông Hồ với hình ảnh “Mẹ con đàn lợn Âm Dương” quấn quýt bên nhau, biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc no đủ. Xã hội có hiện đại đến đâu, có nhiều phương thức thay thế đến đâu cũng không thể thay đổi được công thức gói bánh chưng ngày Tết mà ông cha ta đã đúc kết: “Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong”. Và cũng không ai muốn thay đổi nguyên liệu một món ăn được mệnh danh như "quốc hồn quốc túy" của người Việt: “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. Như vậy rõ ràng là khó có thể thay thế một loại thực phẩm khác cho thịt heo trong bữa ăn và chuẩn bị cho cái Tết của người Việt.

Người ta rủ nhau chung thịt heo còn ở một khía cạnh khác. Trong ma trận thực phẩm bẩn không biết đâu mà phân biệt nguồn gốc, để kiếm được một miếng thịt heo sạch ăn Tết không phải là dễ. Heo sạch ở đây có nghĩa là không có chất tăng trọng, chất cấm, thức ăn công nghiệp, dư lượng thuốc kháng sinh... Khi giá heo hơi 20.000 - 30.000 đồng/kg, người chăn nuôi còn chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe con người bằng kiểu nuôi heo với những phù phép độc hại, huống hồ khi giá heo phi mã lên cả gần trăm ngàn đồng một ký heo hơi thì có trời mà biết được người ta bỏ gì cho heo ăn, heo uống, miễn là heo tăng trọng vùn vụt, miễn là bán để lấy tiền.

Vì vậy, dân tình rủ nhau chung heo còn là để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và gia đình, cho một cái Tết an toàn thực phẩm. Thế mới biết câu chuyện chung nhau miếng thịt heo ngày Tết không phải đơn giản như hồi xa xưa... khi bố mẹ tôi cùng với hàng xóm rủ nhau chung heo là chung những niềm vui để chuẩn bị đón Tết, để gói bánh chưng, để có mâm xôi trắng, miếng thịt heo luộc dâng lên bàn thờ tổ tiên khi năm hết, Tết đến xuân về. Đó cũng chính là thời điểm mà trẻ con chúng tôi vui sướng nhất.

Nhà có tiền thì chia một phần tư con, nhà nghèo, đông con thì dăm ba ký, thiếu gì thì thiếu nhưng không thể thiếu thịt heo. Tôi nhớ như in có gia đình hàng xóm cạnh nhà cứ đến gần Tết là vợ chồng cãi nhau vì chuyện chung heo. Ông chồng thì muốn chung nhiều để dư dả cho con cái ăn, bà vợ tiết kiệm lúc nào cũng bớt lại. Thành thử trong nhà chia 2 phe, mấy đứa con bao giờ cũng đứng về phe bố hò hét cổ vũ để được chung thịt heo thật nhiều. Những tiếng hò reo thắng cuộc của bọn trẻ con hàng xóm cũng là âm thanh báo hiệu Tết đã sắp về trong ký ức tuổi thơ tôi.

Sung sướng nhất là chiều 27, 28 Tết, khi mà ngoài trời mưa bụi bay, gió xuân mang hơi lạnh của mùa đông, lùa hun hút qua các ngõ xóm, hoa cải vàng rực trong vườn, trẻ con chúng tôi chạy luồn từ nhà này qua nhà khác, áo bông quấn kín người, nghe tiếng lợn kêu eng éc, ở nhà nào là thi nhau chạy về hướng đó. Chúng tôi tụ tập, đứng chầu cả buổi, xem các cô các bác làm thịt lợn. Tiếng dao thớt, tiếng người nói cười râm ran đòi chia phần này phần kia, náo nức cả thôn xóm. Chúng tôi còn chen chúc bên bếp lửa hồng có nồi nước xáo luộc lòng lợn bốc hơi nghi ngút, mắt nhìn hau háu để chờ bố mẹ, ông bà đút vào mồm miếng phèo non hoặc xuýt xoa húp bát nước xáo trong niềm vui ngất ngây và nghĩ đến bữa cỗ chiều 30 Tết cùng với chiếc áo mới mẹ đã mua. Chuyện chung heo ngày xưa sao mà vui đến vậy.

Hồi đó rủ nhau chung heo ăn Tết, đâu có ai phải nghĩ đến heo sạch hay heo bẩn, không có khái niệm đó. Cũng đâu có ai phải nghĩ đến chuyện heo tăng giá hàng ngày. Vì cả năm nuôi một con heo trong gia đình được xem như là việc bỏ ống tận dụng nguồn thức ăn trong nương vườn như ngô xay, cám gạo, rau lang, bèo vớt dưới ao, nước vo gạo hàng ngày, bã hèm nấu nồi rượu… Heo thì nhốt chung với bò. Mùa đông, mùa hè đều có rơm rạ rải chuồng để bò nằm nhai, heo thì ủi trong trong tro, trong trấu… Thế mà có dịch bệnh gì đâu. Cả năm chưa bán heo, nhưng mẹ đã nghĩ đến sắm áo Tết cho con, công to việc lớn trong nhà cũng đều nhìn vào tiền bán heo. Giá heo thì trong làng trong xóm bán như nhau, không ai lo tăng giá.

Chuyện chung nhau miếng thịt heo ngày Tết thời xưa trong xóm làng trở thành một nếp sinh hoạt thường niên, êm đềm, giản dị như thói quen tằn tiện chắt chiu của người nông dân Việt. Nếp sinh hoạt đó cũng là niềm vui để kết thúc một năm cũ, với bao nhọc nhằn lo toan vì mưu sinh để chuẩn bị bước vào một năm mới với niềm tin mùa màng thắng lợi, mưa thuận gió hòa.

Chuyện chung heo ăn Tết ngày nay sao lại nhiều nỗi lo, sự đề phòng thật giả đến như vậy! Ngẫm cho cùng những gì thuận theo tự nhiên trong chăn nuôi, trồng trọt như ông cha ta xưa đều đem đến cho con người sự bình an, thanh thản.

Ước như khi Tết đến xuân về, ta lại được sống niềm vui thủa ấu thơ: rủ nhau chung heo ăn Tết là khi mùa xuân đã về trước ngõ, giũ bỏ đi những lo toan thật - giả, sạch - bẩn phía sau mình!

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất