, //, :: GTM+7

Tàn tạ những vùng cam một thời nức tiếng xứ Nghệ

DOÃN TRÍ TUỆ
(nongnghiep.vn)
Những năm gần đây, mùa cam ngọt đang dần trở thành 'mùa chua xót' bởi cam vàng lụi, xác xơ, sống dở chết dở… được người dân chặt phá để trồng lại cây khác.

Từ khoảng năm 2020 về trước, ở vùng đất Phủ Quỳ bao gồm các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hoà và vùng đất Bãi Phủ thuộc huyện Con Cuông (Nghệ An), người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều gia đình xây được nhà mới, mua sắm nhiều xe ô tô nhờ vào cây cam. Thế nhưng những năm gần đây, mùa cam ngọt đang dần trở thành “mùa chua xót” bởi hàng trăm ha cam vàng lụi, xác xơ, sống dở, chết dở… được người dân chặt phá để trồng lại cây khác.

Một thời đổi đời nhờ cây cam

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi đến "nguyên quán" cây cam xã Đoài ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, nơi sản sinh ra giống cam xứ Nghệ nổi tiếng thơm ngon khắp thiên hạ đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Những vườn cam xã
Những vườn cam xã Đoài "chính hiệu" ở xã Nghi Diên (Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: Quang An.

Ông Phan Công Dương, Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, toàn xã hiện có 33ha cam trồng bằng giống cam “chính hiệu” xã Đoài ngày xưa để lại. Cây giống được trồng bằng phương pháp chiết cành, tuy năng suất không cao lắm, nhưng chất lượng quả cam vẫn giữ được bản chất thơm ngon vốn có như ngày xưa. Ở xã Nghi Diên, hầu như gia đình nào ít, nhiều đều trồng cam trong vườn nhà. Ngoài ra, trong xã còn có một số vườn cam, trang trại cam rộng từ 1 – 3ha của các ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phan Công Hưởng… vụ vừa rồi cho thu hoạch tiền tỉ.

Ông Phan Công Hưởng có 400 gốc cam đang cho thu hoạch, trung bình mỗi cây có ít nhất 150 quả, nhiều nhất 200 quả. Toàn bộ số cam này, ông Hưởng cho biết được khách đặt mua hết với giá rất cao mà không có nhiều cam để bán.

"Không phải chỉ có mùa cam vừa qua, mùa thu hoạch cam nào cũng vậy, cứ vào những ngày cuối năm là khách hàng từ nhiều tỉnh, nhất là Hà Nội vào tận nơi đăng ký mua hàng, đặt trả tiền cọc trước, sau khi thu hoạch xong thanh toán hết số tiền còn lại", ông Hưởng cho biết thêm.

Từ quả cam xã Đoài thơm, ngon ở xã Nghi Diên, tôi chợt nghĩ về "thủ phủ" cam Vinh của Nghệ An ở huyện Quỳ Hợp. Nơi này cách đây hơn chục năm, cây cam được xem là cây hái ra tiền, nhiều gia đình trở thành tỉ phú nhờ cam. Ông Phạm Quốc Khánh ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp kể: "Gia đình trồng 3ha cam từ năm 2010, năm 2014 cho thu hoạch khá, năng suất đạt bình quân 30 tấn quả/ha, giá bán lên đến 50.000 – 70.000 đồng/kg, thu về tiền tỉ. Đang nói chuyện với chúng tôi, ông chỉ tay vào căn nhà mình đang ở và nói, căn nhà này mới xây dựng năm 2016 hết 1,7 tỉ đồng, xe ô tô mới mua, con cái học hành…, tất cả đều nhờ vào cây cam Vinh.

Dù năng suất không cao, nhưng cam xã Đoài
Dù năng suất không cao, nhưng cam xã Đoài ở xã Nghi Diên còn giữ được chất lượng nguyên bản rất tuyệt hảo. Ảnh: Quang An.

Ông Nguyễn Văn Dũng, từng là Chủ tịch UBND xã Minh Hợp giai đoạn vàng son của cây cam ở vùng đất này và nay ông là Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Thời điểm từ năm 2020 trở về trước, toàn xã có tới 1.700ha cam của hơn 1.200 hộ dân. Cam là cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập cao nhất cho bà con nông dân ở đây, nhà trồng nhiều thu về tiền tỉ, nhà trồng ít cũng thu về hàng trăm triệu đồng.

Nhờ cây cam mà tỉ lệ hộ nghèo của xã từ trên 10%, nay xuống chỉ còn gần 3%. Đặc biệt, sau mỗi mùa thu hoạch cam, lại có thêm hàng chục nhà cao tầng mới, xe máy, xe ô tô… và nhiều trang thiết bị khác đắt tiền trong gia đình được mua sắm. Điều đó chứng tỏ cây cam một thời thực sự làm giàu cho địa phương này.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Quỳ Hợp, thời kỳ vàng son, diện tích cam của huyện phát triển rất nhanh, từ 400ha năm 2011, đến năm 2018 và 2019 đã lên đến gần 2.800ha, chiếm 50% tổng diện tích cam cả tỉnh và trở thành cây trồng chủ lực của huyện, mang lại hiệu quả cao nhất so với tất cả các loại cây trồng khác trên địa bàn. Với năng suất bình quân từ 25 – 30 tấn quả/ha, sản lượng đạt xấp xỉ 70.000 tấn quả/năm, mang lại doanh thu hàng ngàn tỉ đồng.

Tiêu điều những vùng cam...

"Thủ phủ" cam Quỳ Hợp một thời nổi tiếng là vùng cam vừa nhiều, vừa thơm ngon, vừa có giá bán phải chăng, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng, nhưng nay đã trở thành vùng cam “chua xót”, ngoài sức tưởng tượng của người dân ở đây.

Đến thăm vườn cam của gia đình bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, vườn cam khá rộng, năm 2022, có rất nhiều cây đã được chặt bỏ, còn lại chỉ khoảng 100 cây, đa phần xơ xác, còi cọc, trông thật điêu tàn. Bà Hiền cho biết, những cây đã chặt bỏ là những cây bị bệnh vàng lá, thối rễ nặng, không còn có khả năng chăm sóc, khôi phục lại được. "Năm 2023 này, chúng tôi sẽ chặt bỏ hết cam để trồng mía, hoặc trồng ngô, sau 2 – 3 năm nữa lại tiếp tục trồng cam", bà Hiền cho biết.

Những vườn cam ngày càng xác xơ, tiêu điều do nhiễm bệnh ở huyện quỳ Hợp. Ảnh:
Những vườn cam ngày càng xác xơ, tiêu điều do nhiễm bệnh ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Quang An.

Nói về tình trạng cây cam đã và đang bị người dân chặt bỏ hàng loạt, khiến diện tích cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp giảm mạnh từng năm, ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Huyện Quỳ Hợp có vùng đất đỏ bazan tốt, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả và từ lâu cây cam đã được bà con nông dân trồng nhiều, cho thu nhập khá. Năm 1997, cam Quỳ Hợp được cấp chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Thời hoàng kim, Quỳ Hợp có tới 2.800ha cam, nay chỉ còn lại 228ha, quả thật đáng buồn!

Không riêng gì ở Quỳ Hợp, ở huyện Con Cuông từ những năm 2018, 2019 trở về trước, toàn huyện đã có trên 500ha cam, nhiều hộ gia đình khấm khá nhờ nguồn thu nhập từ cây cam, nhưng diện tích của của huyện những năm gần đây đã tàn lụi thảm hại. Ông Lê Trung Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê (huyện Con Cuông) cho biết, diện tích cam của xã hiện nay không còn bao nhiêu nữa, bởi vài năm trở lại đây, cây cam bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, rụng quả, cây xơ xác, không còn khả năng khôi phục lại được nên người dân đã chặt bỏ gần hết. Thậm chí có những vườn cam mới trồng được 2 – 3 năm cũng bị bệnh phải chặt bỏ luôn để trồng lại cây khác.

Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Con Cuông cho biết, theo thống kê, tính đến năm 2022, toàn huyện ước có 451ha cam (?), nhưng diện tích cam thực tế hiện tại còn lại bao nhiêu chưa thống kê được chính xác, vì có rất nhiều hộ dân ở các xã có trồng cam đã và đang tiếp tục chặt bỏ để lấy đất trồng cây khác...

Thực tế những năm gần đây, diện tích cam ở Nghệ An ngày càng giảm, nhất là diện tích cam ở thời kỳ kinh doanh giảm mạnh do vừa bị bệnh, vừa đầu tư chăm sóc kém nên tàn lụi nhanh chóng.

Nông dân
Nông dân "vô phương cứu chữa" vì những vườn cam bị nhiễm bệnh nặng. Ảnh: Quang An.

Theo kết quả điều tra khảo sát của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An và báo cáo của UBND các huyện, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An có 5.464ha cam, giảm 692ha so với năm 2018. Trong đó cam kinh doanh có 3.230ha. Đến đầu năm 2021, tổng diện tích cam toàn tỉnh còn lại 4.702ha, trong đó diện tích cam đang thời kỳ kiến thiết cơ bản là hơn 1.251ha, diện tích cam kinh doanh hơn 3.450ha. Diện tích cam phải chặt bỏ từ cuối năm 2020 – 2021 là gần 615ha.

Kết quả đánh giá tình trạng phát triển cây cam ở các vườn cam trên phạm vi toàn tỉnh do Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An tiến hành cho thấy: Đối với cây cam ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, có 60% diện tích phát triển tốt; 24,1% diện tích phát triển trung bình; 6,2% phát triển kém và có nguy cơ phải chặt bỏ vì nhiễm bệnh nặng.

Đối với cây cam ở thời kỳ kinh doanh, có 52,7% diện tích cam phát triển khá tốt; 31% diện tích phát triển trung bình và 15,8% có nguy cơ phải chặt bỏ sớm. Đặc biệt, đáng lo nhất, có hơn 80% diện tích cam kinh doanh và trên 50% diện tích cam đang thời kỳ kiến thiết cơ bản tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông… đang có biểu hiện suy thoái nặng cả về sinh trưởng, phát triển, chất lượng quả giảm mạnh, vì vậy chắc chắn sớm muộn gì cũng bị chặt bỏ để trồng cây khác.

Làm gì để vực lại thời vàng son?

Hiện tượng cây cam ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An tàn lụi dần, dẫn đến phải chặt bỏ để trồng lại cây trồng khác đã được các cơ quan chuyên môn và một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp từ trung ương đến tỉnh khẳng định do mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Những vườn cam tàn tạ, chờ được chặt đi để trồng cây khác.
Những vườn cam tàn tạ, chờ ngày "khai tử" để trồng cây khác. Ảnh: Cao Sơn.

Một: Do "bất cần" trong khâu lựa chọn cây giống khi mua về trồng, nên đã trồng phải cây giống không sạch bệnh. Phần lớn những vườn cam bị chặt bỏ vừa qua đều được mua cây giống trôi nổi trên thị trường, nên sau khi trồng được một thời gian thì bị bệnh, làm tàn lụi cả vườn cam.

Hai: Do chưa có một tổ chức nào, hay một cơ sở nào chịu trách nhiệm trong việc tuyển chọn cây giống đầu dòng, nhân giống từ cây đầu dòng để từ đó lấy mắt ghép phục vụ nhu cầu sản xuất cây giống cung cấp cho các trang trại cam, vườn cam của các hộ dân.

Ba: Do chưa làm tốt công tác quản lý thị trường giống cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng. Từ đó, các cơ sở tư nhân tự do sản xuất cây giống một cách vô tội vạ, không theo một quy trình khoa học nào cả và sản phẩm làm ra được bán tràn lan trên thị trường không ai ngăn cấm.

Bốn: Do chưa thực hiện tốt quy trình canh tác cây cam từ khi trồng đến thu hoạch qua các năm. Trong đó chủ yếu là đầu tư phân bón chưa đủ, lại bón chủ yếu phân hoá học, nhiều nhất là phân đạm, rất ít hoặc không có phân hữu cơ (bao gồm phân chuồng và phân xanh các loại).

Năm: Do chưa quan tâm đúng mức việc tiêu thoát nước trong vườn cam, nhất là các vườn cam trồng ở những bãi đất thấp dưới chân đồi núi dễ bị úng nước trong mùa mưa từ cuối tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Vì vậy trong mùa mưa ở Nghệ An, cũng là thời điểm nhiều cây cam, vườn cam có hiện tượng thối rễ, vàng lá, rụng quả… do ngập úng nước phần rễ dưới đất gây ra.

Từ những nguyên nhân nói trên, để vực lại cây cam ở Nghệ An, chúng tôi đề nghị:

Thứ nhất: Tỉnh cần xây dựng 1 – 2 cơ sở có đủ điều kiện về đất đai, cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất cần thiết, có nguồn tài chính… để chuyên sản xuất, nhân giống cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng trên quy mô lớn, có thể bằng hình thức liên doanh, liên kết để sản xuất và cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong khâu chọn tạo cây giống đầu dòng để từ đó nhân giống, sản xuất giống bằng phương pháp ghép mắt lấy từ cây đầu dòng sạch bệnh.

5941_IMG_2344
Khi cây cam từng một thời được nâng niu, nay bị cho "ra rìa" để nhường chỗ cho cây mía. Ảnh: Cao Sơn.

Thứ hai: Quản lý tốt thị trường giống cây ăn quả, nhất là cây cam, quýt, bưởi. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả tự do, không đảm bảo quy trình sản xuất theo quy định của Luật Trồng trọt và chưa được cơ quan có thẩm quyền thuộc Sở NN-PTNT cấp giấy phép hành nghề.

Thứ ba: Ở những vườn cam đã già, hết thời gian kinh doanh và những vườn cam bị bệnh, còi cọc, tàn lụi thì nhất thiết chặt bỏ đi, thu gom lại đốt sạch, vệ sinh sạch sẽ đất đai, bón vôi và luân canh cây trồng khác như mía, ngô, rau màu các loại ít nhất 2 năm, sau đó mới trồng lại cam.

Thứ tư: Những cây cam, vườn cam trồng mới cần thực hiện trồng và thâm canh đúng quy trình sản xuất. Trong đó cần lưu ý: Mật độ trồng không quá 500 cây/ha; trồng bằng giống cây sạch bệnh, có lý lịch rõ ràng, có địa chỉ và cơ sở sản xuất cụ thể. Trong thâm canh hạn chế sử dụng phân hoá học, tăng cường đầu tư nhiều phân hữu cơ các loại, nhất là phân chuồng, phân xanh để vừa cải tạo đất, vừa hạn chế sâu bệnh và là biện pháp kéo dài thời gian kinh doanh của cây.

Thứ năm: Tất cả các vườn cam ngay từ khi trồng đều phải làm hệ thống mương tiêu thoát nước, đề phòng khi trời mưa to gây ngập úng vườn cam, nhất là các vườn cam được trồng ở nơi đất thấp trũng, nơi chung quanh có núi đồi bao quanh… Ngoài ra, phải thường xuyên thăm nom, kiểm tra từng cây cam để phát hiện có loại sâu bệnh hại gì xuất hiện thì kịp thời phòng trừ ngay.

Trường hợp gặp phải thời điểm nắng nóng, gió Lào thổi mạnh, đất đai quá khô cằn thì cố gắng tưới nước, tấp tủ kín gốc cây bằng rơm rạ, cỏ, lá cây khô…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất