, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 22/12/2021, 19:15

Tan theo dòng nước

NÔNG QUỐC LẬP
(hanoimoi.com.vn)
Tối đã lâu rồi nhưng nhà Lở vẫn chưa lên đèn. Lúc sẩm tối bà Miên nhìn thấy Lở lùa trâu về chuồng. Lở lên nhà mở cửa. Tiếng loa thùng bốc lên inh tai nhức óc. Nhưng chỉ một lát lại thấy nó đóng cửa, vắt khăn mặt, quần đùi lên vai, miệng huýt sáo, chân hướng lên mỏ nước... Tưởng nó đi tắm giặt một lát rồi về mà mãi vẫn chẳng thấy đâu. Bà thầm nghĩ chắc nó lại ra quán bi a nhà lão Biền rồi. Thế là hồn mẹ Lở trên bàn thờ lại thêm một bữa phải nhịn đói.
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Bản Mỏ Đầu Chó vốn yên bình nhưng từ ngày có cái bàn bi a của lão Biền thì khác hẳn. Để thu hút trai trong bản trong làng đến chơi, hai tuần đầu lão không thu tiền bàn. Chơi bi a không khó gì, mới đầu không biết điều khiển cây gậy nên đánh trượt bóng, nhưng càng đánh độ chính xác càng cao. Lão Biền còn bảo đây là một môn thể thao, nhiều cao thủ xuất thân từ những bàn bi a làng đấy...

Lở sống “ngày ở nhà, tháng ở ngoài”. Nó là người mê chơi bi a nhất bản. Sểnh ra là lại chạy đến đánh vài séc, không có tiền thì đứng nhìn người ta đánh, chán chê mới chịu về. Bà Miên nhắc nó nhiều lần rồi. Bà đã hứa lúc mẹ Lở lâm chung là sẽ bảo ban nó chí thú làm ăn, không chơi bời lêu lổng nữa. Bà đã nói với Lở rất nhiều, nhưng những lời nói của bà như giọt nước rơi trên lá khoai. Bà lầm rầm nói: “Em đã cố lắm rồi chị ơi, nhưng Lở không nghe đâu. Cái hồn của nó bị con thú hoang bắt đi rồi”.

***

Đợi mãi không thấy Lở về, bà Miên đẩy cửa vào nhà, mang hai bát cơm rau đến ban thờ thắp hương. Khi người mất chưa được làm lễ mãn tang thì phải dâng cơm sớm tối, nếu không hồn ma sẽ không được siêu thoát, quay về nhũng nhiễu con cháu. Nhiều đêm Lở vắng nhà, ban thờ mẹ vẫn đỏ hương.

“Không biết quả bi a có sức hút gì mà thằng Lở mê thế? Chị ở trên trời có linh thiêng hãy gọi Lở về”. Bà Miên vừa thắp hương vừa nói. Bất chợt bà nhìn vào tấm ảnh trên bàn thờ. Dường như từ hai khóe mắt những giọt nước đang rơi. Bân phạ ơi (*), bà đang ở cõi mơ hay cõi thực đây? Từ thuở lọt lòng đến giờ đã gần tám mươi tuổi, bà Miên chưa nghe ai nói di ảnh người chết cũng biết nhỏ nước mắt bao giờ. Bà lấy lại bình tĩnh, tiến lại gần rồi đưa ngón tay sờ vào tấm ảnh. Bà cảm thấy đầu ngón tay dinh dính nước. “Chị ơi, lẽ nào chị đang khóc? Chị khóc vì tấm lòng của em đối với chị ư? Anh em xa bốn phương trời, làm sao bằng được những người nhà bên. Chị từng nói như vậy mà. Hay chị khóc vì thằng Lở không nghe lời chị? Giá ngày xưa chị nghe lời hai đứa con gái, bảo ban Lở từ nhỏ, để cho nó làm lụng, quen với tất cả công việc, không nghe bạn bè xúi giục nghỉ học thì giờ đã không nên nỗi này”.

Bà Miên chắp tay vái rồi đi ra. Vừa khép cánh cửa thì có hai thằng “tóc xanh tóc đỏ” đi xe máy đến đầu sàn. Chúng không chào bà lấy một câu, chỉ gọi: “Lở ơi, Lở ơi!”.

- Cháu hỏi Lở à? Nó không có nhà đâu.

- Lở đi đâu hả bác? Chúng tỏ ra lịch sự với bà.

- Bác không biết đâu. Nó lùa trâu vào chuồng xong là đi đến giờ vẫn chưa về. À, cháu thử đến bàn bi a lão Biền xem. Mọi hôm Lở hay ở đấy.
- Trước khi lên đây cháu có qua bàn bi a nhưng không có Lở ở đó. Gọi điện thoại thì nó tắt máy.

- Thế cháu tìm Lở có việc gì thế?

- Bọn cháu là bạn của Lở. Bọn cháu đến chơi thôi. Lở không có nhà thì hôm khác cháu đến vậy.

Bà Miên đi về nhà nhưng câu nói “Lở không có ở bàn bi a” vẫn lởn vởn trong đầu. Lở có thể đi đâu được nhỉ? Ở bản Mỏ này, ngoài Lở thì từ đứa trẻ sáu bảy tuổi đến người già đều biết đi xe đạp, xe máy. Lở không có xe máy. Nhà Lở có cái xe đạp chị gái để lại Lở cũng bán sắt vụn rồi. Lở muốn ra khỏi bản Mỏ phải có người chở đi. Mà nó có việc gì hệ trọng mà phải đi đêm? Có lẽ nào trước khi nhắm mắt về trời mẹ Lở lại biết được điều gì đó từ thằng con trai mà bà quý hơn vàng? Bà chỉ tay vào vỏ bao thuốc lá là muốn ám chỉ điều gì?

Tiếng xe máy nổ giòn rồi im bặt. Rồi tiếng chó sủa, tiếng cửa mở, tiếng chân người rầm rập trên ván sàn làm bà Miên tỉnh giấc. Bà với lấy chiếc điện thoại con trai mới mua cho. Đã hai giờ sáng. Lở về muộn thế ư? Linh cảm điều gì đó không bình thường, bà nhổm dậy ra khỏi giường. Mươi bước chân đã đến dưới nhà sàn của Lở. Con Bạch Tuyết thường được bà cho ăn nên chỉ vẫy đuôi mừng.

- Lấy ra đi. Tiếng một người nói. Bà Miên nghe như giọng của thằng Trường cháu ông trưởng họ.

- Dùng ít thôi, dùng nhiều có ngày nghẹo đấy.

- Chết được là tốt. Chứ sống thế này tao chán lắm rồi. Đi đâu cũng nghe những lời ca thán. Đi đâu cũng bị người ta để mắt tới.

- Thôi nạp rồi còn đi ngủ sớm, khuya quá rồi. Có người giục.

Giọng nói này cũng quen quen. Đúng rồi, hai thằng “tóc xanh tóc đỏ” lúc nãy. Rồi tiếng nói im bặt. Chỉ còn những âm thanh loẹt xoẹt khe khẽ, tiếng bật lửa tanh tách. Trong lúc bà Miên cố nghĩ xem chúng nó đang làm trò gì thì những thằng người trên nhà nghiêng ngả phê khói thuốc. Những mảnh giấy bạc theo khe ván bay xuống tầng dưới. Bà nhặt lấy mấy mảnh rồi bước nhẹ chân ra khỏi nhà Lở. Về đến nhà, bà bật đèn pin lên soi. Không phải chúng nó đang hít hê rô in đấy chứ? Đúng rồi, trước lúc mẹ Lở chết đã chỉ tay vào bao thuốc lá, ý muốn nói Lở hít thuốc trắng. Bân đin ơi (*), thằng Lở đã trượt dài như thế rồi sao?

***

Ở bản Mỏ thằng Lở và thằng Tường nghiện nặng nhất, người ta kháo nhau như thế. Tuy vậy Lở chưa trộm cướp của ai, thỉnh thoảng nó mới bán bao thóc, bao ngô thôi. Lở thèm thuốc nhưng hằng ngày vẫn phải ăn cơm để sống. Thằng Tường nói đúng: “Không thể đem hết thứ ăn được bằng mồm đổi lấy thứ chỉ ngửi bằng mũi”. Mấy hôm nay Lở không có tiền hút, nó hút ké với thằng Tường. Lở đi đâu cũng phải nhờ thằng Tường chở đi. Bán đổi cái gì thằng Tường cũng sẵn sàng phục vụ. Tường ở rể bên Tuyên Quang, nhưng vì nghiện nên bị nhà vợ đuổi thẳng cổ. Không còn chỗ để đi, Tường đành quay về quê. Từ ngày có Tường, Lở cũng không còn thích chơi bi a nữa. Cứ tối đến Tường lại lấy xe máy chở Lở lên phố huyện chơi.

- Lở này, mày muốn làm việc có nhiều tiền để tiêu không? Tường hỏi.

 Kiếm được nhiều tiền thì ai chẳng muốn. Nhưng mà làm việc gì kiếm được nhiều tiền vậy anh? Không phải ăn cắp, ăn cướp, lừa đảo, trấn lột người ta chứ?

- Muốn có tiền thì phải ăn cắp thôi.

- Mấy chuyện trộm cắp em sợ lắm.

- Sợ sao mày còn dính vào. Mà tối nay anh không còn tiền nữa đâu. Hôm nay đến lượt anh ké mày rồi.

- Nhưng em không có tiền mà.

- Không có tiền lại còn chê việc ăn cắp. Cứ quyết định như vậy đi.

Cơm tối xong, Lở đi ra bàn bi a lão Biền. Đến khuya Lở cùng Tường đi xe máy lên phố huyện. Nhưng đi được vài cây số Tường quay đầu xe. Đến đèo Keng Phác, Tường dừng xe lại. Hai người đi bộ vào lũng mác mật.

- Tiền đây rồi. Tường chỉ vào cuộn dây cáp quang đang thi công.

- Lấy thứ này đi bán để công an tóm à? Chẳng ai dám mua thứ này đâu.

- Ngu thế, lớn mà không khôn. Tao với mày sẽ đốt cháy lớp nhựa vỏ, chỉ lấy lõi đồng đi bán thôi.

Lở cùng Tường tưới xăng đốt đống cáp quang. Xong hai đứa lại đi lấy cuộn dây điện cao thế. Tường đã chuẩn bị sẵn kìm cộng lực, hai đứa thay nhau cắt dây điện ra thành từng đoạn. Cắt xong cuộn dây điện, chúng đem bán cho lão Sứ buôn đồng nát được mười triệu đồng.

Có được món tiền lớn nhưng Lở không thấy vui. Ăn cắp, phá hoại tài sản của nhà nước, nếu công an điều tra ra chắc chắn sẽ bị ngồi tù vài năm. Nghĩ đến đó Lở thấy rùng mình. Nghe tin Tường đã bị công an bắt trên đường xuống Thái Nguyên, Lở càng hoang mang. Lở nhớ lời mẹ dạy ngày nào, nhớ những lời khuyên của dì Miên. Lâu nay mắt Lở đã mù quáng, tai đã quen nghe lời ngọt ngào của Tường cùng lũ bạn chơi bời, đầu óc đã bị thuốc làm cho u mê.

Lở cảm thấy có lỗi với mẹ, có lỗi với dì Miên. Lở hối hận. Nó ngước nhìn trời, phía đằng đông một cơn giông đang ùn ùn kéo đến...

------
(*) Trời đất ơi (tiếng Tày)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất