, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/09/2021, 14:25

Tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai, dịch bệnh

THU CÚC
(baochinhphu.vn)
Ngày 29/9, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 26 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong năm 2021.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự ASCC 26 - Ảnh: VGP

ASCC xem xét và thông qua các văn kiện, Tuyên bố của Cộng đồng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38; chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần quan tâm, những thành tựu của Cộng đồng và định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Hội nghị có sự tham dự của 10 bộ trưởng/trưởng đoàn của các nước ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Các bộ trưởng cho rằng, với sự đoàn kết và nhất trí cao, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đã và đang chủ động thích ứng, thường xuyên trao đổi và nỗ lực cùng nhau đạt được các ưu tiên đã đề ra từ đầu năm trên các lĩnh vực như môi trường bền vững, sẵn sàng trong tương lai việc làm, sự đáp ứng của nền công vụ, quyền của trẻ em, giảm nghèo, lồng ghép giới, công tác xã hội, bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương, phát triển thể thao và thanh niên…

Các bộ trưởng đánh giá cao Cộng đồng Văn hóa - Xã hội trong việc thực hiện sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD - lá chắn ASEAN), từ đó bảo vệ người dân trước những tác động tiêu cực liên quan.

Hội nghị cũng ghi nhận phần chia sẻ các quan điểm của các bộ trưởng ASEAN về các lĩnh vực cần quan tâm và thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội và các nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19, bao gồm việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể phục hồi sau COVID-19 của Cộng đồng ASEAN.
Các bộ trưởng cũng bày tỏ sự mong đợi với việc thành lập và vận hành Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED). Hội nghị đánh giá cao sự thành công của cam kết hỗ trợ nhân đạo của ASEAN với Myamar do Tổng Thư ký ASEAN chủ trì ngày 18/8/2021. Sự kiện này đã nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế cũng như huy động hỗ trợ gần 8 triệu USD để giúp Myanmar ứng phó với đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự ủng hộ cao đối với sáng kiến của Brunei xây dựng Khuôn khổ toàn diện về nền kinh tế chăm sóc với những chính sách chiến lược về: Ứng phó với thách thức và cơ hội của xã hội già hóa; xây dựng ASEAN với khả năng chống chịu thiên tai; đổi mới công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số trong ASEAN; xây dựng gia đình làm nền tảng vững mạnh cho nền kinh tế chăm sóc; tăng cường an sinh xã hội/không ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường khả năng phục hồi và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng đánh giá những giải pháp được đưa ra là hết sức thiết thực, bảo đảm ổn định xã hội và góp phần vào phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay. “Việc hoàn thành xây dựng các kế hoạch công tác của các cơ quan chuyên ngành, trong đó lồng ghép các sáng kiến và hoạt động nhằm ứng phó với dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch cũng như những vấn đề mới nổi khác là điểm nhấn cho thấy ASEAN đang ngày càng thích ứng và tăng cường khả năng chống chịu trước những cú sốc về kinh tế hay tác động về xã hội của một thế giới đang thay đổi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam để khắc phục và vượt qua đại dịch COVID-19, đặc biệt là việc Chính phủ chủ động ban hành và thực hiện nhiều chính sách về tài chính - tài khóa, giảm thuế, giảm giá điện, nước, triển khai các gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Chính phủ Việt Nam cũng thực hiện những chính sách miễn giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn… cho người lao động, giảm sâu thu nhập để bảo đảm an sinh xã hội và sớm hồi phục kinh tế - sản xuất an toàn, trong điều kiện chủ động thích ứng, linh hoạt, và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả.

Kết thúc Hội nghị, các bộ trưởng đã ra tuyên bố chung và đồng ý thông qua về nguyên tắc đối với 27 văn kiện, tuyên bố, trong đó 7 văn kiện, tuyên bố sẽ trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38; 20 văn kiện, tuyên bố được thông qua về các lĩnh vực thanh niên, lao động và việc làm, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ, giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ công, môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19…
Các bộ trưởng cũng thống nhất về nội dung của Báo cáo Hội nghị ASCC lần thứ 26 để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2021.

Hội nghị ASCC là Hội nghị cấp bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực hợp tác Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, được tổ chức 2 lần/năm trước hoặc liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN để rà soát việc thực hiện các hoạt động và chuẩn bị các văn kiện thuộc lĩnh vực phụ trách của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội trong các hoạt động hợp tác ASEAN để trình Cấp cao ASEAN thông qua.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất