, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/08/2022, 17:00

Tăng sức cạnh tranh cho các nhãn hiệu tập thể

LÊ DUNG
(baodaknong.org.vn)
Xây dựng nhãn hiệu tập thể gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đã trở thành một hướng đi quan trọng, góp phần thúc đẩy sức cạnh tranh, nâng cao giá trị của các nông sản. Vì thế, ngành chức năng, các chủ thể đang nỗ lực tăng sức cạnh tranh cho các nhãn hiệu tập thể.

Giá trị và sức cạnh tranh

Huyện Krông Nô hiện có 2 nhãn hiệu tập thể được Bộ KHCN chứng nhận bảo hộ. Đó là sản phẩm "Lúa gạo Krông Nô" và "Bơ núi lửa Krông Nô".

Trong đó, đối với vùng sản xuất lúa, trên địa bàn huyện đang có gần 4.600 ha. Mỗi năm, huyện gieo trồng được 2 vụ, với năng suất bình quân từ 7-8 tấn/ha.

Riêng nhãn hiệu lúa gạo tập thể đã được tỉnh công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với khoảng 560 ha, sản lượng đạt gần 8.000 tấn/năm.

Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, để phát huy nhãn hiệu này, huyện mong muốn sẽ thu hút đầu tư 1 nhà máy chế biến sâu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu "FOT 48" của HTX Tiến Thành (Cư Jút) đang tìm cách tiếp cận thị trường

Đối với sản phẩm bơ, sau khi được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể, UBND huyện giao Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện quản lý, sử dụng và phát huy giá trị tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, trên thực tế, vùng trồng bơ của địa phương hiện rất nhỏ lẻ, không tập trung. Việc khai thác nhãn hiệu tập thể của chủ thể đang gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, tại huyện Cư Jút, hiện đã có nhiều sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu và có mặt trên thị trường như: đậu nành, cà phê, tiêu, điều, gấc…

Địa phương phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 10 sản phẩm được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-5 sao cấp huyện; 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Huyện đang nỗ lực hỗ trợ các sản phẩm OCOP được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tạo thuận lợi khi tiếp cận thị trường.

Hỗ trợ tiếp cận thị trường

Theo Sở KHCN, thời gian qua, các sản phẩm hàng hóa có nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã hỗ trợ đắc lực cho người dân, HTX, doanh nghiệp trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, ổn định chất lượng, bán được giá.

"Lúa gạo Krông Nô" được hỗ trợ bày bán tại các gian hàng lưu động của Bưu điện tỉnh

Tuy nhiên, hiện nay, các nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chưa phát triển hết giá trị. Phần lớn các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động các doanh nghiệp, HTX, tổ chức và cá nhân tham gia sử dụng.

Đa số các chủ thể chưa thật sự hiểu sâu về nhãn hiệu, chưa quy hoạch được vùng trồng cụ thể, không có kinh nghiệm trong quản lý và phát triển sản phẩm. Vì vậy, chưa có sự đầu tư bài bản sản xuất theo chuỗi giá trị, chỉ sản xuất theo truyền thống, nhỏ lẻ.

Cũng theo Sở KHCN, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong việc hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan đến việc đưa sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Về phía các chủ sở hữu cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc phát triển nhãn hiệu. Việc quản lý và kiểm soát quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm có thương hiệu cần tăng cường hơn nữa.

Các sản phẩm hàng hóa sẽ tiếp tục được hỗ trợ đăng tải trên các website của địa phương, sở, ngành, kết hợp với các tiểu thương chợ truyền thống, địa điểm du lịch để trưng bày sản phẩm phục vụ du khách.

Ngành KHCN sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; trong đó, ưu tiên các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ và các doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.

Ðắk Nông có 10 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ. Trong đó, có 3 nhãn hiệu đã ngừng sử dụng, 5 nhãn hiệu chưa phát huy giá trị. Nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô” và “DakDam coffee” được chủ thể phát huy giá trị, nhưng chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, với số lượng hạn chế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất