, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/06/2021, 16:39

Tăng thu nhập từ trồng cây hoa sứ

ĐỨC TOÀN
(Báo An Giang)

Nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người yêu cây cảnh về cây hoa sứ, anh Nguyễn Đức Thắng (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật để phát triển loại cây trồng này. Chính nhờ mô hình đã giúp gia đình anh Thắng có nguồn thu nhập ổn định hơn 10 năm qua.

Mô hình trồng cây sứ giúp gia đình anh Thắng ổn định cuộc sống

Đến tham quan vườn hoa sứ của gia đình anh Nguyễn Đức Thắng, chúng tôi bị cuốn hút bởi những chậu hoa có kiểu dáng lạ, độc đáo với những cánh hoa đầy màu sắc. Chỉ về phía những chậu sứ được bày trí ngăn nắp trước sân, anh Thắng cho biết, việc phát triển mô hình được hình thành cách đây khoảng 10 năm. Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Thắng đang sở hữu khoảng 1.500 chậu sứ các loại.

Nói về cơ duyên đến với loại cây cảnh này, anh Thắng cho biết, bản thân biết đến loại cây cảnh này trong một dịp rất tình cờ. Trước đây, gia đình anh chủ yếu canh tác lúa, xong công việc đồng áng, anh thường đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Trong một dịp tình cờ được tham quan vườn trồng cây hoa sứ của một người bạn ở xã Long Kiến (huyện Chợ Mới), nhận thấy đây là mô hình có tiềm năng phát triển, nên anh quyết định chọn loại cây cảnh này phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Để nâng cao kỹ thuật canh tác, anh Thắng xuống “vựa hoa” TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) để tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn nơi đây, đồng thời chọn mua cây giống về trồng.

Thời gian đầu, anh Thắng mua một ít cây giống về trồng. Sau thời gian chăm sóc, cây phát triển, ra hoa, tạo trái, anh tiếp tục sử dụng hạt để nhân giống cho vườn cây của gia đình. Theo anh Thắng, sứ là loại cây dễ trồng và không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và công chăm sóc. Cây sứ không kén đất và chịu được khí hậu khô hạn nên có thể trồng ở nhiều vùng đất khác nhau.

Tuy nhiên, loại cây cảnh này dễ chết nếu bị ngập úng nên cách 1-2 ngày anh Thắng mới tưới nước 1 lần. Trên cây sứ thường xuất hiện một số đối tượng gây hại, như: sâu ăn lá, rệp, nhện đỏ, bệnh vàng lá, đốm lá, thối thân... Việc quản lý, điều trị các loại sâu bệnh này khá đơn giản, chi phí sử dụng thuốc hóa học thấp.

“Cây sứ được trồng bằng cách gieo hạt. Sau 1 tháng, cây phát triển bằng 1 ngón tay thì bắt đầu chuyển sang chậu cho cây. Khoảng 6 tháng thay chậu 1 lần để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Thời điểm này, tiến hành cắt tỉa để thân và rễ có hình dáng đẹp hơn. Bình quân mỗi cây trồng khoảng 1,5 năm là có thể bán ra thị trường” - anh Thắng thông tin thêm.

Khoảng 6 tháng thay chậu 1 lần để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Hiện nay, anh Thắng trồng song song 2 loại cây là sứ thường, loại hoa có 1 lớp cánh (cánh đơn) và sứ Thái Lan, loại hoa có 2 lớp cánh (cánh kép). Trong đó, giống cây Thái Lan với nhiều ưu điểm, như: hoa nhiều, màu sắc sặc sỡ, cánh hoa có nhiều lớp... nên được thị trường ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu, anh Thắng tiến hành ghép và lai tạo các loại khác nhau. Theo anh Thắng, việc ghép cây khá đơn giản, chỉ cần dùng phôi là gốc của cây thông thường ghép với cành sứ Thái Lan là có thể cho ra các chậu sứ đa dạng về hình dáng, màu hoa cũng như cánh hoa.

Cây sứ có hình dáng độc đáo, bắt mắt, đặc biệt cây ra hoa rất sai và cho hoa quanh năm nên được người yêu cây cảnh ưa chuộng. Nhờ vậy mà vườn sứ của gia đình anh Nguyễn Đức Thắng được nhiều khách hàng tìm đến tham quan và mua về trưng. Anh Thắng cho biết, hiện nay, bình quân mỗi ngày anh bán từ 5-6 chậu hoa sứ, chủ yếu bán cho khách vãng lai. Giá cây có hoa cánh kép được anh bán từ 50.000-60.000 đồng/chậu, còn hoa cánh đơn được bán với giá 25.000 đồng. Bình quân mỗi tháng, anh Thắng thu lợi nhuận khoảng 7-8 triệu đồng.

Nhờ việc canh tác hoa sứ đã tạo điều kiện để anh phát triển kinh tế gia đình ngày càng thuận lợi. Từ 10 công đất thuê trước đó, anh Thắng tiếp tục thuê thêm 10 công đất để canh tác, nâng diện tích đất canh tác lúa của gia đình lên 2ha. Cũng nhờ đó, anh Thắng có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cải thiện.

Ngoài trồng sứ, anh Nguyễn Đức Thắng còn trồng thêm các loại hoa, như: cúc, thọ để bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mỗi năm, anh canh tác khoảng 2.000 chậu thọ và khoảng 500 chậu cúc, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, gia đình anh thu về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất