, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 09/08/2022, 13:30

Tạo môi trường thuận lợi để mục tiêu phát triển kinh tế tập thể thành hiện thực

NGUYÊN PHƯƠNG
(thoibaotaichinhvietnam.vn)
Trả lời phóng viên TBTCVN, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để khu vực kinh tế tập thể (KTTT) phát triển đúng như kỳ vọng, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới” (NQ 20-NQ/TW), Trung ương đã đổi mới và cụ thể hóa một loạt chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên điều quan trọng là cần tạo môi trường thuận lợi để những chính sách, chủ trương này sớm triển khai trong cuộc sống.

PV: Thưa ông, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới" (NQ 20) đã đưa ra nhiều điểm mới về phát triển KTTT. Ông bình luận gì về các điểm mới này?

Ông Hồ Xuân Hùng: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, NQ 20 tiếp tục khẳng định vai trò của KTTT vẫn là một thành phần kinh tế quan trọng phải được củng cố phát triển, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế. Đặc biệt quan niệm phù hợp xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập, xu thế tất yếu của thị trường và xuất phát từ lợi ích thiết thực, điều này cũng thể hiện sự quyết tâm, sự nhất quán của Đảng trong sự phát triển KTTT.

 
Ông Hồ Xuân Hùng.
 

Bên cạnh đó, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII còn bàn về một loạt vấn đề liên quan với nhau như Nghị quyết số 18-NQ/TW về đất đai, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tam nông và tiếp đến là NQ 20 là bàn về KTTT. Đây là 3 vấn đề có sự tác động lẫn nhau. Nếu chúng ta bàn rời rạc các vấn đề này thì chờ đợi thực hiện các nội dung rất lâu, bởi trong nội dung KTTT đều liên quan đến đất đai, phát triển nông thôn mới, nông nghiệp…

Quan điểm chỉ đạo của NQ 20 cũng nêu rõ KTTT với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, tăng cường liên kết các HTX, hình thành các liên HTX, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Đây là điểm rất mới của NQ 20, mở ra sự phát triển theo chuỗi trong kinh tế. Như vậy, nghị quyết đã kịp thời nêu rõ và giải quyết những vấn đề bức xúc thực tiễn hiện nay đang đặt ra.

Không những vậy, nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu tổng quát là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững; phải lấy mục tiêu là hiệu quả bền vững và phải năng động trong KTTT chứ không phải chỉ phát triển về số lượng.

Theo tôi, với những điểm mới trên về nội dung, nếu chúng ta làm rõ được những chính sách, chủ trương để cụ thể hóa được nội dung của nghị quyết thì tôi tin rằng có thể sẽ khắc phục những tồn tại của KTTT trước đây và có thể tạo vị thế mới của KTTT, tránh hiểu nhầm KTTT là hợp tác xã.

Nguồn: Nghị quyết 20-NQ/TW Đồ họa: Thế Dương

PV: Để khu vực KTTT phát triển đúng như kỳ vọng, Trung ương đổi mới một loạt chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, trong đó đề ra 8 nhóm chính sách như đất đai, tài chính, nhân lực… Theo ông, các chính sách này đã phù hợp với thực tế?

Ông Hồ Xuân Hùng: Để phát triển KTTT, có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều năm nay đã có nhiều chính sách cho KTTT nhưng chưa đi vào cuộc sống bởi trong quá trình tổ chức gặp rất nhiều khó khăn. Để phát triển KTTT lâu nay có một số khó khăn nổi trội như đất đai, trụ sở, vốn… Bất kỳ lĩnh vực nào từ công nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp… cũng đều thiếu đất đai làm mô hình, làm trụ sở, làm sản xuất. Khó khăn nữa là tiếp cận vốn và thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là khu vực hợp tác xã. Hơn nữa, chúng ta còn nặng về cách triển khai, thực hiện tổ chức KTTT nặng về hợp tác xã. Điểm mới nhất tại nghị quyết lần này là cho phép HTX được thành lập mới về doanh nghiệp, tạo điều kiện để HTX phát triển về quy mô, phạm vi hoạt động.

Trong nghị quyết, các chính sách khá đầy đủ và toàn diện, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện các chính sách này, từ đâu và phải rõ ràng về nguồn lực. Nếu làm không đầy đủ và không nêu rõ thì chính sách sẽ thành vô hiệu. Vì vậy, điều quan trọng là bây giờ phải cụ thể hóa các chính sách.

Tôi thấy trong các giải pháp của NQ 20 đã nêu rất rõ, cụ thể hóa các chính sách. Ví dụ, trong chính sách phát triển nguồn nhân lực đưa ra chủ trương dứt khoát phải chuẩn hóa các chức danh trong tổ chức KTTT, đây là nét mới của nghị quyết, thể hiện thái độ kiên quyết. Nếu chúng ta không có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo của KTTT tốt thì rất khó phát triển KTTT. Hơn nữa, đối với chính sách phát triển nguồn nhân lực đã cụ thể hóa việc khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức KTTT. Hoặc đối với chính sách đất đai, dứt khoát phải hoàn thiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, trong đó bố trí quỹ đất cho các tổ chức KTTT để hiện thực hóa các chính sách đó. Đây cũng là giải pháp rất quyết liệt và phải có chỉ thị của Đảng mới cụ thể hóa các chính sách này.

PV: Theo ông, các cấp, ngành, địa phương cần làm gì để thực hiện có kết quả nghị quyết, hiện thực hóa các chính sách cũng như sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống?

Ông Hồ Xuân Hùng: Để thực hiện có kết quả nghị quyết, các cấp, các ngành, địa phương trước tiên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ những quan điểm, chủ trương, giải pháp của NQ 20. Cùng với đó, phải thể chế hóa các chính sách và trong quá trình này cần có sự vào cuộc đồng bộ, sâu sát của địa phương và các đoàn thể quần chúng.

Nói chung KTTT chỉ thành công khi thực hiện đúng nguyên lý hợp tác tự nguyện cùng có lợi. Chúng ta phải tạo môi trường để KTTT hoạt động hiệu quả thì các chính sách mới đi vào hiện thực.

Bên cạnh đó, các chính sách không nên dàn trải mà cần tập trung vào một số vấn đề bức xúc như đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí... Ví dụ, trong nông nghiệp thì khuyến nông, khuyến công rất thành công. Vậy còn HTX phi nông nghiệp thì cần tổ chức hình thức gì phù hợp với yêu cầu của dân? Hay vấn đề chính sách tài chính, cái khó là tiếp cận vốn, muốn tiếp cận vốn thì giải quyết bằng cách gì? Phải có những giải pháp rất cụ thể, cán bộ cơ sở phải sâu sát về việc này thì việc triển khai chính sách mới hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất