, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 06/12/2017, 16:17

Tạp bút: Hai cái giường

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Có những lúc mỏi mệt trong cuộc hành trình cơm áo, tôi thường mơ được trở về hai ngôi nhà cũ, một là nơi tôi sinh ra, một - khi tôi lớn lên và rời đi.

Những đồ vật và cách ba má tôi bài trí trong hai ngôi nhà cũ ấy tái hiện rõ nét trong ký ức. Bây giờ còn lại một vài thứ, đặc biệt là hai cái giường giống hệt nhau như sinh đôi, khó thể phân biệt được cái này với cái kia. Má tôi kể rằng, ba tôi đặt đóng hai cái giường ấy cùng với cái tủ đựng quần áo, bàn viết… vào năm ba má cưới nhau, 1955.

Ngôi nhà đầu tiên ba má tôi thuê, có hai gian trên và dưới. Gian nhà trên, chia làm ba, một bên ba tôi làm phòng khám bệnh, ba tôi là y sĩ thời ấy. Chính giữa đặt bộ salon và một bên là nơi ngủ. Trong gian ngủ có hai cái giường hai bên, giữa là tủ quần áo cao. Trên hai cái giường đó, chúng tôi từ sơ sinh đến lớn lên qua những cơn đau bệnh có khi hiểm nghèo. Tôi nhớ những lúc tôi và anh trai nóng sốt đến mê sảng mà mẹ tôi thường bảo là chưa qua cái đốt khó nuôi. Phía sau tủ có một khoảng trống cách tường là nơi chúng tôi chơi trò trốn tìm, thậm chí chui xuống cả gầm giường.

 

Rồi ba tôi cất nhà mới, cạnh nhà cũ. Hai cái giường được đặt chung trong một phòng. Ba má một giường, tôi và em gái một giường. Kỳ lạ thay, qua nhà mới tôi không còn những cơn nóng sốt mê sảng nữa để lớn lên dần, phổng phao.

Biến động thời cuộc, một số đồ gỗ thời ba má tôi cưới nhau lần lượt ra đi như cái đi-văng, bộ salon, và một số thứ khác nhưng hai cái giường, cái tủ và hai bàn làm việc được giữ lại. Là tôi chỉ nói đến những đồ vật có từ khi ba má tôi cưới nhau. Từ ngôi nhà này, chúng tôi lớn lên, đi học xa, trở về rồi lập gia đình ra riêng. Ba tôi mất, má tôi bán nhà theo con về thành phố. Toàn bộ đồ gỗ được mang theo. Vợ chồng em gái tôi ở với má.

Rồi em gái ra riêng, má tôi bán nhà lần thứ hai khi tuổi đã cao, không thể ở một mình. Những món đồ gỗ chia cho hai chị em. Hai cái giường rời nhau sau hơn 60 năm cùng sinh ra, kề vai, sát cánh. Phần tôi một cái giường, tủ quần áo lớn, bàn viết của ba.

Tôi mang những đồ gỗ ấy về nhà mình và kêu thợ làm mới, vec-ni. Cái tủ còn đẹp và chắc chắn lắm, tôi chỉ cần làm lại phần sau bị hở. Nhờ anh thợ mộc giảng giải tôi mới biết toàn bộ là gỗ hương, ngày xưa người ta chú trọng kiểu dáng, chạm trổ, vẹc-ni bóng loáng đẹp đẽ bên ngoài, bên trong hơi thô, chủ yếu bào láng, không như đồ gỗ bây giờ trong ngoài nhìn đều đẹp, nhưng lại không bền bằng.

Phần tủ bị hở, tôi gợi ý hay là bạ miếng gỗ khác vào thì anh thợ nói là để đánh nó qua, bởi thời gian làm gỗ bị xê dịch, hở ra. Thấy anh lấy búa đánh ầm ầm vào phần sau cái tủ, tôi xót quá, vừa thương cái tủ, vừa sợ nó bể. Thế nhưng anh ấy nói, gỗ tốt thì chắc lắm, búa đánh không bể, chỉ có sâu mọt bé tí mới ăn được gỗ thôi! Nghiệm thêm được một triết lý của cuộc sống.

Cái giường không đúng tiêu chuẩn như bây giờ. Thời gian thay đổi, chuẩn cho cuộc sống cũng thay đổi theo xu thế hiện đại. Khi mua tấm nệm tôi phải nhờ cắt bỏ đi 5 phân chiều dài.

Điều đáng nói là từ ngày đem chiếc giường về nhà tôi có giấc ngủ êm, ít mộng mị. Cảm giác bình yên như những ngày thơ ấu ngủ bên cạnh ba, mẹ, em…

Sau nghỉ hưu, tôi có việc phải vào Sài Gòn giúp đỡ con cái. Một năm rồi lửng thửng hai năm. Ở thành phố, dù không lạ nhà nhưng tôi thường có những giấc ngủ chập chờn. Có thể do tuổi lớn ngủ ít, cũng có thể do tôi hay đem nhiều suy nghĩ vào giấc ngủ, cũng có thể do tôi không phù hợp với lối sinh hoạt của các con. Nếu hôm nào tôi ngủ sớm vào đầu hôm thì y như rằng tôi sẽ thức giấc vào lúc hai giờ và trằn trọc đến sáng.

Vậy mà, về lại ngôi nhà mình ở Nha Trang, ngả lưng trên chiếc giường là vật kỷ niệm của ba má tôi ngủ giấc đầy, sâu. Dù ngủ sớm nhưng tôi không bị thức giấc khuya về sáng. Tôi hiểu đó là cảm giác an tâm, bình yên quen thuộc, thân thương, kiểu như trẻ con nhớ hơi mẹ vậy!

Nhiều đêm ở thành phố, tôi nhớ hơi ấm cái giường cũ. Ký ức trải dài miên man. Những ngày tôi nóng sốt, có bàn tay má mát lạnh sờ trán. Có ba hỏi han muốn ăn gì để ba mua. Tuổi học trò, đêm thức khuya đến mấy cũng luôn dậy vào lúc 6 giờ sáng. Một thời bao cấp lập gia đình ra riêng, nuôi con mọn, khó khăn chồng khó khăn. Thời triền miên thiếu ngủ khi các con còn nhỏ…

Chỉ nghĩ nhiêu đó thôi, tôi lại mở máy tính, vào mạng tìm vé máy bay giá rẻ để về nhà. Ngôi nhà của tôi, có chiếc giường, cái tủ, bàn viết là kỷ vật của ba má. Có giấc ngủ bình yên, đầy, sâu, êm ái.

Kỷ niệm níu chân con người mỗi khi ký ức tràn về tôi không thắng lại kịp. Tôi lần tay theo thành giường và miên man nhớ. Sáu mươi năm hơn cho tuổi của hai chiếc giường và sẽ lâu hơn nữa vì gỗ còn chắc chắn lắm.

Nếu chiếc giường biết nói, nó sẽ kể lại cho tôi nghe đầy đủ những câu chuyện thời thơ ấu. Và, tôi sẽ biết được chiếc giường này có nhớ chiếc giường kia không?

 

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất