, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/04/2021, 11:34

Tay em trổ vàng, tay anh chạm bạc

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm ở hữu ngạn sông Đồng Giang thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cách trung tâm thành phố Thái Bình 20km về phía Đông. Tương truyền vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ, ở làng Đồng Xâm lúc đó có ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng lên châu Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) mưu sinh, rồi ở đó ông học được nghề kim hoàn. Trở về làng, ông mở xưởng tại nhà để hành nghề rồi truyền dạy cho cả làng.

Khó nhất trong nghề là khâu chạm. Người thợ phải có óc thẩm mỹ, có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh đời thì mới cho ra sản phẩm đẹp, có hồn.

600 năm kỳ cạch

Từ làng Đồng Xâm lan dần đến các làng Tả Phụ, Hữu Bộc, Dương Cước, Xuân Cước... Ban đầu, người dân mới chỉ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng, qua năm tháng phát triển thành nghề mỹ nghệ chuyên chạm khắc các đồ gia dụng bằng đồng, dần dần làm được các đồ trang sức bằng bạc, vàng... Lúc bấy giờ người Đồng Xâm làm tại quê, khi có sản phẩm thì đem đi bán ở khắp nơi, đến cả kinh kỳ. Tiếp đến, người ta khăn gói quả mướp mang đồ nghề đi khắp nơi ăn cơm thiên hạ.

Đến cuối thời Lê trung hưng thì nghề chạm bạc Đồng Xâm đã nổi tiếng, phát triển thành phường Phúc Lộc có 149 thợ. Ông Nguyễn Kim Lâu là trùm phường, chia phường thành bảy chi, mỗi chi cai quản một hạng thợ và làm một công đoạn: trơn, đấu, đậu, chạm. Thợ làm ở công đoạn nào thì thấu hiểu công đoạn ấy, không biết việc ở công đoạn khác. Đây vừa là cách chuyên môn hóa, cũng là cách giữ bí mật nhà nghề. Các dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ đều có người tham gia phường. Phường quy định người nào muốn học nghề đều phải nộp tiền để làm lễ cầu phúc và lễ kính Tổ nghề. Hằng năm vào ngày mùng năm tháng giêng âm lịch, phường thợ phải tập trung trước am để làm lễ giỗ Tổ. Tổ nghề Nguyễn Kim Lâu thọ ngoài 80 tuổi. Khi ông tạ thế, thợ vàng bạc khắp nơi về chịu tang, lập am thờ, tạc bia đá ghi công đức của thầy. Am thờ xưa cứ được nâng cấp dần thành đền thờ Tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm còn đến ngày nay.

Từ cuối thời Lê, thế kỷ 18, nhiều thợ bạc Đồng Xâm đã được triệu lên kinh đô phục vụ triều đình làm các vật dụng khảm, chạm vàng, bạc trên những ngai thờ, mũ thờ. Thời nhà Nguyễn, thợ bạc Đồng Xâm làm nhiều sản phẩm để triều đình mua dùng làm quà tiến cúng. Dân làng còn nhớ tới thời Tự Đức có ông Lưu Quang Chế được vua triệu vào cung sửa chữa ngai vàng, làm các đồ trang sức cho hoàng cung, sau được triều đình ban cho hưởng lộc bát phẩm.

Nghề chạm bạc Đồng Xâm càng phát triển thì tay nghề của những người thợ càng tinh xảo. Người làng còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lư đỉnh bằng bạc, tranh tứ quý, tranh tứ bình... Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm chuốt tinh xảo, đường ve nước vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, sợi tóc, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. 

Thời Pháp thuộc, người Pháp đã lấy sản phẩm của làng Đồng Xâm xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Tây Âu. Thời đó hầu như người làng nghề chỉ làm đồ bạc như hàng ăn, bộ văn phòng tứ bảo, khung gương, bàn chải... xuất bán nước ngoài. Sau khi tình hình kinh tế thay đổi, hàng xuất khẩu ít dần, Đồng Xâm chuyển hẳn sang làm hàng nội địa. 

Gì cũng làm được

Làng Đồng Xâm quanh năm lúc nào không khí cũng rộn rã. Ngay từ đầu làng là hình ảnh những cửa hàng lớn nhỏ biển hiệu đủ kích cỡ trưng bày sản phẩm. Khắp nơi vang tiếng búa, tiếng đục, hàn, chạm... Người Đồng Xâm tự hào rằng bất kỳ sản phẩm gì từ vàng, bạc, đồng… ở đây cũng làm được và làm theo nhu cầu của thị trường, do đó sản phẩm làng nghề rất đa dạng. Từ các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa như hàng trang sức, hàng phục vụ Phật giáo, Công giáo, dân làng còn chạm trổ những bức tranh danh lam thắng cảnh, chân dung nhân vật... 

Để làm ra một sản phẩm chạm bạc cần rất nhiều công đoạn, với bốn kỹ thuật truyền thống là trơn (những đồ không có hoa văn thì cườm cho nhẵn, bóng, trơn tru), đấu (tạo hình hoa văn rồi gắn vào sản phẩm), đậu (nung chảy vàng, bạc rồi kéo thành những sợi mảnh như sợi tóc, nhỏ như hạt kê để tạo hoa văn), chạm (chạm trổ hoa văn). Thợ giỏi là phải tinh thông cả bốn kỹ thuật trơn, đấu, đậu, chạm, trong đó khó nhất là khâu chạm. Khâu này được ví như người viết chữ đẹp, chữ xấu nên người thợ phải có óc thẩm mỹ, có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh đời thì mới cho ra được sản phẩm đẹp, có hồn. Ngoài ra, còn phải cần cù, chịu khó, kiên trì, nhẫn nại mới theo nghề được. Đến nay, người trong làng nghề đã ghi dấu bàn tay tài hoa của mình trên các phù điêu, tranh, đồ thờ ở các đình, chùa lớn trong cả nước như Bái Đính, Tam Chúc… Ông Tạ Văn Úy, chủ cơ sở chạm bạc Thái Úy, thôn Tả Phụ, xã Hồng Thái, chia sẻ: “Làm một sản phẩm có rất nhiều công đoạn song cần nhất là sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay người thợ nên tôi vẫn duy trì làm thủ công, nhất là phần chạm. Dùng máy ép thì mỗi ngày có thể ra hàng trăm bức tranh nhưng nếu làm thủ công thì mấy người làm vài ngày mới được một bức. Vì thế, người Đồng Xâm luôn giữ được độ tinh tế của sản phẩm”.

Sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.

Nói đến tác phẩm gây tiếng vang của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm gần đây, phải kể đến bức tranh Đoan môn hoàng thành Thăng Long và minh họa Lý Công Uẩn rời đô. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Chi hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý chạm bạc Đồng Xâm đã đại diện các làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh Thái Bình đăng ký có quà tặng Thủ đô Hà Nội. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Ngoan (sinh năm 1933) người thôn Tả Phụ, xã Hồng Thái, đứng ra đảm nhiệm việc tổ chức và cùng với năm nghệ nhân hàng đầu của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm thực hiện bức tranh dài 2,8m, rộng 1,8m bằng chất liệu đồng đỏ. Những nét chạm trổ tinh hoa và độc đáo được thể hiện trên bức tranh là thâu tàng được cả tâm, tài, trí của người làng nghề. Bức tranh được rước diễu hành xung quanh hồ Gươm tối ngày 03/10/2010, sau đó được trưng bày ở triển lãm quốc tế tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô suốt thời gian tổ chức kỷ niệm và hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Ngoài tác phẩm lớn trên, các sản phẩm thân thuộc như hộp đựng trầu cau, hộp đựng trà, hộp tròn, ấm trà… của ông Nguyễn Văn Ngoan cũng rất độc đáo và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nói về làng mình, nghệ nhân đã làm nghề chạm bạc từ năm 1958 vẫn tự hào: “Không những là sản phẩm của Đồng Xâm mà để phát huy nét tinh hoa độc đáo của nghề nghiệp, chúng tôi còn biết phối kết cùng các sản phẩm của các làng nghề thủ công khác để tô thêm giá trị thẩm mỹ. Ví dụ như hiện nay Đồng Xâm có nhiều cơ sở đang sản xuất hàng men sứ Bát Tràng (Hà Nội), khảm tam khí cho hàng đúc Ý Yên (Nam Định), kết hợp với hàng sừng Thụy Ứng (Hà Nội) làm tăng giá trị và thu nhập cho cả hai làng nghề. Bất kể thứ gì làm bằng kim loại quý như đồng thau, vàng, bạc, nhôm, nicken, bạch kim; sản phẩm từ nhỏ đến to Đồng Xâm không bỏ qua một việc gì. Đó là lý do để Đồng Xâm có đủ việc làm cho cả một vùng nghề rộng lớn”.

Năm 2005, khi nhà nghiên cứu Trịnh Bách bắt đầu công việc phục dựng bộ trang phục của vua quan triều Nguyễn, ông đã tìm về làng Đồng Xâm đặt hàng nghệ nhân Đinh Quang Thắng. Hoàn toàn không có vật mẫu để tham chiếu, mọi chi tiết đều chỉ căn cứ vào hình ảnh tư liệu của người Pháp để lại, vậy mà ông Thắng đã công phu nghiên cứu và làm ra những họa tiết trang phục bằng đồng tuyệt đẹp, sống động tới từng chi tiết. Bộ đồ này sau đó được trưng bày trong các triển lãm về trang phục cung đình Huế trong và ngoài nước, tạo ra tiếng vang trong dư luận quốc tế về vẻ đẹp tưởng như đã mất của một thời lịch sử Việt Nam. 

Sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.

Không chỉ là nghệ nhân giỏi, ông Thắng còn là một người thầy tâm huyết. Ông luôn duy trì lớp học 10 - 15 học viên, miễn học phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Bên cạnh đó, xưởng chạm bạc của gia đình ông cũng tạo công ăn việc làm cho 8 - 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ông nói: “Tôi luôn quan niệm, muốn tạo ra sự cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống thì bản thân mình phải không ngừng trau dồi, sáng tạo ra những thứ độc đáo, cạnh tranh lành mạnh”.

Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, cho biết: Doanh thu của nghề chạm bạc Đồng Xâm đạt hơn 100 tỉ đồng mỗi năm. Những năm gần đây, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện đã có nhiều chủ trương phát triển làng nghề, trong đó làng nghề chạm bạc đã được quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cấp logo thương hiệu làng nghề, tạo uy tín cho sản phẩm; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Đặc biệt, năm 2020, UBND tỉnh Thái Bình đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm chạm bạc, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề. 

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm hiện có hơn 200 tổ sản xuất, hình thành một vùng nghề rộng lớn chạy dài 6km, mở rộng phát triển sang hai xã bên cạnh là Lê Lợi và Trà Giang (gọi tắt là vùng nghề chạm bạc Lê - Hồng - Trà), tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, mang lại thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của làng được tiêu thụ rộng rãi cả trong nước và quốc tế. Thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi có HTX Phú Lợi chuyên làm các sản phẩm mỹ nghệ cốt đồng mạ bạc, cốt đồng mạ vàng và bạc nguyên chất. Sản phẩm của HTX đa dạng, tinh xảo, lại có khu thao diễn tay nghề, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm nên là điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm nghề chạm bạc Đồng Xâm.

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất