, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 22/01/2023, 06:00

Tết quê nhà

NGUYỄN TRỌNG CHỨC
Đâu chừng đã trên mười lăm năm trước, tôi được xem một triển lãm ảnh, giới thiệu những làng quê Bắc bộ với các góc nhìn chân phương, không tô vẽ thêm thắt bằng các thủ pháp kỹ thuật, kỹ xảo nhiếp ảnh hiện đại. Vậy mà tôi đã lặng người trước những cổng làng, cổng xóm đã gần trăm năm tuổi thọ, những mái nhà, đầu hồi nhuốm màu thời gian, những khóm tre lá đã ngả vàng bên ao bèo tấm xanh rì, những con đường quê trong chiều tà thinh lặng...

Những góc máy thật giản dị, nhưng thể hiện được cái hồn của làng quê Bắc bộ, của hàng ngàn làng quê Bắc bộ mà ở một trong những làng quê nghèo ấy tôi đã chào đời. Làng tôi, quê nội và quê ngoại của tôi, cách Hà Nội hơn nửa giờ chạy xe gắn máy, đôi khi nhẩn nha, chỉ bằng hai chặng xe buýt tôi đã về đến đầu làng. Những năm tuổi trẻ, mỗi khi tôi được nghe mẹ kể chuyện làng, bao giờ bà cũng bồi hồi nhớ lại thời còn là một cô thôn nữ khỏe mạnh, hát trống quân, đối đáp chẳng kém ai lại giỏi giang việc nhà nông: “Có thế mới về làm dâu được ở nhà ông bà nội con”.

Nhưng những gì tôi được biết nhiều nhất về quê hương, bản quán của mình là từ ông nội. Ông thường kể cho đứa cháu mới vào tiểu học nhưng biết lắng nghe chuyện về làng. Những chuyện nửa thật nửa đượm màu cổ tích về các bậc tiền hiền thuở mới lập làng, trong đó có cụ tổ mười mấy đời trước của dòng họ tôi. Về các nhân vật đặc biệt và thú vị sống cùng thời với ông. Về cái cổng làng và ngôi nhà nay trở thành nhà thờ họ.

Tôi nghe mãi không biết chán, cứ vòi ông kể lại đến thuộc lòng. Nên hôm về làng lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, tôi có cảm giác thật thân thuộc, ngỡ mình từng sống nơi đây tự kiếp nào!

Một góc làng quê với các kiến trúc cổ còn lưu giữ được.

Ngày ấy, lối vào làng là đường đất hẹp, chỉ vừa đủ cho chiếc công nông ồn ã nhưng nay đã được trải nhựa phẳng phiu, nối với các làng lân cận trong xã. Dù không thể tránh khỏi cơn lốc đô thị hóa tràn qua, nhưng may thay làng tôi vẫn còn giữ được phần nào thần hồn của ngôi làng đã được hình thành từ đời nhà Lý.

Vẫn còn những cổng vòm nhà cũ kỹ đặc trưng của nông thôn miền Bắc. Còn miếu làng cổ kính, thờ Thành hoàng tương truyền là một bộ tướng của Hai Bà Trưng. Còn điếm canh với cái mõ là gốc tre già - mà theo lời người chú, bậc lão thành duy nhất ở làng thông thạo chữ nho - hiện vật cổ đó đã có từ năm 20 của thế kỷ trước. Còn nhà từ đường thờ các cụ tổ nhiều đời dòng họ tôi với đôi câu đối chính tay ông nội tôi viết, được những người thợ thủ công ở làng chạm khắc tuyệt đẹp cách đây đã trên thế kỷ.

Và còn nhiều nữa những góc, những nẻo của làng quê tôi mà chỗ nào đối với tôi cũng thân thương, cũng đẹp nhất! Chỗ nào cũng lặng lẽ dõi theo tôi bằng ánh mắt bao dung như người mẹ nhìn đứa con xa nhà đã lâu nay trở về trong vòng tay mẹ. Cái cảm giác được che chở, được tha thứ ấy tôi đã nhìn thấy khi xem những ảnh làng quê trong cuộc triển lãm kể trên.

Vào một mùa xuân vài năm trước, sau nhiều phen lần lữa tôi đã lần đầu tiên về quê nhà đón Tết. Như để mừng đứa con xa quê trở về dịp đầu xuân, cây đào phai trong sân vườn nhà thờ họ đã bừng nở vào chiều 30. Đó là công phu chuẩn bị cho đào ra hoa của chú tôi: “Chú phải tuốt lá từ rất sớm vì đài dự báo Tết này sẽ rét hơn mấy năm trước đấy cháu”. Ở hiên nhà, mấy chậu cúc đại đóa vàng rực, thược dược hồng thắm cũng đương hoa. Chỉ những tờ hồng điều trên bàn, ông bảo: “Khi biết cháu sẽ về quê tết này, chú đã có chữ để viết câu đối. Những câu đối bán sẵn chỉ viết chung chung “Chúc tết đến trăm điều như ý/ Mừng xuân sang vạn sự thành công”, “Tết đến gia đình vui sum họp/ Xuân về con cháu hưởng bình an”, còn nhà mình sinh thời ông nội cháu năm nào cũng viết câu đối tết, chữ đẹp ý hay, nên chú vẫn cố giữ nếp xưa…”.

Rồi ông đọc đôi câu đối trước ban thờ nhà từ đường: “Quy lĩnh triều tiền chung tú vịnh/ Đỗ giang nhiễu hậu dẫn tài nguyên” và giảng giải: “Ngày xưa, phía trước nhà có cái gò hình con rùa (giờ là mấy khóm cây cao cao kìa cháu), đó là nơi chim chóc quần tụ, hót vang ngợi ca. Còn phía sau nhà thuở trước có con sông Đỗ, là dòng sông đưa tài lộc vào nhà. Đấy là chữ của ông nội cháu, một bậc túc nho hay chữ nhất làng”.

Đám rước Thành hoàng trong lễ hội mùa xuân.

Tôi đã hưởng thụ một mùa xuân thật hậu hĩ ở quê nhà. Trong tiết trời rét, được ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh chưng, uống chén rượu gạo cất ở làng và trò chuyện không dứt với mấy người em chú bác sống ở Hà Nội cũng về quê nhà đón Tết. Lại nhớ mẹ với nồi bánh chưng những năm xa xưa, đàn con xúm xít giúp mẹ vo gạo nếp, đãi đậu xanh, rửa lá và hồi hộp chờ lúc lửa bếp được đốt lên.

Những kỷ niệm của thời thơ ấu bừng dậy. Lẫn trong mùi khói, mùi hương hoa xuân lẩn khuất đâu đây dường như có cả mùi đất, mùi bùn, mùi rơm rạ thời thanh xuân của mẹ và mùi của ấu thời đã xa lơ xa lắc chợt trở về bên bếp lửa cuối năm…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất