, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 20/01/2023, 07:16

Tết xa quê ở Vàng Ma Chải

NGỌC ĐINH - MẠNH HÀO
(nhandan.vn)
Nhìn thấy dòng chữ “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào, chiến sĩ là anh em ruột thịt” ngay khi ô-tô lăn bánh qua chiếc cổng lớn ở Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, cũng như ở rất nhiều đồn biên phòng trên khắp cả nước, chúng tôi đã hiểu được vì sao những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh có thể vững tay súng, ngày đêm bám trụ nơi mảnh đất vùng biên để bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Lý tưởng ấy đã giúp những người lính vơi đi nỗi nhớ gia đình, nhất là trong những ngày Tết đến, Xuân về khi mọi gia đình đều được sum họp bên nhau.

Vẫn biết đó là nhiệm vụ, là lý tưởng nhưng khi chúng tôi đề cập đến những chuyến về nhà, những ngày tháng xa người thân, tâm trạng của họ cũng ít nhiều chùng xuống, một phần vì nỗi nhớ vợ con, bố mẹ, một phần vì họ luôn có suy nghĩ bản thân chưa giúp được gì nhiều cho gia đình.

Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Mỗi người dân là một cột mốc biên cương

Huyện vùng cao Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có đường biên giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài 97km, với 51 cột mốc biên giới. Trên địa bàn huyện có sáu đồn biên phòng là: Dào San, Sin Suối Hồ, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Huổi Luông và Ma Lù Thàng quản lý 12 xã biên giới, trong đó Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải quản lý ba xã là Vàng Ma Chải, Mồ Sì San và Pa Vây Sử.

Nói về Phong Thổ thì cách đây ba năm, chúng tôi từng có ý định chinh phục đỉnh Ky Quan San hay còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử, cao 3.046m và là một trong bốn đỉnh núi cao nhất Việt Nam, với điểm xuất phát chính là bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ). Tuy nhiên, do địa hình bên Sin Suối Hồ khó khăn hơn, chúng tôi đã quyết định xuất phát ở bản Ky Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với quãng đường từ chân núi lên tới đỉnh khoảng 15km, qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn cho đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.

Đây cũng là con đường được nhiều người lựa chọn hơn bởi đường không quá dốc và dễ đi so với bên phía Lai Châu. Sở dĩ chúng tôi muốn nhắc đến Phong Thổ vì trong cuộc trò chuyện với Thiếu tá Trương Thái Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, anh có kể về hai cột mốc đặc biệt mà đồn quản lý là cột mốc 69 và cột mốc 79, trong đó cột mốc 79 nằm trên đỉnh Phàn Liên San hay còn được các nhóm trekking gọi là Khang Su Văn, thuộc xã Mồ Sì San (Phong Thổ) được mệnh danh là “Nóc nhà biên cương”.

Dĩ nhiên, những câu chuyện của Thiếu tá Trương Thái Bình và cả Thiếu tá Quàng Văn Viện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải phần nào cho thấy những khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải trải qua trong nhiệm vụ ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và giúp nhân dân các dân tộc Dao, H’Mông, Hà Nhì… phát triển kinh tế, củng cố chắc chắn mối quan hệ gắn bó tình cảm quân-dân thắm thiết.

Theo Thiếu tá Trương Thái Bình, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải có nhiệm vụ quản lý hai đoạn biên giới dài 14,228km, đoạn phía đông gọi là phân thủy, đoạn phía tây là tụ thủy, với sáu cột mốc, trong đó mốc 79 là mốc xa nhất. Từ đồn tới mốc 79 phải đi bộ, băng rừng hàng chục ki-lô-mét mà chúng tôi nghĩ bản thân sẽ không thể tới đó khi không có sự chuẩn bị tốt về thể lực, trang bị và cũng không muốn trở thành gánh nặng cho các chiến sĩ biên phòng nếu theo chân các anh tuần tra nhiều ngày. Theo Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 2009, mốc giới số 79 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi, có độ cao là 2.880,69m so với mực nước biển.

Tuy nhiên, nếu đỉnh Khang Su Văn cao 3.012m hấp dẫn dân phượt, các trekker (người đi rừng, leo núi) vì vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh, rừng chè cổ thụ, những con suối nhỏ, thác nước đẹp, thì sự quan tâm của chúng tôi bởi cột mốc 79 là một mốc cao nhất nước ta - ở độ cao 2.880,69m, được ví như là “Nóc nhà biên cương”, và hơn thế chúng tôi còn đặc biệt ấn tượng với câu chuyện mà Thiếu tá Trương Thái Bình kể về cột mốc 69.

Theo Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 2009, mốc giới số 69 là mốc ba cùng số, đều là mốc loại trung. Cột mốc số 69(1) là mốc làm bằng đá hoa cương, đặt trên bờ suối phía Trung Quốc, nơi giao nhau của sông Nậm Cúm (Teng Tiao He), suối Thiên Thầu Hồ (Teng Tiao He) và suối Nùng Than trong lãnh thổ Việt Nam, có độ cao 582,52m; cột mốc số 69(2) làm bằng bê-tông, đặt trên bờ suối phía Việt Nam, nơi giao nhau của sông Nậm Cúm (Teng Tiao He), suối Thiên Thầu Hồ (Teng Tiao He) và suối Nùng Than trong lãnh thổ Việt Nam, có độ cao 585,71m; cột mốc số 69(3) cũng làm bằng bê-tông, đặt trên bờ sông phía Việt Nam, nơi giao nhau của sông Nậm Cúm (Teng Tiao He), suối Thiên Thầu Hồ (Teng Tiao He) và suối Nùng Than trong lãnh thổ Việt Nam, có độ cao 587,54m.

Thế nhưng, đằng sau cột mốc 69 này là một truyền thuyết của người Dao. Theo Thiếu tá Trương Thái Bình, truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một người vợ của vua bị giặc đuổi giết. Bà chạy đến khu vực mốc 69 thì bị giặc giết hại. Chỗ bà nằm tự nhiên nổi lên một quả đồi đất, đá nhỏ và mọc lên một cây măng tre to. Giặc thấy hiện tượng lạ nên cho quân lính chặt cây măng tre đó và phát hiện bên trong có nhiều quân lính.

Giặc châm lửa đốt, về sau người vợ hóa thành mô đất. Người ta thấy khu vực này rất linh thiêng nên về sau, đoàn khảo sát về phân giới cắm mốc đã xác định về mặt địa lý, mô đất này phù hợp xây dựng cột mốc. Về phong thủy, đây là hợp long của hai con suối. Như quan niệm của người Dao thì đó là đầu của một con rồng xuống uống nước ở hai con suối Thiên Thầu Hồ (Teng Tiao He) và Nùng Than trong lãnh thổ Việt Nam. Vào ngày rằm và đặc biệt là 30 Tết, tất cả người Dao đều mang một đầu lợn hoặc một con gà, một chai rượu và một đĩa xôi đến thắp hương, cầu mưa thuận, gió hòa, đất nước bình an. Người Dao quan niệm đây là nơi thiêng liêng.

Vì thế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đã hướng dẫn người dân tuần tra, bảo vệ đường biên giới, phân giới cắm mốc, để trong quá trình tới đây thắp hương, họ có thể phát hiện kịp thời các hoạt động vi phạm hiệp định, vi phạm pháp luật và báo lại cho các cơ quan chức năng. Nhờ đó, mỗi người dân đã trở thành một cột mốc biên cương và cột mốc 69 do vậy có một ý nghĩa đặc biệt, quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, để người dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán an toàn, bình yên.

Công việc gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và lý tưởng

Thật trùng hợp khi trên đường trở về thành phố Lai Châu, chúng tôi đã nghe Thiếu tá Tạ Khoa Bản ở Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử nhắc đến một cột mốc khác. Đó là cột mốc 66. Theo Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 2009, mốc giới 66 là mốc loại lớn, làm bằng đá hoa cương, có gắn quốc huy, đặt trên bờ sông Nậm Cúm (Teng Tiao He) phía Việt Nam, phía đông nam cầu Hữu Nghị giữa Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) và Kim Thủy Hà (Trung Quốc), có độ cao 302,40m.

Tại đây năm 2002, chiến sĩ biên phòng Tạ Khoa Bản đứng tiêu binh giữa trời nắng, mồ hôi ướt sũng người. Vợ con anh đi qua nhưng không ai dám lại gần, cũng không thể lau mồ hôi cho anh được. Cảm xúc khi đó của anh đan xen lẫn lộn, vui vì được gặp vợ con nhưng vẫn phải đứng trang nghiêm để hoàn thành nhiệm vụ.

Sở dĩ chúng tôi một lần nữa nhắc đến các cột mốc biên giới và những khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải trải qua cũng là để hiểu rõ hơn suy nghĩ của họ khi đón một cái Tết xa quê. Tại Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử, ngoài Thiếu tá Tạ Khoa Bản (sinh năm 1973) đã có 29 năm gắn bó với mảnh đất Lai Châu và công tác biên phòng, chúng tôi đã gặp Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn (sinh năm 1980) và có 20 năm xa quê hương Nam Định, bố mẹ và vợ con; Thiếu tá Phan Mạnh Thiết (sinh năm 1971), quê ở Yên Bái.

Và một trong những kỷ niệm đặc biệt trong sự nghiệp quân nhân chuyên nghiệp của Thiếu tá Tạ Khoa Bản chính là khoảnh khắc nêu trên, còn cái Tết xa quê mà anh nhớ nhất chắc chắn là năm 2011, thời điểm anh lần đầu tiên đưa cả gia đình ở Lai Châu về quê Phú Thọ. “Sáng 26 tháng Chạp, tôi có nói chuyện với bố để báo chuẩn bị về nhà. Ông nhớ trước đó tôi nói hứa sẽ về ngày 24 mà giờ đã là 26. Tôi về thì đúng chiều bố mất, đúng ngày 27 tháng Chạp”, Thiếu tá Tạ Khoa Bản nhớ lại.

Đó là thiệt thòi lớn nhất khi sống xa quê và như Thiếu tá Tạ Khoa Bản thừa nhận, xa quê cho nên ai cũng mong mỏi được về quê thăm gia đình, bố mẹ, người thân, bạn bè, nhất là vào dịp lễ, Tết. Thế nhưng, bản thân anh và các đồng chí đã xác định cuộc sống gắn với trách nhiệm nghề nghiệp. Họ coi đó là nghề nghiệp, không phải là cứ mong về quê là được.

Ngoài ra, lý tưởng, nguyện vọng của các anh là được phục vụ lâu dài trong quân đội; bảo vệ biên cương, Tổ quốc, để chính người thân của các anh có được cuộc sống yên bình. “Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận sự mất mát, nén lại tình cảm. Anh muốn về, tôi cũng muốn về thì ai sẽ là người bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ người thân. Bản thân chúng tôi cũng đã được rèn luyện, giáo dục nên chúng tôi hiểu rõ rằng, chỉ có chấp nhận hy sinh thì chúng tôi mới có thể phục vụ lâu dài trong quân đội”, Thiếu tá Tạ Khoa Bản nói tiếp.

Giữa tiếng nước chảy liên tục của 11 bể cá nuôi cá hồi, cá tầm, tiếng suối róc rách ngay bên cạnh, chúng tôi vẫn có thể cảm nhận rõ sự chùng xuống trong mỗi câu nói của người đàn ông 50 tuổi có dáng người thấp đậm, vẻ bề ngoài tếu táo nhưng đầy tình cảm khi anh nhắc đến vợ con. Thiếu tá Tạ Khoa Bản kể rằng, dẫu rằng so với nhiều đồng chí, anh thuận lợi hơn là vợ và hai con sinh sống ở Lai Châu nhưng trước đây, con nhỏ, lại hay đau yếu cho nên vợ anh đã buộc phải từ bỏ sự nghiệp của một nhà giáo để ở nhà chăm con, chấp nhận mọi vất vả để anh yên tâm công tác.

Vì thế, với khoảng 40 ngày phép trong năm, anh luôn dành thời gian về thăm gia đình hoặc nếu không, vào những dịp lễ, Tết, anh xin về trước, sau đó trực Tết để những đồng chí ở xa hơn có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thăm hỏi gia đình, người thân.

Và như Thiếu tá Tạ Khoa Bản nói một cách hài hước thì thời gian anh chăm con có lẽ không nhiều bằng chăm mấy con cá, khi sáng nào anh và các đồng chí như Nghiêm Anh Tuấn hay Phan Mạnh Thiết trong Tổ công tác phụ trách trang trại nuôi cá hồi, cá tầm cũng phải lội xuống bể chăm sóc cá, tắm cho cá bất chấp thời tiết lạnh giá.

Theo Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn, công việc của các anh ở Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử vất vả nhất là vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 10. Chúng tôi đã nghĩ lạnh giá là trở ngại lớn của các anh nhưng Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn cho biết, trong mùa mưa, buổi đêm các anh phải đề phòng lũ lụt, sạt lở. Rồi điều chỉnh nước ra nước vào cho hợp lý, tránh để cá mất nước mà chết, nhiều nước quá thì cá tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến sản lượng của đơn vị giao.

Có lẽ, nếu không phải là một người hết mình với công việc, nhiệm vụ được giao, thật khó để một quân nhân chuyên nghiệp như Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn gắn bó Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử từ năm 2013 đến nay hay 20 năm ở vùng núi biên cương khi bố mẹ, vợ con vẫn ở Nam Định. Thực tế là trước Lai Châu, anh đi lính nghĩa vụ ở Nam Định, học ở Trường trung cấp Biên phòng 1 tại Bắc Giang trong hai năm và năm 2002, anh lên Lai Châu khi tỉnh chưa chia tách. Sau khi chia tách, anh ở Điện Biên đến cuối năm 2009 rồi sang Lai Châu theo diện tăng cường. Năm 2012, kết thúc nhiệm vụ nhưng anh quyết định ở lại và gắn bó với mảnh đất này.

Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn thừa nhận, nhiều lúc anh cảm thấy tủi thân vì không có người thân bên cạnh nhưng nhớ lại quyết tâm ban đầu khi đã xác định đi bộ đội là khó khăn, vất vả, xa gia đình và thiếu thốn tình cảm, anh nghĩ sẽ gắn bó hết mình với sự nghiệp quân nhân chuyên nghiệp cho đến khi sức khỏe cho phép.

Ngoài lý do đó, Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn tiết lộ, anh cũng muốn làm vui lòng bố mình khi các con đều ở xa, trong đó chị gái anh đang dạy học ở tỉnh Điện Biên. “Khi tôi đi nghĩa vụ, ông bảo tôi đã xác định đi lính nghĩa vụ là phải xác định lấy nghề binh làm nghiệp, phát triển con đường binh nghiệp, phục vụ lâu dài trong quân đội. Ông chỉ nói có vậy”, Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn nhớ lại. Nói vậy nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về, anh gọi điện, hỏi thăm bố thì ông luôn động viên anh, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Sau cùng thì như Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn cho biết, anh vất vả xa nhà nhưng nhiều ngành nghề còn vất vả hơn, chưa kể hiện nay, công nghệ phát triển cho nên anh có thể gặp vợ con mỗi ngày thông qua Zalo, Messenger hay được trực tiếp gặp vợ vào mỗi dịp hè khi học sinh nghỉ học trong ít nhất là nửa tháng, một tháng. Nói một cách đơn giản là chồng không về được thì vợ lên thăm chồng.

Có hậu phương vững chắc thì cán bộ, chiến sĩ mới yên tâm công tác. Chính nhờ những người mẹ, người vợ như vậy mà các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải nói riêng, lực lượng biên phòng nói chung, không cảm thấy quá nhớ nhà mỗi khi họ cảm nhận rõ hương vị Tết quê hương qua cành đào rừng đỏ thắm, cành mai trắng rực rỡ, những chiếc bánh chưng xanh và trên hết là tình cảm gắn bó giữa đồng chí, đồng đội với đồng bào các dân tộc thiểu số biên giới. Và ở Trại nuôi cá hồi-cá tầm Bắc Âu, xã Pa Vây Sử, cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn làm tốt mô hình tăng gia sản xuất kết hợp với phát triển kinh tế khu vực biên giới, để người dân có thể học hỏi và làm theo, qua đó vươn lên thoát nghèo.

Ngày Tết Nguyên đán, khi hầu hết mọi người đều mong được trở về đoàn tụ với gia đình, thì những người lính biên cương vẫn gắn bó với sương gió núi rừng, đón mùa xuân bên những bông hoa đào rực rỡ và vững vàng tay súng để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc. Bởi từ lâu, họ cũng đã coi nơi đóng quân là quê hương mình, như lời thơ thi sĩ Chế Lan Viên nói giùm những người lính: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” (Tiếng hát con tàu).

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất