, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 21/06/2019, 09:00

Thách thức từ áp lực dân số và nông nghiệp công nghiệp

HỒNG LUÂN - LÊ QUANG

Trước áp lực dân số thế giới ngày càng tăng nhanh, nhu cầu lương thực cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận. Điều này đặt ra một bài toán không hề dễ cho nền nông nghiệp toàn cầu. Đó là sự chọn lựa giữa việc không ngừng gia tăng năng suất, sản lượng nông sản và hậu quả từ việc khai thác triệt để tài nguyên đất, nước và vấn đề hủy hoại môi trường. Vậy, đâu có thể là giải pháp tối ưu để giải quyết xung đột này?

Mô hình trồng rau hữu cơ tại TP Đà Lạt. Ảnh: Đ.T.
Mô hình trồng rau hữu cơ tại TP Đà Lạt. Ảnh: Đ.T.

Áp lực dân số và nguy cơ tàn phá môi tường để sản xuất lương thực

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới sẽ tăng lên 8,6 tỷ người vào năm 2030; 9,8 tỷ người vào năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100. Sự bùng nổ dân số quá nhanh dẫn đến nhu cầu sản xuất lương thực trên thế giới cũng phải tăng gấp rưỡi trong vòng 30 năm tới. So với năm 2010, thế giới cần thêm khoảng 7.400 ngàn tỷ calo cung cấp vào năm 2050. Nếu sản xuất lương thực được tăng cường như hiện tại, sẽ cần đến diện tích đất phục vụ sản xuất lương thực gấp đôi diện tích Ấn Độ.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nông nghiệp là giải pháp để tăng cường sản xuất lương thực, nhưng chỉ giải pháp này thì không thể giải quyết vấn đề. Chưa kể, việc chuyển đổi này còn có thể dẫn đến tình trạng tàn phá rừng, đất ngập nước và các khu dự trữ, làm gia tăng phát thải cac-bon, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp thâm canh đã và đang gây ra những tác động to lớn lên đa dạng sinh học và môi trường toàn cầu. Việc sử dụng thuốc trừ sâu để tăng sản lượng đang giết dần các loài ong và vô vàn các loài côn trùng khác trong tự nhiên. Bên cạnh đó, việc dùng phân bón nhằm cải thiện dinh dưỡng cho đất cũng đang gây ra những hậu quả không mong muốn. Năm ngoái, người ta phát hiện ra “vùng chết” ở vịnh Mexico, nguyên nhân bởi lượng phân bón thừa thải chảy tràn phát sinh từ ngành công nghiệp chăn nuôi. Phân bón hóa học đồng thời cũng góp phần gây ra biến đổi khí hậu thông qua phát thải khí N2O và làm ô nhiễm không khí thông qua phát thải khí NH3.

Đâu là giải pháp bền vững?

Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) gọi năm 2019 là năm chuyển mình của ngành sản xuất lương thực. Theo đó, giải pháp thay thế rõ ràng nhất cho nông nghiệp thâm canh ở các nước phát triển là nông nghiệp hữu cơ. Tuy vậy, sản phẩm hữu cơ thường thấy ở các siêu thị chỉ góp 2% vào các giao dịch thực phẩm ở Anh và 5,5% ở Mỹ.

Nông dân canh tác hữu cơ phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt trong trồng trọt và chăn nuôi. Các quy định này bao gồm việc chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết, loại bỏ phân bón và thuốc trừ sâu hóa học đồng thời chỉ áp dụng các phương pháp tự nhiên như phân chuồng và tro chất đốt làm phân bón và các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thực vật cũng như canh tác tạo điều kiện cho môi trường sống cho các loài.

Theo Rob Percival, người đứng đầu Hiệp hội Đất đai Anh, nông nghiệp hữu cơ có thể nuôi sống toàn thế giới với điều kiện phải có sự chuyển dịch trong việc tiêu thụ thịt. Ông cho biết: “Chúng ta cần một sự chuyển dịch cấp bách trong cả việc sản xuất và tiêu thụ nếu chúng ta muốn tránh hậu quả thảm khốc nhất do biến đổi khí hậu, việc này bao gồm thay đổi khẩu phần ăn sang hướng ít thịt hơn và tiêu thụ loại thịt tốt hơn”. Ông Rob Percival cũng nói thêm rằng: “Gia súc ở các đồng cỏ có thể hỗ trợ tăng cường chất lượng đất và thu giữ chất hữu cơ, đồng thời phân chuồng cũng giúp tăng độ phì nhiêu của đất cho trồng trọt”. Hiệu suất của nông nghiệp hữu cơ cao hơn so với những nhận định trước đây và khi “các thiệt hại về môi trường gây ra bởi nhu cầu cao về năng lượng và hóa chất trở thành vấn đề thì nông nghiệp hữu cơ sẽ trở nên rẻ hơn cho xã hội và tốt hơn cho hành tinh”, ông Rob Percival nhận định.

Nông nghiệp sinh thái, tại sao không?

Tuy nhiên, để thực hành nông nghiệp hữu cơ, người nông dân bắt buộc phải tốn thêm cả công sức lẫn các khoản chi phí khác. Thế nhưng, thực tế hiệu quả lợi nhuận từ việc canh tác hữu cơ và canh tác công nghiệp chưa có sự chênh lệch rõ rệt do vấn đề đầu ra, thị trường tiêu thụ, thói quen tiêu dùng…Chính vì vậy, một số quan điểm đang cho rằng, để giảm bớt gánh nặng cho nông dân, cũng có thể áp dụng nhiều hình thức canh tác “bền vững” khác để thay thế.

Đối với nhiều nông dân, các khoản đầu tư và thời gian cần để đáp ứng những yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ có thể là một trở ngại lớn, thế nhưng, có nhiều cách để chuyển sang nông nghiệp bền vững mà không cần đến chứng nhận hữu cơ. Nông nghiệp sinh thái là cái tên được dùng chung cho các kỹ thuật canh tác giảm thiểu tác động môi trường. Nó bao hàm cả nông nghiệp hữu cơ nhưng không có tính chính thống và không đòi hỏi các chứng nhận và kiểm tra.

Theo Vicki Hird làm việc cho Sustain (một tổ chức phi chính phủ): “Nông nghiệp sinh thái là tận dụng hệ thống tự nhiên. Giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất nhân tạo như phân bón và thuốc trừ sâu là một phần quan trọng của phương pháp này. Bên cạnh đó cần phải xem xét kỹ lưỡng điều kiện đất, nuôi dưỡng đất, cân nhắc chu trình địch hại tự nhiên và cây trồng”.

Vicki Hird còn tranh luận rằng nông nghiệp sinh thái có thể được áp dụng rộng rãi như giải pháp thay thế cho canh tác công nghiệp gây nhiều tác hại. Nông dân có thể trồng các loại cây che phủ nhằm kìm hãm sự sinh sôi của cỏ dại và trả lại dinh dưỡng cho đất, cũng như áp dụng giải pháp xoay vòng cây trồng như trồng cây họ đậu để cố định ni-tơ cho đất. Điều này đòi hỏi sự quan tâm chặt chẽ đến đất và cây trồng thay vì phương pháp canh tác cũ chỉ hướng đến trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao đạt năng suất cao nhất có thể. Bà Vicky Hird cho rằng: “Điểm mấu chốt là đa dạng hóa, canh tác độc canh không thuận theo tự nhiên và có thể tàn phá đa dạng sinh học”.

Đa dạng hóa sang các loại cây trồng “di sản” như các dòng cây ăn trái và rau củ xưa cũng như các giống cây đa dạng khác thay vì chỉ tập trung vào một số giống cây hiện tại phổ biến trong nông nghiệp thâm canh cũng đem lại nhiều lợi ích. Các giống cây này có những lợi thế riêng của chúng bao gồm khả năng kháng cự với các loại dịch bệnh và điều kiện thời tiết. “Năng suất có thể giảm nhưng chúng ta sẽ có hàm lượng dinh dưỡng nhiều hơn trong thức ăn”, bà Vicky Hird khẳng định.

Nhiều nông dân thậm chí còn đi xa hơn qua việc áp dụng những khái niệm như “nông nghiệp vĩnh cửu” và “động sinh học”. Nguyên lý của nông nghiệp vĩnh cửu liên quan đến hiểu biết mối liên hệ giữa các loại cây trồng và trồng kết hợp các loại cây đồng thời tái sử dụng sản phẩm thừa, chủ yếu làm phân bón. Trong khi đó, “động sinh học” là một hướng đi khác, tuân theo các nguyên lý đề ra bởi Rudolf Steiner kết hợp với khía cạnh tâm linh, ví dụ như việc canh chỉnh thời gian xuống giống và thu hoạch cho phù hợp với lịch âm.

Một ví dụ điển hình khác là đất mùn trên thế giới bị suy thoái trầm trọng cũng có thể được quản lý theo hướng hữu cơ bằng cách áp dụng canh tác ướt (paludiculture). Phương pháp này yêu cầu phải tái lập độ ẩm ướt cho đất mùn bị khô cằn và tìm các loại cây thay thế có thể phát triển tốt bao gồm cây rừng và các loài thảo dược như dớn trắng (Sphagnum moss) và chăn nuôi gia súc.

Gần đây, một hình thức khác đó là “nông nghiệp đô thị” cũng được nhắc đến khá nhiều. Loại hình nông nghiệp này có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm một cách hiệu quả cho vùng có mật độ dân số cao mà không gây ra phát thải khí nhà kính và thất thoát dinh dưỡng do quá trình vận chuyển. Nông nghiệp đô thị hiện nay đang cung cấp một phần năm lương thực cho thế giới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất