, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 11/05/2022, 14:38

Thái Nguyên thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm"

MẠNH PHƯƠNG
(vov.vn)
Sau 3 năm triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bánh chưng Bờ Đậu
Bánh chưng Bờ Đậu.

Bánh chưng Bờ Đậu ở huyện Phú Lương vốn là thương hiệu được nhiều người biết đến của tỉnh Thái Nguyên. Từ khi sản phẩm tham gia Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” đã được người tiêu dùng khắp mọi miền của tổ quốc biết đến. Bà Nguyễn Thị Oanh ở xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương có nghề làm bánh chưng truyền thống Bờ Đậu, cho hay, được Nhà nước hỗ trợ vốn, kho lạnh bảo quản, biển bảng quáng bá sản phẩm nên bánh bán được nhiều hơn.

“Từ khi thành lập làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu sản phẩm càng phát triển hơn, bà con trong xóm cũng bảo nhau làm tốt hơn sản phẩm bán nhiều thu nhập tăng lên. Chúng tôi cũng bảo nhau làm chất lượng để khách hàng đến với mình nhiều hơn nữa”, bà Nguyễn Thị Oanh nói.

Thương hiệu Khe Cốc nổi danh là một trong “Tứ đại danh trà” ở Thái Nguyên. Một thời gian dài chè Khe Cốc phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm. Sau khi tham gia Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, giờ đây thương hiệu chè Khe Cốc đã tìm lại chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc, huyện Phú Lương, cho hay, hợp tác xã hiện có hơn 100 hộ tham gia với vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

“Chúng tôi cũng được các cấp chính quyền, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp đã có những chương trình kết nối đưa sản phẩm chè Khe Cốc và chè của Thái Nguyên lên các sàn giao dịch để mọi người biết đến nhiều hơn”, ông Tô Văn Khiêm cho hay.

Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” xây dựng thương hiệu theo tiêu chuẩn OCOP đang được tỉnh Thái Nguyên triển khai hiệu quả. Từ những sản phầm truyền thống đặc trưng vùng miền như: bánh chưng Bờ Đậu hay như sản phẩm chủ lực địa phương là cây chè, đều được các cấp, các ngành đầu tư phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Ma Tiến Cốp, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương, cho biết, địa phương đã xây dựng được 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

“Đối với những cơ chế từ Trung ương, địa phương hỗ trợ cho làng nghề sản phẩm OCOP thì các chủ thể cũng đã yên tâm. Tuy nhiên, các chủ thể cũng cần quan tâm xây dựng chỉn chu hơn nữa đối với sản phẩm của mình thì mới phát triển bền vững được”, ông Ma Tiến Cốp cho biết thêm.

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã có 53 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, đưa tổng số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP toàn tỉnh lên 129 sản phẩm. Trong đó, 49 chủ thể là hợp tác xã, 11 chủ thể là doanh nghiệp, 3 chủ thể là tổ hợp tác, 3 chủ thể là cơ sở sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền.

“Đối với sản phẩm OCOP, văn phòng đã tham mưu cho tỉnh mở những lớp tập huấn đẻ nang cao nhận thức các chủ thể tham gia chuyển đổi số. Tư vấn các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn điện tử, livestream các sản phẩm để giới thiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Công Dũng, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, cho biết.

Từ những kết quả đạt được, Thái Nguyên đề ra mục tiêu phấn đấu trong 3 năm tới sẽ có ít nhất trên 200 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên và có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, thực hiện được từ 5 đến 8 mô hình Làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất