, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/05/2022, 15:52

Tham vọng trồng lúa đô thị của Singapore

HÀ DƯƠNG
(nongnghiep.vn)
Singapore vốn phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu đã bắt tay vào nghiên cứu giống lúa chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, có thể phát triển được trong môi trường đô thị.
Một lô giống lúa mang tên Temasek, được lai tạo đặc biệt trong phòng thí nghiệm để có thể chống chọi với các điều kiện thời tiết như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt. Ảnh: Netatech
Một lô giống lúa mang tên Temasek, được lai tạo đặc biệt trong phòng thí nghiệm để có thể chống chọi với các điều kiện thời tiết như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt. Ảnh: Netatech

Tham vọng này đang được coi là lối tư duy “đảo ngược nếp nghĩ về sản xuất lúa gạo truyền thống”, vốn vẫn thường gắn với hình ảnh những cánh đồng lúa nước rộng lớn. Theo đó, nghiên cứu trồng lúa trong môi trường đô thị của các nhà khoa học Singapore đang mở ra nhiều triển vọng.

Cụ thể là tại Phòng thí nghiệm Khoa học Đời sống của hãng Temasek, các chuyên gia đã tạo ra giống lúa trong nhà kính, sau đó được đem đi cấy tại một trang trại thẳng đứng công nghệ cao sáu tầng của một tòa chung cư ở khu phố Tampines.

Theo công ty công nghệ bền vững Netatech, đơn vị quản lý mô hình: Bằng cách ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chính xác, nước và chất dinh dưỡng được cung cấp với lượng thích hợp đến rễ lúa, đảm bảo rằng từng thân cây đều phát triển tối ưu. Điều này cũng giúp giảm lượng nước cần thiết để làm ra 1kg gạo từ khoảng 3.000 lít nước xuống chỉ còn 750 lít.

Tuy nhiên điều quan trọng nữa là mô hình mới không chỉ giúp sản xuất lúa gạo bền vững hơn, mà còn có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Nguyên do là giống lúa mới, được gọi là Temasek Rice, được phát triển và lai tạo một cách đặc biệt để có thể chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt.

“Những gì chúng tôi đã làm về cơ bản là đánh giá lại toàn bộ nguồn gốc của giống lúa và tìm chọn ra những tính trạng đã bị mai một trong quá trình chúng ta chạy theo lối sản xuất muốn thu được nhiều năng suất hơn”, Giám đốc điều hành hãng Temasek, Peter Chia nói và cho biết thêm rằng, họ đã chọn được loại lúa gạo có hạt ngắn nhưng to hơn, có khả năng chịu ngập và kháng nấm.

Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục lai ghép những đặc điểm đó vào một giống lúa chất lượng cao và cho ra đời giống lúa mang tên Temasek có thể phát triển tốt trong môi trường đô thị.

Theo các chuyên gia, lứa đầu tiên của giống lúa chống chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt vừa cho thu hoạch và đang được sử dụng để nghiên cứu tiếp, nhằm tạo ra giống lúa gạo giàu dinh dưỡng hơn.

Thành công bước đầu của hãng công nghệ Singapore được coi là nỗ lực mới của nhóm nghiên cứu về các loại thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu và các phương pháp canh tác bền vững, trong bối cảnh Singapore đang tăng cường đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm trong nước.

Theo một báo cáo được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố hồi đầu năm nay, nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ làm tăng khả năng xảy ra các đợt nắng nóng và lũ lụt ở châu Á, khiến khu vực này phải đối mặt với các mối đe dọa bao gồm khan hiếm lương thực và các nguy cơ về sức khỏe.

Giống lúa đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu được trồng trong một trang trại thẳng đứng của hãng Temasek. Ảnh: Netatech
Giống lúa đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu được trồng trong một trang trại thẳng đứng của hãng Temasek. Ảnh: Netatech

Những yếu tố trên đang đặt ra một thách thức đang báo động cho Singapore, quốc gia phải nhập khẩu tới hơn 90% nguồn thực phẩm. Hiện nước này đã đặt mục tiêu có thể tự sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng vào năm 2030.

Đặc biệt, các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể về tài nguyên đất và nước để phục vụ sản xuất lúa gạo cũng như năng suất lúa được trồng ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới.

Các nhà khoa học từ Đại học Stanford (Mỹ) gần đây đã công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Communications, cho thấy năng suất lúa có thể giảm khoảng 40% vào năm 2100 do bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu trong tương lai.

Sự suy giảm năng suất lúa này có thể gây ra những hậu quả tàn khốc cho nhân loại với hơn một nửa trong số 7 tỷ người đang sống phụ thuộc vào lúa gạo làm lương thực chính của họ. Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính nhu cầu gạo toàn cầu đang tăng khoảng 5 triệu tấn mỗi năm.

Hiện hạt giống lúa của hãng Temasek của Singapore đã được gửi vào hầm lưu trữ hạt giống an toàn lớn nhất thế giới, Svalbard Vault ở Na Uy. Cơ sở này còn được gọi là "hầm ngày tận thế", đang lưu chứa hạt giống của hơn 4.000 loài thực vật, bao gồm các loại cây trồng như đậu, lúa mì và gạo, để tái tạo nguồn cung cấp lương thực trong trường hợp thảm họa như thiên tai và dự phòng cho các ngân hàng hạt giống khác.

Theo đánh giá độc lập của tổ chức nghiên cứu protein thay thế The Good Food Institute, Singapore hiện sở hữu mạng lưới công nghệ tiên tiến nhất để sản xuất protein từ thực vật ở bất kỳ đâu ở Đông Nam Á. Hiện mỗi năm chính phủ đảo quốc này dành tới 144 triệu đô la Singapore cho nghiên cứu và phát triển nhằm sản xuất lương thực bền vững các loại thực phẩm trong tương lai, dựa trên công nghệ sinh học tiên tiến, cũng như an toàn thực phẩm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất