, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 25/10/2021, 16:23

"Thần Nông báo" - một tờ báo về nông nghiệp trước Cách mạng tháng 8

NGUYÊN PHONG
(nongnghiep.vn)
Báo Thần Nông ra đời năm 1929, mỗi tuần ra một số, giúp các việc làm ruộng ở Đông Dương, là tờ báo chuyên về nghề nông có lẽ sớm nhất khu vực.
Trang 1 số 1 của Thần nông báo. Ảnh: Tư liệu.

Báo Thần Nông ra đời theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ngày 29/6/1929, là “cơ quan chấn hưng nông nghệ, đăng những điều thiết yếu để giúp dân việc làm ăn hằng ngày, và đường kinh tế mà nông dân nên biết”.

Theo lời giới thiệu trong số 1 của tờ báo ra ngày 1/12/1929: “Thần Nông báo ra đời để giúp tất cả các việc làm ruộng ở Đông Dương. Mục đích của Thần Nông báo là: 1. Truyền báo cho người nông dân biết những điều tiến bộ trong nghề nông ở Đông Dương và ở ngoại quốc; 2. Đăng những điều thiết yếu để giúp nông dân về việc làm hàng ngày; 3. Đăng những việc có lợi cho đường kinh tế mà nông dân nên biết”. Như vậy, báo Thần Nông có chủ trương về đường phát triển kinh tế nông nghiệp, không chủ trương về chính trị, văn học.

Tuy vậy, báo Thần Nông cũng tự nhận: “Thần Nông báo không phải là một tờ báo nói riêng về các chi phái thông thái, nhưng là một cơ quan truyền bá tư tưởng mà trí nào cũng có thể hiểu được”.

“Trong xã hội phân làm hai hạng người sản xuất, Nghiệp - Công - Nông - Thương là những kẻ làm việc cho được đủ lo bề vật chất; và hạng làm việc bằng tinh thần như: Người bác học, kẻ lương công, hàng thao mão”. (Lời trích của báo Thần Nông)

Số 1 báo Thần Nông có nội dung thể hiện nhiều quan điểm, tôn chỉ của tờ báo. Bài “Kính cáo quốc dân” cho biết: “Đương thời đại văn minh này, cái làn sóng cải lương khắp trên mặt hoàn cầu, bất cứ nghề gì cũng phải thay cũ đổi mới để kịp theo trình độ, từ nghề tầm thường cho đến các việc to tát, người ta đều cần phải ra công cố sức tìm tòi lấy các phương pháp để chấn chỉnh thêm lên cho tới cái mục đích hoàn toàn.

Nghề làm nông là cái cỗi rễ lớn trong thiên hạ, ta thử so sánh nghề làm ruộng ỏ các nước văn minh, thì tỏ cho ta biết rằng: Nghề canh nông ở xứ ta còn là trong thời kì bán khai. Kìa nghề nông phố (nghề nông cũ) của người ta từ cách chọn hạt giống, cho chí (đến) cái cách bón mầu đất, cùng là cầy bừa, dẫn thủy, phóng thủy, vân vân nhất thiết đều lấy khoa học ứng dụng vào nghề làm ruộng, cho nên hoa lợi đều được mười phần mĩ mãn”.

Bài viết cũng đã chỉ ra sự chênh lệch, thua kém về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam so với Thái Lan mà ngày nay ngành nông nghiệp vẫn còn trăn trở: “Nước ta là một nông quốc, phần nhiều người chỉ trông về nghề nông mới sinh tồn, thế mà các bạn nhà nông ta chỉ trông cậy vào thiên thời địa lợi, nắng mưa trăm sự nhờ giời, tốt xấu đều nhờ phong thổ, ngoài cách thiên thời địa lợi, chưa có cái gì là cái nhân công, tìm cách để chấn hưng nghề nông, vì thế mà gạo ở xứ ta đem xuất cảng, bán ở nước ngoài vẫn phải giá kém hơn của Xiêm La (Thái Lan) và Diến Điện (Myanmar).

Sách quốc ngữ phổ thông dạy về nghề làm ruộng còn ít, các báo chí hô hào cổ động về sự làm ruộng cũng chưa có mấy, sự đó không những đáng lấy làm tiếc, mà lại còn đáng lấy làm phàn nàn lo lắng về vân mệnh của nghề nông mai sau vậy”.

Cũng trong số 1, bài “Câu chuyện buổi mới”, báo Thần Nông đưa ra các số liệu, phân tích về hiện trạng “ngành nông nghiệp” lúc đó: Về đào tạo nông lâm thì: “Nước ta ngày nay có mấy trường chuyên dạy về khoa nông học như trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang (Bắc Kì), trường Bến Cát (Nam Kì) và trường Cao đẳng Nông Lâm ở Hà Nội. Mục đích trường Tuyên Quang và trường Bến Cát là dạy cho dân biết cách làm ruộng và dạy một cách thiết thực, để học trò sau khi ở trường ra có thể làm ăn trông nom ruộng nương của mình cho phát đạt được. Còn trường Cao đẳng Nông Lâm thì cốt để huấn luyện lấy những người có học vấn khá cao để giúp người Pháp hoặc thay người Việt làm việc trong các nông sở”.

Riêng về ngành lúa gạo, thì bài báo đưa ra thông tin giải pháp gạo ta kém giá hơn gạo Xiêm, gạo Diến Điện “là vì gạo ta không được đều hạt, và thứ nọ hay lẫn với thứ kia. Nên sở Thanh tra nông chính đã đặt một cái chương trình để cứu vãn về việc đó. Chương trình ấy là phải nghiên cứu hết các đất cầy, chia ra từng khu, chọn những hạt giống tốt có tính chất ưa ở khu nào thời gieo ở khu ấy và loại những thứ xấu đi, và khi gặt cũng vận tải và khi bán phải cho thứ nọ không lẫn với thứ kia”.

Và ruộng mẫu lớn đã manh nha ý tưởng trong bài báo: “Sau nữa phải lập nông đoàn cho nhiều, dùng máy móc thay nhân công, và tìm cách hợp ruộng của mình vào một thửa nhớn cho tiện bề trông coi giồng giọt. Như thế thời chẳng bao lâu mà nghề nông sẽ có kết quả to”.

Theo các số báo Thần Nông còn lưu được trong Thư viện Quốc gia Pháp, từ số 1 năm 1929 đến số 120 năm 1933, nội dung chính của tờ báo quan tâm đến có nhiều bài về chủ đề như: Hoãn thuế dân nghèo, phương sách trị thủy, phân bón, cách giữ cho mộng khỏi hư, những giống rau ăn quả, nói về phân, cách trừ chuột, lúa gạo bên Nhật.

Nhiều cây bút của báo Thần Nông tham gia tích cực như: Trần Tiến Ngữ - tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm, Nguyễn Nhạn Hồng, M.V Phan Văn Kế, Mai Sơn Nguyễn Đạo Quan, Bá Nhu, Hồng Thao... Bên cạnh đó, báo Thần Nông còn dịch tài liệu của Sở kiểm lâm, các báo trong nước và trích đăng, sách của Đoàn Trung Còn…

Thông tin chính về báo Thần Nông

Chủ nhiệm: Nguyễn Gia Huy - Hàn Lâm viện trước tác, Đông Pháp kinh tế tài chính Đại Hội nghị nghị viên.
Trụ sở: Ban đầu tại làng Gia Thụy (Gia Lâm, Bắc Ninh), nay thuộc Hà Nội, sau chuyển về 79 phố Hàng Lọng, Hà Nội. Sau cùng chuyển về 63 phố Hàng Đẫy. Giá báo mỗi năm ba đồng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất