, //, :: GTM+7

Thân thương bến nước con đò

TRƯƠNG THÚY
Tôi đứng trên bến sông chờ đò, trong lòng dâng lên cảm xúc khó tả, khó gọi thành tên. Tôi là một người con xa quê. Đành rằng mỗi năm đều cố gắng sắp xếp trở về thăm quê một lần chừng nửa tháng nhưng ngần ấy có bõ bèn gì so với nỗi nhớ cứ nhấp nhổm trong lòng.
Hình minh họa

Làng quê tôi nằm gọn trong vòng ôm của một nhánh sông thuộc sông Kinh Thầy (tỉnh Hải Dương). Quanh năm sông lúc nào cũng đầy nước, lặng lẽ bồi đắp phù sa cho cánh đồng làng tôi luôn xanh mướt khoai, sắn, lúa, ngô. Dòng sông quê tôi hiền hòa, chưa bao giờ làm mình làm mẩy, giận dỗi con người. Nó cần mẫn đắp bồi như chính người dân quê cần mẫn cấy trồng.

Bao đời nay vẫn vậy! Trên bến sông, cây đa già vẫn đứng đó, xòe tán thật rộng để che cho những khách chờ đò trú nắng, trú mưa. Có lẽ do niềm phấn khích, thích thú của đứa con xa quê lâu ngày được trở về, được nhìn thấy những hình ảnh quá đỗi thân thương đã gắn bó với mình suốt một thời thơ dại, tôi đã toan hét lên: “Quê hương ơi, ta đã về đây”. Nhưng tôi đã kịp dừng lại, buông tay xuống, xoa đầu nhìn mấy người khách trên bến đang chăm chú nhìn mình, cười chữa thẹn. 

Tôi đã qua quãng sông này không biết bao lần, vậy mà mỗi lần đều dâng đầy cảm xúc. Từ những ngày còn bé tí, tôi đã biết theo mẹ ngồi trên con đò chèo tay chòng chành chở độ dăm người khách một lượt. Tôi thích thú nhìn dòng nước đỏ ngàu đang nâng chiếc thuyền bồng bềnh rời bến để sang bờ bên kia. Đôi mái chèo như đôi chân chú vịt khổng lồ nhịp nhàng quạt nước, chẳng mấy chốc đã đưa chúng tôi tới bến. Khách vừa bước lên bờ, bác đò đã vội khua mái chèo, quay thuyền về chở những người còn đang đứng đợi.

Lớn hơn chút nữa, cứ chiều mồng Một, hôm Rằm là tôi lại ra bến sông này để ngóng mẹ về. Mẹ mang những thứ cây nhà lá vườn sang chợ bên Vở bán. Nơi đó dân cư đông, hàng bán nhanh lại được giá. Đứng trên bến, tôi cũng bắt chước người lớn cất tiếng gọi “Đò…ò…ò ơi…ơi!”, rồi chạy xuống sát mép nước nhảy choi choi mừng rỡ khi thấy con thuyền tiến lại gần có mẹ ngồi trên đó. Cũng có chuyến ít khách, bác đò sẽ cho tôi lên thuyền sang bến bên kia chờ mẹ. Tôi sung sướng cười tít mắt phi ngay xuống thuyền ngồi xí chỗ.

Đến khi đi học cấp 3 thì tôi qua đò mỗi ngày vì trường cấp 3 nằm bên kia sông, thuộc thị trấn của huyện. Con đò cũng thay đổi, to hơn nhiều và được chạy bằng máy, bác đò chỉ cần ngồi cầm lái chứ không còn phải chèo tay như trước nữa. Những lúc ngồi trên đò, tôi thích nhìn dòng nước như tách ra làm đôi, chạy song song với nhau về tít phía sau. 

Thời gian trôi thật mau, tôi từ một đứa trẻ thơ vẫn hay nghịch trên bến sông ngày nào giờ đã ngoài ba mươi. Mấy mươi năm, cuộc sống có biết bao đổi thay. Con đò ngày xưa cũng được thay thế bằng con đò to hơn. Người lái đò năm xưa tóc đã bạc cũng lui về trên bến, trao lại tay lái cho đứa con. Bác mở quán nước dưới gốc đa ngồi bán vài chén nước, mấy cái kẹo, cái bánh cho khách chờ đò. Chẳng tính chuyện lời lãi, bán nước chỉ là cái cớ để bác đỡ nhớ sông, nhớ đò, nhớ tiếng gọi “đò ơi” đầy tha thiết.         

Con đò chầm chậm tiến vào, tiếng động cơ vang lên ngày một rõ. Nước bị sấn lên, xô nhau oàm oạp vỗ vào bờ, tràn lên chân bến. Buổi chiều là lúc người dân quê tôi, chủ yếu là thanh niên nam nữ đi làm ở mấy nhà máy xí nghiệp vùng bên trở về, nên người qua thì ít, người lại thì nhiều. Con đò vừa nghé vào, kê cái miệng rộng của mình yên vị sát mép bến xong, mọi người đã vội vàng bước xuống. Xe máy, xe đạp, đôi quang gánh gồng, đã thành quen, mọi người cứ xuống đò, tự cân nặng nhẹ mà chia đều khắp sàn để đò khỏi chòng chành nghiêng ngả. Tôi đặt vali hành lí của mình đứng sát mạn đò, nhìn cánh lục bình lẻ bè đang dập dềnh lùi lại phía sau, con đò chầm chậm rời bến.

Có tiếng gọi “Đò ơi! Đò ơi! Chờ với!” vang lên, chập chờn trên mặt sông. Anh lái đò cất giọng hò tếu táo đáp lại: 

- Chớ, đò đầy thì đò phải sang sông. Cũng như em, đến duyên em phải lấy chồng. Chứ chờ sao đặng hỡi cô má hồng kia… ơi… ơi! 

Có lẽ người gọi đò không nghe thấy nhưng những người trên đò ai cũng vui. Có người vỗ tay khen anh lái đò vui tính, hò hay. Anh cười hiền, nhẹ lái đưa con đò tiến dần về bên bến quê. 

Tôi đặt chân lên bến, tưởng như cây đa già đang xà cành lá xuống thấp hơn khi nhận ra người con của quê hương đi làm ăn nơi xa xứ nay lại trở về. Đứng trên bến sông tôi đưa mắt nhìn rõ hơn bãi bồi quê hương mình xanh hiền hòa, miệng thầm thì câu thơ của Đỗ Trung Quân:

“Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông!”

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất